Content on this page requires a newer version of Adobe Flash Player.

Get Adobe Flash player

 

 

 


THẢO CHƯƠNG TÂN ƯỚC

Công Vụ Các Sứ Đồ l Thư Tín Rôma

Biên Soạn: Dick Woodwar


Chương 1: “CÔNG VỤ CỦA ĐẤNG CHRIST PHỤC SINH”

Công Vụ Các Sứ Đồ là quyển sách thần cảm duy nhất viết về lịch sử Hội thánh trong Tân ước. Sách Công vụ liên kết bốn sách Phúc âm với mười ba thư tín của Phaolô. Giả định nếu như không có sách lịch sử nầy, thì khi bạn đọc các thư tín của Phaolô, ắt hẳn bạn sẽ thắc mắc: “Sứ đồ có tên Phaolô nầy là ai, sao tôi đọc trong các sách Phúc âm chẳng thấy nói gì về vị sứ đồ nầy cả?” Sẽ là sự thiếu sót lớn khi nối kết các sách trong Tân ước song lại không có sách mà chúng ta sắp sửa nghiên cứu ở đây.

Cũng có thể xem năm sách đầu của Tân ước đều là những sách lịch sử. Trong khi các sách Phúc âm là những sách được thần cảm chủ yếu viết về tiểu sử của Chúa Jêsus, thì sách Công Vụ Các Sứ Đồ được tách riêng ra khỏi các sách Phúc âm vì đó là sách viết về lịch sử Hội thánh thời Tân ước.

Sách Công Vụ Các Sứ Đồ bắt đầu: “Hỡi Thêôphilơ, trong sách thứ nhứt ta, ta từng nói về mọi điều Đức Chúa Jêsus đã làm và dạy từ ban đầu, cho đến ngày Ngài được cất lên trời,sau khi Ngài cậy Đức Thánh Linh mà răn dạy các sứ đồ Ngài đã chọn” (Công vụ 1:1-2).

Từ những câu đầu tiên trong sách Công Vụ nầy, chúng ta biết được tác giả của sách cũng chính là người đã viết sách Phúc âm Luca, và ông đang đề địa chỉ gởi sách Công Vụ nầy đến cho cùng một người mà ông đã gởi sách Phúc âm thứ ba. Thêôphilơ, có nghĩa là “người yêu dấu của Đức Chúa Trời” và hình như đây cũng là người mà Luca cho là xứng đáng để nhận hai tài liệu vô cùng quan trọng nầy.

Trong sách Công Vụ, Luca tiếp tục câu chuyện mà ông đã bắt đầu trong sách Phúc âm mang tên ông. Luca viết rằng, trong sách Phúc âm của ông, ông đã cho chúng ta một ký thuật rất chính xác và mang tính lịch sử về tất cả mọi điều mà Chúa Jêsus đã bắt đầu thực hiện cho đến lúc Ngài thăng thiên. Tuy nhiên,Luca đã cho chúng ta biết sau khi thăng thiên, Chúa Jêsus vẫn cứ tiếp tục “hành động và dạy dỗ” qua các sứ đồ. Do đó, nhiều ấn bản Kinh thánh gọi sách nầy là “sách Công Vụ Các Sứ Đồ”.

Khi hiểu được tầm quan trọng của ngày Lễ Ngũ Tuần, có lẽ chúng ta sẽ chấp nhận một cái tựa khác hay hơn cho sách là “Công Tác Của Thánh Linh Qua Các Sứ Đồ”. Từ khi Phierơ cho rằng tất cả những dấu kỳ phép lạ xảy ra trong ngày Lễ Ngũ Tuần là của Đấng Christ hằng sống đã phục sinh, thì tựa sách có lẽ hay hơn nữa nếu là “Công Vụ Của Đấng Christ Phục Sinh Qua Các Sứ Đồ” (2:32-33).

Hãy xem xét kỹ thì chúng ta sẽ thấy sách Công Vụ Các Sứ Đồ không có kết thúc – mà nó chỉ dừng lại. Có một số học giả cho rằng do Luca đã bị bắt nên ông không thể tiếp tục hoàn thành sách nầy. Nhiều người khác thì lại bảo sách nầy không có kết thúc bởi vì đó là sách viết về lịch sử Hội thánh, và bạn với tôi hiện vẫn đang còn tiếp tục viết sách ấy.

Những Điều Cần Tìm Trong Sách Công Vụ Các Sứ Đồ

Vì sách Công Vụ Các Sứ Đồ là một sách lịch sử, do đó bạn nên tiếp cận nó như bạn đã tiếp cận mười hai sách lịch sử của Cựu ước. Phaolô đã viết về lịch sử Hêbơrơ: “Những sự ấy có nghĩa hình bóng, và họ đã lưu truyền để khuyên bảo chúng ta là kẻ ở gần cuối cùng các đời” (ICôrinhtô 10:11). Hãy tìm kiếm những tấm gương và những sự khuyên bảo khi bạn đọc sách Công Vụ.

Mục Đích Của Hội Thánh

Khi bạn đọc sách lịch sử nầy, hãy tìm ra mục đích đã được ban cho Hội Thánh. Trong những ngày cuối ở cùng với các sứ đồ, Chúa Jêsus đã ban cho họ điều mà chúng ta gọi là “Đại Mạng Lịnh”. Bạn sẽ tìm thấy Đại Mạng Lịnh nầy vào cuối mỗi sách của bốn Phúc âm. Theo Mathiơ, thì đó là những lời cuối cùng mà Chúa Jêsus đã nói với các môn đồ Ngài: “Hết cả quyền phép ở trên trời và dưới đất đã giao cho ta. Vậy, hãy đi dạy dỗ muôn dân, hãy nhân danh Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh mà làm phép báptêm cho họ, và dạy họ giữ hết cả mọi điều mà ta đã truyền cho các ngươi. Và nầy, ta thường ở cùng các ngươi luôn cho đến tận thế” (Mathiơ 28:18-20).

Sách lịch sử nầy của Tân ước bắt đầu bằng cách mà bốn sách Phúc âm đã kết thúc, đó là Đại Mạng Lịnh. Đại Mạng Lịnh thực chất là một đòi hỏi hay là một mệnh lệnh – “Hãy môn đồ hoá muôn dâ” . Kế đó có bốn phân từ bổ nghĩa cho mệnh lệnh nầy – Môn đồ hoá: ra đi, rao giảng, làm phép báptem, và dạy dỗ.

Trong sách Công Vụ Các Sứ Đồ, điều nầy đã diễn ra. Các sứ đồ đã môn đồ hoá muôn dân bằng việc ra đi, truyền giảng, làm phép báptêm và dạy dỗ. Đây là mục đích đã được ban cho Hội thánh, ngay từ những ngày đầu của Hội thánh, và đó là một Đại Mạng Lịnh. Mạng lịnh ấy chính là “hiến chương (mục đích) của Hội thánh”. Giống như bất kỳ một tổ chức nào, Hội thánh bắt buộc phải thực hiện đầy đủ các quy tắc yêu cầu trong hiến chương của Hội thánh, còn không thì phải chấm dứt.

Lời Hứa Được Ban Cho Hội Thánh

Trong những câu đầu của sách nầy, chúng ta biết rằng trước khi thăng thiên, Chúa Jêsus đã ban những mạng lịnh cho các sứ đồ. Để thêm vào Đại Mạng Lịnh, Chúa Jêsus ra lịnh cho họ hãy chờ đợi: “nhưng phải ở đó chờ điều Cha đã hứa” (Công vụ 1:4-5). Tại phòng cao, Chúa Jêsus có phán hứa với họ rằng Ngài sẽ sai Đức Thánh Linh đến cùng họ. Giờ đây,thực chất Ngài đang ra lịnh cho họ là hãy khoan bắt tay ngay vào việc thực thi Đại Mạng Lịnh mà hãy chờ đợi cho đến khi lời hứa đó được ứng nghiệm.

Cả Kinh thánh thường nói nhiều về việc hãy trông đợi Chúa. Êsai đã rao giảng một trong những bài giảng mà tôi rất thích về sự trông đợi: “Nhưng ai trông đợi Đức Giê-hô-va thì chắc được sức mới, cất cánh bay cao như chim ưng; chạy mà không mệt nhọc, đi mà không mòn mỏi” (Êsai 4031).

Khi Êsai khuyên bảo dân sự Đức Chúa Trời hãy trông đợi Ngài như một con chim ưng đang trông đợi, ông đã chia sẻ một lẽ thật rất quý báu về đức tin. Có đôi khi chim ưng không bay. Khi thấy cơn bão đang kéo đến, nó đứng sát mép tổ rất lâu, có thể hàng giờ, và cứ đợi cho đến khi các luồng gió ấy xoáy mạnh thổi lên cao. Lúc ấy nó liền buông mình ra khỏi tổ cách khoảng năm mét và rơi vào ngay trong cơn gió mạnh đó, nó sải rộng cánh ra để nhận lấy sức mạnh của khí động lực học của gió mà bay vút lên bên trên cơn bão.

Khi đọc phân đoạn Kinh thánh đầu tiên của sách Công Vụ, bạn hãy hình dung Hội thánh lúc đó là hình ảnh của con chim ưng đứng nơi mép tổ và đang đợi gió Thánh Linh thổi đến trong ngày Lễ Ngũ Tuần. Nhưng khi đọc đến chương thứ hai của sách, bạn sẽ hình dung con chim ưng ấy bay ra khỏi tổ, dựa vào sức gió, nó sải rộng đôi cánh ra bay liệng lên cao chế ngự những nghịch cảnh mà nó gặp phải.

Hội Thánh Được Ban Cho Quyền Năng

Công Vụ chương hai mô tả sự xuất hiện của Đức Thánh Linh trong ngày Lễ Ngũ Tuần. Đây là một trong những sự kiện quan trọng nhất của lịch sử tuyển dân Đức Chúa Trời, bởi vì chỉ đơn thuần là một Hội thánh thì không thể nào làm trọn mục đích của nó, trừ phi có quyền năng của Đức Thánh Linh giáng trên Hội thánh ấy. Lẽ thật nầy cũng được áp dụng cho từng cá nhân. Khi chúng ta nổ lực để khiến ai đó trở thành môn đồ của Chúa Jêsus, chúng ta không thể chỉ tự mình nổ lực mà thôi nhưng cần phải có quyền năng của Đức Thánh Linh nữa.

Hội Thánh Thực Hành

Bạn hãy nhớ rằng những sự dạy dỗ được nhấn mạnh trong Bài Giảng Trên Núi của Chúa Jêsus không phải là việc tuyên xưng đức tin suông mà là sự thực hành đức tin (Mathiơ 5-7). Theo Chúa Jêsus, điều quan trọng không phải là những gì chúng ta nói, mà là những gì chúng ta làm. Ngài đã nhấn mạnh đến giá trị đó khi Ngài dạy dỗ các sứ đồ. Chúng ta cũng đừng ngạc nhiên khi đọc rằng thế gian trong thế kỷ đầu tiên đã lấy làm sửng sốt trước sự thực hành đức tin của Hội thánh.

Có nhiều điều mà bạn cần phải xem xét về sự thực hành đức tin của Hội thánh. Thứ nhất, hãy xem xét sự rao giảng của các sứ đồ. Có rất nhiều cuộc truyền giảng lớn đã được ký thuật trong sách lịch sử nầy, và những cuộc truyền giảng vĩ đại đó đã bắt đầu vào ngày Lễ Ngũ Tuần. Kết quả quan trọng nhất của Lễ Ngũ Tuần đó là có ba ngàn người tin Chúa sau khi nghe Phierơ rao giảng, và hàng ngàn người trở lại đạo vào những lần Phierơ truyền giảng tiếp theo sau ngày Lễ Ngũ Tuần.

Sự rao giảng của các sứ đồ trong sách Công Vụ là sự rao giảng được xức dầu. Ý tôi muốn nói về điều nầy là Thánh Linh của Đức Chúa Trời đã giáng trên họ khi họ rao giảng. Đây là điều mà Kinh thánh gọi là “sự xức dầu”, có nghĩa là Đức Thánh Linh sẽ xức dầu ban năng lực trên những ai rao giảng Tin lành hoặc thi hành bất cứ chức vụ nào và được xem như đó là những ân tứ thuộc linh.

Hãy xem xét thật kỹ những bài giảng của Phierơ trong sách Công Vụ Các Sứ Đồ. Dường như thể chúng chẳng có gì đặc biệt cả. Vậy lý do tại sao lại có đến hàng ngàn người ăn năn quy đạo mỗi khi Phierơ rao giảng? Sở dĩ có nhiều kết quả siêu nhiên như thế là vì Phierơ đã được Đức Thánh Linh xức dầu mỗi khi ông rao giảng. Các môn đồ của Chúa Jêsus bị kết tội là đã làm cho cả thành Giêrusalem đầy dẫy những lời dạy dỗ của họ (Công vụ 5:28). Ngày nay chúng ta là những người theo Đấng Christ, nhưng đã bao giờ bị lên án như vậy chưa? Và người ta có đủ chứng cớ để buộc tội chúng ta như thế chưa?

Vậy, Hội Thánh Là Gì?

Khi đọc sách Công Vụ Các Sứ Đồ, hãy quan sát ắt bạn sẽ được giới thiệu khoảng 50 nhân vật trong quyển sách lịch sử của Hội thánh thời Tân ước nầy. Từ “Hội thánh” theo tiếng Hylạp là “ecclesia” có nghĩa là: “sự nhóm họp” hay là “Hội gồm những người được gọi riêng ra”. Đây là từ mang ý nghĩa là: “hội gồm những người được biệt riêng ra khỏi thế gian, bằng lòng bước theo Đấng Christ hằng sống phục sinh, có mối tương giao với Ngài và với nhau”. Về ý nghĩa thuần tuý nhất của từ nầy, thì “Hội thánh” có nghĩa là “Hội chúng”.

Khi đọc hết sách Công Vụ Các Sứ Đồ lần thứ nhất, bạn hãy cố gắng làm quen với ít nhất là 50 người cộng thêm Phierơ và Phaolô. Sách Công Vụ Các Sứ Đồ là sách viết về lịch sử của những con người rất đỗi bình thường nhưng đã làm được nhiều việc hết sức phi thường bởi vì họ được xức dầu và đầy dẫy Thánh Linh của Đức Chúa Trời. Cũng chính Đức Chúa Trời và cũng chính quyền năng ấy luôn sẵn dành cho bạn và tôi để thực thi công việc Ngài ngày nay (Mathiơ 28:18-20).

Ngày nay, khi hầu việc Đức Chúa Trời, bạn có đến với Chúa trước khi bạn ra đi làm việc cho Ngài hay không? Bạn có trông đợi sự hiện diện của Ngài và sự xức dầu đầy năng lực của Đức Thánh Linh trên bạn hay không? Hay bạn chỉ đơn giản ra đi và ráng sức thực hiện công việc Chúa bằng sức riêng của mình mà thôi? Một trong những sứ điệp của sách Công Vụ Các Sứ Đồ là nếu không có sự giúp đỡ của Chúa thì chúng ta sẽ không thể nào hoàn thành công việc Ngài được. Do đó, chúng ta phải trông đợi quyền phép của Đức Thánh Linh trước khi chúng ta nổ lực làm công việc của Đấng Christ hằng sống đã phục sinh giao phó

Chương 2: “NHỮNG DẤU VÂN TAY ĐỂ NHẬN BIẾT HỘI THÁNH VÔ HÌNH”

Chương thứ hai nầy bắt đầu bằng sự mô tả ngày Lễ Ngũ Tuần, tức là ngày khai sinh Hội thánh (Công vụ 2:1-18). Khi chúng ta đọc Công vụ đoạn hai, điều quan trọng ở đây là phải nhận ra rằng ngày Lễ Ngũ Tuần là một ngày lễ thánh của dân Do Thái. Đây vốn là lễ hội mùa gặt của họ, là ngày “Lễ Tạ Ơn” mà dân Do Thái tổ chức để cảm tạ Chúa về những ơn phước mà Ngài đã ban cho trên mùa màng của họ. Có một ý nghĩa tượng trưng mang tính biểu tượng rõ nét ở đây, bởi vì mùa thu hoạch thuộc linh vĩ đại quy mô sắp sửa được bắt đầu vào ngày lễ ấy. Bước vào ngày Lễ Ngũ Tuần, Đấng Christ phục sinh khởi sự thiết lập Hội thánh để cùng truyền rao Tin lành với Ngài và cho Ngài.

Công việc nầy giờ đây có thể được thực hiện bởi vì Đức Thánh Linh đã giáng lâm với quyền năng lớn lạ vô cùng trong ngày đó. Nhiều dấu kỳ phép lạ đã xảy ra cùng với sự xuất hiện của Đức Thánh Linh. Có tiếng động giống như tiếng gió thổi ào ào. Mọi lưỡi như thể bị rời rạc ra từng cái một tựa như lưỡi lửa đậu trên đầu những người “đang nói tiên tri”. Kế đó, cũng với những con người nầy, họ “đã nói bằng nhiều thứ tiếng khác”.

Có một câu hỏi và một câu trả lời sẽ giúp chúng ta hướng đến ý nghĩa của sự kiện lạ lụng nầy. Câu hỏi đó là: “Việc nầy là nghĩa làm sao?” Phierơ đã giải đáp cho câu hỏi nầy trong bài giảng của mình: “Ấy là điều mà đấng tiên tri Giôên đã nói”. Đúng là Giôên có nói tiên tri rằng, trong những ngày sau rốt Đức Chúa Trời sẽ đổ Thần Linh của Ngài trên các con trai con gái của Ngài và họ sẽ nói tiên tri (Giôên 2: 28-29).

Trong ngày Lễ Ngũ Tuần, sứ điệp được đến qua phép lạ ngôn ngữ nầy được gọi là “lời tiên tri”, hay là sứ điệp từ Đức Chúa Trời trực tiếp đến tai người nghe. Phaolô viết về một phép lạ mà ông đã mô tả là “ân tứ nói tiếng lạ”. Ông bắt đầu rất rõ ràng rằng ân tứ nói tiếng lạ mà ông mô tả hoàn toàn khác hẳn với những ngôn ngữ đã nói trong ngày Lễ Ngũ Tuần. Ông viết: “Vì người nào nói tiếng lạ, thì không phải nói với người ta, bèn là với Đức Chúa Trời, bởi chẳng có ai hiểu (ấy là trong tâm thần mà người kia nói lời mầu nhiệm)” (ICôrinhtô 14: 2).

Khi một Cơ Đốc nhân nào đó sử dụng ân tứ nói tiếng lạ nầy thì người ấy không phải nói cho người ta nghe, bèn là đang trò chuyện với Đức Chúa Trời, chứ không phải đang nói với người ta như những người đã nói trong ngày Lễ Ngũ Tuần. Người ấy đang nói với Chúa. Còn những tiếng nói mà chúng ta đọc biết đã xảy ra vào ngày Lễ Ngũ Tuần đó đã truyền đạt lời tiên tri, một sứ điệp từ Đức Chúa Trời đến với con người. Những ngôn ngữ nầy là một trong những dấu kỳ phép lạ xảy ra khi Đức Thánh Linh giáng lâm trong ngày Lễ Ngũ Tuần.

Còn có thêm một ngày Lễ Ngũ Tuần nữa được ký thuật trong sách Công Vụ Các Sứ Đồ. Ngày Lễ Ngũ Tuần lần thứ nhất ở Giêrusalem. Sau đó, các sứ đồ đi đến Samari, có vài ba lần họ đi đến nơi không có người Do Thái ở đó, và họ kinh nghiệm được Lễ Ngũ Tuần. Hãy quan sát xem mỗi khi có Lễ Ngũ Tuần, thì đều luôn luôn có liên quan đến mục đích đã được ban cho Hội thánh qua Đại Mạng Lịnh: “Nhưng khi Đức Thánh Linh giáng trên các ngươi, thì các ngươi sẽ nhận lấy quyền phép, và làm chứng về ta tại thành Giêrusalem, cả xứ Giuđê, xứ Samari, cho đến cùng trái đất” (Công vụ 1:8).

“Những Dấu Vân Tay”

Khi đọc sách Công Vụ Các Sứ Đồ, bạn cần phải xem xét kỹ luỡng hơn. Hãy xem xét những mô hình của Hội thánh địa phương đầu tiên. Trước hết, hãy quan sát mô hình của Hội thánh. Bạn có thể gọi mô hình nầy là “Những Dấu Vân Tay Để Nhận Biết Hội Thánh Vô Hình”. Các nhà thần học thường đề cập đến Hội thánh hữu hình và Hội thánh vô hình, hoặc còn gọi là Hội thánh phổ thông và Hội thánh địa phương. Mối thông công của các Cơ Đốc nhân trong cộng đồng Cơ Đốc mà bạn trực thuộc sẽ là sự thể hiện hữu hình của Hội thánh vô hình mà Đấng Christ đã lập nên trong thế gian.

Làm thế nào để biết được Hội thánh địa phương của chúng ta là sự biểu hiện để nhận biết Hội thánh phổ thông, vô hình? Tương tự như những dấu vân tay của chúng ta có thể khiến cho người ta nhận biết được nơi chúng ta đã ở và những gì chúng ta đã chạm đến, thì ở đây cũng vậy, Hội thánh có thể được người ta nhận diện bởi những “dấu vân tay”. Hãy kiểm tra những “dấu vân tay” nầy khi bạn học về Hội thánh đầu tiên. Hội thánh trong sách Công Vụ Các Sứ Đồ nầy đã có những “dấy vân tay”– là những biểu hiện rõ nét của Hội thánh vô hình, phổ thông.

Sự truyền giảng Phúc âm là “dấu vân tay ngón cái” của Hội thánh đã khai sinh trong ngày Lễ Ngũ Tuần. Các sứ đồ hiểu rằng họ cần phải trở thành những nhà truyền giáo và những nhà rao giảng Phúc âm ra khắp mọi nơi. Chỉ nội trong ngày Lễ Ngũ Tuần ấy đã có đến ba ngàn người ăn năn tin nhận Chúa, và có thêm hàng ngàn người sau đó đã trở lại đạo khi các sứ đồ cùng với nhiều người khác rao giảng Phúc âm.

Sự dạy dỗ là “dấu vân tay ngón trỏ” của Hội thánh. Chúng ta đọc rằng những người mới tin Chúa đã tiếp tục ở trong sự dạy dỗ, thông công, lễ bẻ bánh và trong sự cầu nguyện cùng với các sứ đồ (Công vụ 2:42).

“Dấu vân tay ngón giữa” của Hội thánh vô hình là mối thông công. Các sứ đồ tin rằng những con người mà họ dạy dỗ sẽ tác động hỗ tương cho nhau. Từ “thông công” nầy trong tiếng Hylạp là “koinonia”. Từ nầy có nghĩa là một tập thể cam kết tận tâm với nhau. Sự cam kết và tận tâm của các tín hữu đầu tiên đối với Đấng Christ hằng sống, phục sinh và sau đó là đối với nhau.

Các sứ đồ đã nhận được ý tưởng ở đâu khi cho rằng những người được họ dạy dỗ cần phải có mối thông công với những người đang dạy dỗ họ? Bạn hãy nhớ lại bài nghiên cứu Phúc âm Giăng của chúng ta rằng khi vài người trong số họ đã gặp Chúa Jêsus, họ liền hỏi Ngài đang sống ở đâu (Giăng 1:37-39). Chúa Jêsus trả lời bằng cách mời họ đến xem nơi Ngài ở. Chúng ta đọc rằng họ đã đến xem nơi Ngài ở, rồi họ ở đó với Ngài, họ đã sống và chết cho Ngài nhờ vào những gì họ đã thấy khi họ bằng lòng để đến xem nơi Ngài ở và cách mà Ngài đã sống. Họ sống cùng Ngài suốt ba năm. Đó là lý do tại sao chúng ta không ngạc nhiên khi biết rằng những người ăn năn tin nhận Chúa trong ngày Lễ Ngũ Tuần đã có một mối thông công thật đặc biệt với những người môn đồ hóa họ.

“Dấu vân tay ngón áp út” chính là sự thờ phượng. Chúng ta đọc thấy những người đã cải đạo sốt sắng dự phần vào “lễ bẻ bánh” cùng với các sứ đồ (Công vụ 2:42). Đó chính là ý nghĩa của Bữa Tiệc Thông Công. Khi Chúa Jêsus thiết lập điều mà chúng ta gọi là “Tiệc Thánh” và bảo các môn đồ hãy cứ giữ Tiệc nầy cho đến lúc Ngài trở lại (ICôrinhtô 11: 26),Ngài ban cho các sứ đồ lời giáo huấn duy nhất về cách mà Ngài muốn Hội thánh của Ngài thờ phượng (Luca 22: 14-19). Do đó, khi các môn đồ đầu tiên cùng nhau nhóm lại, họ đã thờ
phượng bằng việc cử hành lễ Tiệc Thánh.

Chúng ta thấy họ tiếp tục ở cùng với các sứ đồ trong sự cầu nguyện, và đó là “dấu vân tay ngón út” để nhận diện Hội thánh vô hình. Vì chúng ta không có khả năng làm được những việc mà Đấng phục sinh đã làm ngoại trừ chúng ta cứ thường xuyên ở trong Ngài, cho nên chúng ta phải luôn cầu nguyện không thôi và tiếp nhận quyền năng từ Cây Nho thuộc linh là Đấng Christ hằng sống đã phục sinh (Giăng 15: 1-16). Chúa Jêsus dạy các sứ đồ hãy tiếp tục cầu nguyện và với những ai có lòng kiên trì, nài xin, tìm kiếm và gõ cửa thì sẽ nhận được, sẽ gặp, cửa sẽ mở cho, và Đức Chúa Trời là Cha sẽ ban Đức Thánh Linh cho người ấy (Luca 11:9-13; Mathiơ 7: 7-11).

“Ngài Đang Ở Đâu?”

Tân ước bắt đầu với câu hỏi của những nhà thông thái: “Ngài đang ở đâu?” (Mathiơ 2:2). Chúa Jêsus cho chúng ta biết rằng Ngài sẽ lập Hội thánh Ngài và mọi thế lực của Âm phủ chẳng có thể ngăn cản được sự thiết lập nầy (Mathiơ 16: 18). Sứ đồ Giăng có ghi lại sự Mặc Khải siêu nhiên về việc Đấng Christ hằng sống, phục sinh vẫn thường luôn bước đi giữa vòng các Hội thánh của Ngài (Khải 1:13 - 2:1). Sự Mặc Khải đó trả lời cho câu hỏi của những người thông thái kia: Ngài đang “ở giữa” các Hội thánh. Đó là nơi Ngài ở và là công việc Ngài đang làm hiện nay. Ngài bắt đầu với công việc lạ lùng trong sách Công Vụ Các Sứ Đồ và Ngài vẫn tiếp tục làm như vậy trong thời đại ngày nay.

Làm thế nào có thể đánh giá được sự mạnh mẽ, hoặc “những dấu hiệu sự sống” của các Hội thánh địa phương chúng ta ngày nay? Trước hết, chúng ta nên xem xét những dấu vân tay nầy. Khi nhìn những dấu hiệu nầy trong Hội thánh của chúng ta theo thang đánh giá từ một tới mười, chúng ta thường xuyên đưa ra cho Hội thánh chúng ta một số công tác liên quan đến: sự truyền bá Phúc âm, dạy dỗ, thông công, thờ phượng, và cầu nguyện; đồng thời hãy so sánh Hội thánh của chúng ta ngày nay với Hội thánh đầu tiên mà chúng ta gặp trong sách Công Vụ Các Sứ Đồ.

Sau đó, chúng ta sẽ có cách để đánh giá được mức độ mà chúng ta có thể nói Hội thánh chúng ta là sự biểu hiện hiển nhiên của Hội thánh do Đấng Christ hằng sống, phục sinh đang thiết lập trên thế giới ngày nay.

Chương 3: “NHỮNG KIỂU MẪU HỮU HÌNH CỦA HỘI THÁNH VÔ HÌNH”

Hội thánh thời Tân ước hầu như phải thường xuyên đương đầu trực tiếp với nhiều sự đe doạ và những thử thách khó khăn. Chúng ta hãy xem xét cách những nhà lãnh đạo Hội thánh đã đối phó với các vấn đề ấy – sự bắt bớ, bức hại vô cớ và những vấn đề nội bộ – những kiểu mẫu bắt đầu xuất hiện. Các kiểu mẫu nầy là một số những tấm gương và những sự cảnh báo mà Phaolô có ý định để hướng dẫn và cảnh báo chúng ta ngày nay khi chúng ta đọc sách lịch sử nầy (ICôrinhtô 10:11).

Chẳng hạn như cách thức dâng hiến đã được hình thành từ rất sớm trong lịch sử Hội thánh. Chúng ta đọc rằng những ai có tài sản thì họ đều đem bán hết số tài sản ấy, lấy tiền đem đến cho các sứ đồ để đóng góp vào công việc chu cấp những sự có cần cho các tín đồ. Họ đã dâng hiến nhiều hơn một phần mười hoặc nhiều hơn các của dâng, họ đã dâng hết thảy những gì họ có.

Chúng ta cũng hãy xem xét cách thức bất phục tùng của một công dân. Đây là cách thức rất lý thú. Chúa Jêsus phán: “Hãy trả cho Sêsa vật gì của Sêsa; và trả cho Đức Chúa Trời vật gì của Đức Chúa Trời” (Mathiơ 22:21). Đức Chúa Trời sẽ không đòi hỏi những gì thuộc về Sêsa, nhưng có nhiều khi Sêsa lại đòi hỏi những thứ thuộc về Đức Chúa Trời. Khi nào Sêsa đòi hỏi những thứ thuộc về Đức Chúa Trời, thì sự dạy dỗ kiểu mẫu nầy của Chúa Jêsus trong Tân ước sẽ luôn nhắc chúng ta rằng chúng ta không thể nào trao chúng cho Sêsa được.

Các sứ đồ đã được Chúa Jêsus truyền lịnh hãy rao giảng và dạy dỗ về danh và Phúc âm của Đức Chúa Jêsus Christ. Thế nhưng các bậc cầm quyền và lãnh đạo giáo hội lại ra lịnh cho họ không bao giờ được nhắc đến danh của Chúa Jêsus (Công vụ 4:18). Lần đầu tiên khi điều nầy xảy ra, các sứ đồ đã phản ứng lại với các lãnh đạo vì cớ họ không biết là có nên nghe theo Đức Chúa Trời hay thuận phục các cấp lãnh đạo. Sau đó họ có một buổi nhóm cầu nguyện. Lần thứ hai, khi các cấp lãnh đạo cấm họ rao giảng về danh và Phúc âm của Đấng Christ, họ lập tức trả lời: “Chúng tôi thà phải vâng lời Đức Chúa Trời còn hơn vâng lời người ta”(Công vụ 5:29). Đó là sự bất phục tùng của một công dân!

Có nhiều lần để giữ lòng trung thành với sự kêu gọi của Chúa, các con cái Chúa đã phải hứng chịu những hậu quả do họ thà vâng lời Đức Chúa Trời và Đấng Christ hơn là vâng lời người ta. Qua hằng bao thế kỷ ở khắp mọi nơi trên thế giới, có biết bao con cái Chúa đang phải gánh chịu những hậu quả đắng cay nầy. Từ những thập niên 40 cho đến khi kết thúc Chiến Tranh Thế Giới II, có nhiều Cơ Đốc nhân đã tử vì đạo nhiều hơn số người đã tuận đạo trong lịch sử Hội thánh.

Chúng ta cũng hãy xem gương mẫu về các nguyên tắc kỷ luật của Hội thánh đã được lập ra trong Hội thánh. Có một người tên là Anania cùng vợ là Saphira đi bán gia sản của mình. Họ nói dối với các sứ đồ về tổng số tiền mà họ đã thu được. Trong câu chuyện nầy, Phierơ đã tỏ ra sáng suốt đến lạ lùng. Ông hỏi: “Hỡi Anania, sao quỉ Satan đã đầy dẫy lòng ngươi, đến nỗi ngươi nói dối cùng Đức Thánh Linh, mà bớt lại một phần giá ruộng đó? Nếu ngươi chưa bán ruộng đó, há chẳng phải là của ngươi sao? Khi bán rồi, giữ giá đó há chẳng được sao? Điều đó nhập vào lòng ngươi thế nào, ấy chẳng phải ngươi nói dối loài người, bèn là nói dối Đức Chúa Trời” (Công vụ 5:3-4). Trước tội lỗi rõ ràng đó, cả Anania lẫn Saphira đều phải ngã chết!

Kỷ luật nghiêm khắc nầy đã giữ cho Hội thánh được thánh sạch, và đem đến sự tôn thánh, kính sợ Đức Chúa Trời giữa vòng các môn đồ. Dân chúng thời bấy giờ ở Giêrusalem biết đó là một việc rất hệ trọng cần phải cân nhắc để trở thành môn đồ của Đấng Christ và trở nên thành viên của Hội thánh (Công vụ 5:11-13).

Trong Công vụ chương sáu có một kiểu mẫu phát sinh cần được áp dụng cho Hội thánh tăng trưởng. Hội thánh của Chúa lúc bấy giờ tăng trưởng rất nhanh, nhiều người đến sống chung với nhau trong một tổ chức cộng đồng. Khi hàng ngàn người cùng chung sống với nhau, họ cần phải có những bữa ăn trong ngày, cho nên bạn cần phải có chương trình để cấp phát lương thực cho họ (6:1). Các sứ đồ nhận thấy chính họ cần phải đảm đương chương trình nầy, và điều đó đã khiến họ xao lãng công tác rao giảng Lời Đức Chúa Trời. Vì vậy, các sứ đồ đã họp hội chúng lại và bảo họ: “Bỏ sự dạy đạo Đức Chúa Trời mà giúp việc bàn tiệc thật chẳng xứng hợp. Vậy anh em hãy chọn trong bọn mình bảy người có danh tốt, đầy dẫy Đức Thánh Linh và trí khôn, rồi chúng ta sẽ giao việc nầy cho. Còn chúng ta sẽ cứ chuyên lo về sự cầu nguyện và chức vụ giảng đạo”(6:2-4).

Khi điều nầy được thực hiện, các sứ đồ đã giao nhiệm vụ đó cho những người được chọn để làm công việc nầy, còn họ thì dâng mình hoàn toàn cho việc cầu nguyện và giảng dạy Lời Đức Chúa Trời. Quyết định nầy đã được Đức Chúa Trời ban phước lớn và kết quả Phúc âm đã được rao truyền nhanh chóng khắp thành Giêrusalem. Đây là căn nguyên của điều mà nhiều Hội thánh ngày nay đòi hỏi nơi các chấp sự của họ. Đó là trách nhiệm của các chấp sự được chọn nầy nhận biết được công việc của Hội thánh, để cho những con người có những ân tứ chăn bầyï được tự do để dâng mình cho công tác chăn bầy.

Quyết định của Hội thánh trong trường hợp nầy đã hình thành nên nguyên tắc mỗi môn đệ đều có một vị trí trong trong thân thể của Đấng Christ. Mọi người được Đức Thánh Linh xức dầu đều có những ân tứ thuộc linh. Có số ân tứ là những ân tứ chăn bầy, và một số khác là những ân tứ thuộc linh thực nghiệm.

Những ân tứ thuộc linh thực nghiệm được mô tả trong Tân ước như là những “ân tứ cứu giúp”: “ân tứ lãnh đạo” và “ân tứ quản trị”, tương tự còn có những người có ơn thuộc linh khác như ơn rao giảng, dạy dỗ và ơn truyền giáo. Tuy nhiên, mỗi môn đồ nên đứng ở vị trí của mình để thực hành các ân tứ mà Đức Chúa Trời đã ban cho. Hễ Hội thánh nào chấp nhận và ứng dụng kiểu mẫu nầy thì Hội thánh đó ắt sẽ được phước và tăng trưởng.

Bạn đã khám phá ra ân tứ thuộc linh của mình chưa? Nếu có thì bạn hãy dâng chính mình cho những chức vụ mà bạn đã được trang bị những ân tứ thuộc linh để thi hành công việc cho Đức Chúa Trời. Cách thức nầy thỉnh thoảng liên quan đến các môn đồ đã chứng tỏ được sự trung tín trong chức vụ thực tế, và sau đó bước vào chức vụ chăn bầy. Êtiên người tử đạo và nhà truyền giáo Philíp là những tấm gương điển hình về việc trải nghiệm kiểu mẫu nầy, họ đã bắt đầu và trung tín trong vai trò của những người chấp sự để rồi sau đó trở nên
những nhà truyền bá Phúc âm.

Một mô hình nữa đã được xuất hiện trong sách Công Vụ Các Sứ Đồ đó là việc tử vì đạo. Có một câu trích dẫn nổi tiếng từ các sử gia của Hội thánh là: “Huyết của những người tử vì đạo chính là hạt giống làm cho Hội thánh tăng trưởng”. Êtiên đã hy sinh mạng sống mình vì một bài giảng (7:54-60). Khi Êtiên chịu chết vì niềm tin của mình, thì một người có tên là Saulơ ở Tạtsơ đang giữ áo xống của những người ném đá Êtiên đã chứng kiến cảnh ấy. Sự cải đạo của người có tên là Saulơ nầy có lẽ được ảnh hưởng bởi sự tử đạo của Êtiên. Điều nầy chính là ý nghĩa của câu trích dẫn trên nói về vấn đề huyết của những người tử vì đạo sẽ khiến cho Hội thánh tăng trưởng và phát triển.

Còn có một kiểu mẫu khác đẹp đẽ và rất cụ thể đó là sự chữa lành. Có sự nhấn mạnh đặc biệt về việc chữa lành trong quyển sách lịch sử của Hội thánh nầy cũng như sách Phúc âm Luca. Theo ông thì Đấng Christ hằng sống, phục sinh giờ đây đang hành động qua các sứ đồ để tiếp tục công tác chữa lành nầy.

Phierơ và Giăng có gặp một người ngồi tại cổng Đền thờ. Người nầy đã bị bịnh bại liệt 40 năm rồi. Ngày ngày, có người đem ông ta đến trước cổng Đền thờ và ông ở đó để ăn xin.Khi Phierơ và Giăng đang đi vào trong Đền thờ, người đàn ông nọ đã có mặt ở đó với một cái chén trong tay. Phierơ bảo ông: “Ta chẳng có vàng bạc chi hết, song điều ta có thì ta cho ngươi: Nhân danh Đức Chúa Jêsus Christ ở Naxarét, hãy bước đi !” (Công vụ 3:6).

Chúng ta thấy rằng người đàn ông ấy đã không chỉ đứng dậy mà còn bước đi nữa. Ông ta đi vào trong Đền thờ, vừa đi vừa nhảy ngợi khen Đức Chúa Trời! Gần đây có một vị lãnh đạo Hội thánh nọ là người có thanh thế nhưng lại rất kiêu ngạo và tự đắc đã nhận xét rằng Hội thánh sẽ không còn nói như thế nầy nữa: “Ta chẳng có vàng bạc chi hết ”. Một đầy tớ khiêm nhường của Đức Chúa Trời cho rằng: “Thế thì Hội thánh ngày nay cũng sẽ không thể nào tuyên bố câu: ‘Nhân danh Đức Chúa Jêsus Christ ở Naxarét, hãy bước đi !’”.

Việc chữa lành nầy, tương tự như việc Chúa Jêsus đã chữa lành một người tại hồ Bêtếtđa (Giăng 5), đã đem lại cho các sứ đồ một cơ hội đặc biệt để rao giảng Tin lành. Những người có quyền hành trong giáo hội rất sửng sốt khi thấy mấy ngư dân vốn dốt nát không học nầy đang giảng dạy trong Đền thờ. Tuy nhiên, dù họ có bắt bớ các sứ đồ và cấm không cho rao giảng nữa, thì vẫn có một điều mà họ không thể nào phủ nhận được đó là các sứ đồ vừa thực thi một sự chữa lành bằng phép lạ thực sự.

Căn nguyên của việc chữa lành nầy là điều có cơ sở. Đó là do quyền phép siêu nhiên của Đức Thánh Linh hành động trong Hội thánh thời Tân ước. Hãy xem kiểu mẫu nầy trong Hội thánh đầu tiên: đó là quyền năng của Chúa ban cho Hội thánh mà bạn đã thấy qua sự thực hành của Hội thánh mà thế gian không thể nào phủ nhận được.

Kiểu Mẫu Tử Vì Đạo

Êtiên, người được chọn là một trong những vị chấp sự đầu tiên, ông từ vị trí nầy đến chức vụ chăn bầy và trở nên một diễn giả xuất chúng. Khi giảng bài giảng đặc biệt của mình trước Toà Công Luận - là những lãnh đạo tôn giáo của dân Do Thái - Êtiên vẫn cứ rao giảng một cách rõ ràng trong quyền năng của Đức Thánh Linh. Việc giảng đạo không phải chỉ là vấn đề của việc nghiên cứu siêng năng và tài khéo trong diễn đạt. Đó là một ân tứ thuộc linh, và nếu nó được thực hành mà không có sự xức dầu của Đức Thánh Linh, thì quả thật đó không phải là sự giảng đạo được xức dầu như chúng ta đã thấy việc giảng đạo điển hình trong sách Công vụ nầy.

Trong bài giảng của mình, Êtiên đưa ra một cái nhìn tổng thể về 39 sách của Cựu ước. Ông có một sự hiểu biết thật đặc biệt về Kinh thánh. Ông bắt đầu với Ápraham; ông đề cập đến Isác, Giacốp rồi ông kể đến nhiệm mệnh của Giôsép, Môise, Giôsuê, Đavít và Salômôn. Ông đã trải rộng toàn bộ những trang lịch sử Hêbơrơ ra cho đến cuộc lưu đày ở Babylôn.

Mục tiêu bài giảng của Êtiên không phải là để truyền bá Phúc âm, mặc dù đó là một bài giảng thực sự kết quả như chúng ta đã thấy. Mục đích bài giảng của Êtiên là nhằm nói cho các nhà lãnh đạo tôn giáo biết rằng họ đã chối bỏ ân điển, tình yêu, và sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời. Họ đã khước từ những điều vô cùng tốt đẹp mà Đức Chúa Trời có ý định ban cho họ.

Sự chối bỏ của họ đạt đến đỉnh điểm khi họ khước từ Đức Chúa Jêsus Christ, là Đấng Mêsi.Khi Êtiên tóm lược toàn bộ lịch sử Hêbơrơ cho các nhà lãnh đạo tôn giáo nghe như vậy, ý ông muốn khẳng định rằng từ trước đến giờ họ đều luôn luôn chối bỏ sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời. Phản ứng lại với bài giảng nầy của Êtiên là điều chúng ta có thể đoán trước được: “Bấy giờ, chúng kêu lớn tiếng lên, bịt lỗ tai lại, cùng nhau chạy a lại, kéo người ra ngoài thành, rồi ném đá người… Nhưng người, được đầy dẫy Đức Thánh Linh, mắt ngó chăm lên trời, thấy sự vinh hiển của Đức Chúa Trời, và Đức Chúa Jêsus đứng bên hữu Đức Chúa Trời;thì người nói rằng: Kìa, ta thấy các từng trời mở ra, và con người đứng bên hữu Đức Chúa Trời… Các kẻ làm chứng lấy áo xống mình để nơi chân một người trẻ tuổi kia tên là Saulơ… Êtiên cầu nguyện rằng: Lạy Đức Chúa Jêsus, xin tiếp lấy linh hồn tôi. Đoạn, người quì xuống, kêu lớn tiếng rằng: ‘Lạy Chúa, xin đừng đổ tội nầy cho họ! ’. Người vừa nói lời đó rồi, thì ngủ” (Công vụ 7: 54-60).

Khi Êtiên chết vì bài giảng của mình, ông đã cho chúng ta thấy ông được đầy dẫy Đức Thánh Linh. Ông có được sự hiện thấy lạ lùng về Đức Chúa Trời và Đấng Christ. Ông chết theo cách mà Đức Chúa Trời muốn ông chết và cầu xin sự tha thứ cho những kẻ đã cất lấy mạng sống ông.

Lúc Êtiên bị ném đá, chúng ta gặp được một nhà truyền giáo lỗi lạc nhất, một nhà sáng lập vĩ đại nhất của Hội thánh, một mục sư, thầy dạy đạo và là một tác giả viết về lịch sử Hội thánh của Đức Chúa Jêsus Christ. Chúng ta bắt gặp ông khi ông đang giữ giùm áo xống cho mấy kẻ ném đá giết hại Êtiên. Ông chính là Saulơ người Tạtsơ, người sau nầy đã trở thành Sứ đồ Phaolô.

Khi chúng ta thật quen biết gã trai trẻ có tên là Saulơ người Tạtsơ nầy, chúng ta sẽ hiểu được lý do nào mà bài giảng và tấm gương của Êtiên đã tác động mạnh mẽ đến cuộc đời của ông như vậy. Saulơ vốn là “một người Pharisi thuộc dòng dõi Pharisi”, ông đã nhiệt tâm bảo vệ các giáo huấn chính thống của người Do Thái. Ông căm ghét những điều mà ông cho là giáo phái mới sẽ là mối đe dọa đối với Do Thái giáo.

Tuy nhiên, còn có một điều gây cảm kích nữa, đó là Êtiên đã chết giống như cách mà Đấng Christ đã chết vì niềm tin của mình, là một học giả Cựu ước người Do Thái chính thống, Phaolô rất cảm kích trước sự tóm lược và những ứng dụng chính thống về lịch sử Hêbơrơ được xức dầu đã trình bày trong bài giảng của Êtiên.

Bạn có sẵn sàng chết cho Đấng Christ như Êtiên đã chết không? Bạn có lòng khoan dung để tha thứ cho kẻ thù của mình không? Có lẽ một câu hỏi khó hơn ở đây là: “Bạn có sẵn sàng và có lòng khoan dung để sống cho Chúa Jêsus không?”

Chương 4: “CÁCH MÔN ĐỒ HOÁ”

Nói một cách chính xác thì chúng ta làm thế nào để môn đồ hoá muôn dân? Một câu chuyện hấp dẫn trong sách Công Vụ Các Sứ Đồ sẽ trả lời cho chúng ta câu hỏi nầy (Công vụ 8:26-40). Có một người tên là Philíp, giống như Êtiên, là một trong những vị chấp sự đầu tiên, đã trở thành một tấm gương thứ hai cho các tín hữu theo kiểu mẫu ân tứ thuộc linh thực nghiệm, ông đã trải qua chức vụ của người chăn bầy và trở thành một nhà truyền bá Phúc âm. Ông đến vùng Samari thi hành chức vụ truyền giáo ở đó rất kết quả.

Trong suốt chiến dịch truyền bá Phúc âm vô cùng kết quả nầy, qua một thiên sứ, Đức Chúa Trời đã khiến cho Philíp nhận biết: “Ta muốn ngươi ra đi vào đồng vắng để đến một nơi gọi là Gaxa”(Công vụ 8: 26). Mặc dầu các nhà truyền bá Phúc âm thường tìm đến những thành phố đông người, nhưng Philíp lại vâng lời để đi vào đồng vắng.

Khi đến đó, Philíp thấy một đoàn xe ngựa của hoàng gia đang đi ngang qua samạc. Đức Thánh Linh dẫn ông đến gần một cỗ xe ngựa đặc biệt. Tiếng Hylạp trong đoạn văn nầy cho biết “chiếc xe ngựa đặc biệt ấy hoàn toàn khác với các chiếc xe ngựa khác”. Đó là một cái khoang xe do ngựa kéo. Khi Philíp đến gần cỗ xe ngựa kia, ông thấy có một viên quản gia người Êthiôbi ngồi đang đọc sách tiên tri Êsai 53 từ một cuộn giấy da!

Người Êthiôbi nầy là một chính khách và cũng là một viên tổng quản của hoàng gia Êthiôbi. Ông đang đọc cuộn sách Êsai. Hình như ông vừa đi hết đoạn đường từ Êthiôbi đến Giêrusalem bởi vì ông có sự đói khát thuộc linh. Khi tới Giêrusalem, ông đã gặp ngay một tôn giáo không có tình yêu mà Chúa Jêsus ngày trước đã từng phải đương đầu. Ông thực sự không tìm được thuộc linh ở Giêrusalem, nhưng ông có kiếm được một cuộn bản sao của sách Êsai. Ông đang đọc lớn tiếng từ cuộn sách đó: “Chúng ta thảy đều như chiên đi lạc, ai theo đường nấy: Đức Giê-hô-va đã làm cho tội lỗi của hết thảy chúng ta đều chất trên người “(Êsai 53: 6).

Philíp hỏi: “Ông hiểu lời mình đọc đó chăng?”Người Êthiôbi đó trả lời rằng: “Nếu chẳng ai dạy cho tôi, thể nào tôi hiểu được?” (Công vụ 8:30-31). Philíp được mời lên xe và họ cùng đi với nhau, Philíp bắt đầu giảng giải đoạn sách Êsai đó nói về Phúc âm của Đức Chúa Jêsus Christ.
Philíp trình bày Phúc âm một cách rõ ràng và đã đi đến quyết định qua việc nói cho ông ta biết rằng đức tin đặt nơi Chúa Jêsus cần phải được tuyên xưng qua việc chịu phép Báptem bằng nước. Người Êthiôbi bảo: “Kìa! Có nước nơi đây! Tại sao không làm phép Báptem cho tôi ngay bây giờ? “Philíp đáp: “Nếu ông hết lòng tin thì tôi sẽ làm phép Báptêm cho ông!”

Đây chính là điều kiện tiên quyết nhất để được làm phép Báptem bằng nước: “Hết lòng tin”  Chúng ta gọi đây là “Phép Báptem của tín hữu”. Các Hội thánh thường không nhất trí với nhau về cách thức cử hành thánh lễ Báptem cho người tin nhận Chúa. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng của lễ Báptem không phải ở hình thức mà là ở ý nghĩa của nó. Đại Mạng Lịnh có thể được nói là: “môn đồ hóa là ra đi, rao giảng, làm phép Báptem cho họ và dạy dỗ những con người ấy”.

Thánh lễ Báptem cũng giống như một lễ cưới vậy. Khi người nam nào đó ngỏ lời cầu hôn với người nữ và cô ta đồng ý, thì đó là khoảnh khắc thật là thiêng liêng đối với họ. Khi làm đám cưới, họ mời gia đình, bà con, bạn bè đến dự lễ cưới được tổ chức và tuyên bố công khai sự cam kết hôn nhân mà họ đã kết ước riêng tư với nhau trước đó. Còn đối với một người giống như người Êthiôbi nầy vừa tin nhận Chúa, thì sự cam kết cá nhân tương tự như vậy sẽ được tuyên bố công khai khi ông ta chịu phép Báptem.

Khi Chúa Jêsus đưa lễ Báptem vào làm một phần bắt buộc phải có trong việc thi hành Đại mạng Lịnh, Ngài đã khiến cho bất kỳ ai trong chúng ta bước theo Ngài thì sẽ không thể không xưng nhận công khai đức tin của mình đặt nơi Ngài. Làm cách nào để một người có thể tuyên xưng đức tin mình nơi Chúa Jêsus?

Chúng ta có phải cần liên hệ để gia nhập vào một Hội hánh nào đó không? Chúng ta có phải cần đáp lại lời mời gọi của một nhà truyền bá Phúc âm nào đó không? Có một điều rất quan trọng cần lưu ý rằng lễ Báptem không cứu rỗi được chúng ta, nhưng nó là dịp để chúng ta công khai xưng nhận đức tin của mình theo lời Chúa Jêsus đã phán truyền.

Câu Chuyện Về Phierơ

Trước khi chúng ta xem xét sự trở lại đạo của Saulơ người Tạtsơ (Công vụ 9), chúng ta hãy xem xét một câu chuyện kể về Phierơ (Công vụ 10-11) cùng với câu chuyện nói về Philíp bởi vì cả hai câu chuyện nầy đều cho chúng ta biết cách làm thế nào để môn đồ hoá. Trong lúc Phierơ bị ngất trí một lát trên mái nhà, ông có sự hiện thấy một cái màn lớn được cột chặt bốn chéo góc màn kéo lên. Bên trong tấm màn có chứa nhiều thú vật mà dân Do Thái bị cấm không được phép ăn. Có tiếng phán với Phierơ ba lần: “Hỡi Phierơ, hãy dậy, làm thịt và ăn” (Công vụ 10:13). Cứ mỗi lần nghe phán, Phierơ lại đáp: “Lạy Chúa, chẳng vậy; vì tôi chẳng ăn giống gì dơ dáy chẳng sạch bao giờ”.

Sau đó có tiếng gõ cửa ở dưới nhà. Đức Thánh Linh khiến Phierơ nhận biết rằng ông phải cùng đi với những người đang gõ cửa đó mà không cần phải thắc mắc gì cả. Mấy người đó là những đầy tớ của viên đội trưởng người Lamã tên Cọtnây. Họ cho biết chủ của họ có sự hiện thấy trong lúc ông ta đang cầu nguyện rằng nếu ông ta sai đầy tớ mình đến nhà Simôn thợ thuộc da tìm hỏi một người tên là Phierơ, thì đó chính là người sẽ đến để nói cho ông và cả nhà ông biết cần phải làm gì để được cứu.

Hãy nghĩ tới những trở lực là những thành kiến mà Phierơ đang phải đối diện. Cọtnây không chỉ là một người ngoại giáo mà còn là kẻ thù của Phierơ. Dân Do Thái coi người ngoại giáo như là những con chó mà thôi, bởi vì theo họ thì hễ ai không phải là người Do Thái thì chỉ như loài chó chẳng có chút nhận thức nào về thuộc linh cả. Thực tế, dân Do Thái thậm chí còn bị cấm không được đi vào nhà của những người không phải là người Do Thái. Và giờ đây, Phierơ đang được hướng dẫn trực tiếp rao giảng sự cứu rỗi tại nhà của viên đội trưởng người Lamã ngoại giáo kia!

Khi Phierơ đi đến nhà Cọtnây, ông thấy Cọtnây đã tập họp cả gia đình lại để nghe Phierơ rao giảng Phúc âm. Cho đến lúc nầy ông mới hiểu được ý nghĩa của sự hiện thấy. Những thú vật không sạch kia chính là những con người ô uế – người ngoại giáo. Lời đầu tiên của Phierơ là: “Đức Chúa Trời đã tỏ cho ta biết chẳng nên coi một người nào là ô uế hay chẳng sạch”(Công vụ 10: 28).

Trong lúc Phierơ đang rao giảng Tin lành, thì có xảy ra một sự kiện tương tự như sự kiện trong ngày Lễ Ngũ Tuần. Chúng ta đọc: “Khi Phi-e-rơ đương nói, thì Đức Thánh Linh giáng trên mọi người nghe đạo”(10:44). Trong chương kế tiếp, khi Phierơ mô tả cho các sứ đồ và nhiều người khác nữa biết được việc Đức Thánh Linh đã giáng trên gia đình Cọtnây ra sao,ông nhấn mạnh: “cũng như ban đầu Ngài đã giáng trên chúng ta”(11: 15). Điều nầy có ý nói rằng ngày Lễ Ngũ Tuần nầy đã xảy ra khi Đấng Christ phục sinh đã vượt qua ranh giới của định kiến giữa thế giới của Do Thái giáo với người ngoại giáo đang khi xây dựng Hội thánh Ngài.

Dây Chuyền Với Ba Mắc Xích

Trong những câu chuyện kể về Philíp và Phierơ như trên, chúng ta thấy có một công thức chung chỉ cho chúng ta biết cách thức để môn đồ hóa. Những tấm gương đầy cảm hứng nầy cho thấy như là một “dây chuyền với ba mắc xích”nối kết giữa Đức Chúa Trời với những người bị hư mất. Mắt xích thứ nhất là Đức Thánh Linh. Mắt xích thứ hai là Lời Đức Chúa Trời, và mắt xích thứ ba là đầy tớ của Ngài – người môn đồ hoá.

Để môn đồ hoá, Đức Thánh Linh ắt hẳn phải hành động trong và qua người làm công tác môn đồ hoá, Ngài thúc giục môn đồ đó trình bày Phúc âm của Chúa Jêsus Christ cho từng cá nhân. Đức Thánh Linh cũng phải hành động trong con người hư mất khiến cho người ấy có sự khao khát thuộc linh mãnh liệt như Ngài đã từng làm trong lòng của hoạn quan Êthiôbi và trong viên đội trưởng Lamã nọ.

Lời Đức Chúa Trời, hoặc Phúc âm phải ở trong vị trí như là công cụ mà Đức Chúa Trời hứa sẽ dùng trong việc môn đồ hoá. Khi hạt giống là Lời Đức Chúa Trời được tiếp nhận vào với một tấm lòng tin cậy, thì sự hình thành thuộc linh sẽ diễn ra (I Phierơ 1:22,23).

Kế đó, đầy tớ của Đức Chúa Trời, hoặc người làm công tác môn đồ hoá, cũng phải thực hiện vai trò của mình. Người làm công tác môn đồ hoá phải là người trung tín, luôn sẵn lòng và phải có ý chí – giống như Philíp và Phierơ vậy – đó là mắt xích thiết yếu thứ ba trong dây chuyền ba mắt xích nối kết giữa Đức Chúa Trời với tội nhân. Thật là lý thú và đáng khâm phục khi nghĩ đến việc Đức Chúa Trời chọn con người, giống như bạn và tôi để làm sứ giả của Ngài đi chia sẻ Tin lành cho những người hư mất.

Đâu là những chứng cớ cho thấy Đức Thánh Linh đang hành động trên đời sống của những người bị hư mất chưa từng nghe hoặc chưa từng tiếp nhận Phúc âm? Qua hai tấm gương điển hình nầy, Luca cho chúng ta thấy các chứng cớ của Đức Thánh Linh hành động hết sức rõ ràng. Có thể chúng ta không thấy được rõ ràng ảnh hưởng của chúng ta với những người
bị hư mất, nhưng chúng ta sẽ thấy được chúng nếu chúng ta cầu xin và trông mong những chứng cớ nầy.

Có một câu hỏi rất hay sẽ dẫn tới cuộc đối thoại giúp chúng ta có thể chia sẻ Tin Lành một cách tự nhiên, và câu hỏi đó là: “Bạn có quan tâm đến những vấn đề thuộc linh không?”Điều tồi tệ nhất có thể xảy ra là khi người ta trả lời: “Không hề!”. Nếu bạn có đức tin và can đảm hỏi người ta câu nầy thì bạn sẽ khám phá ra rằng có rất nhiều người quan tâm đến vấn đề thuộc linh. Những người bị hư mất cần có đầy tớ của Đức Chúa Trời sẵn lòng “bước lên xe”cùng đi với họ, và giúp họ hiểu được điều mà Lời Đức Chúa Trời bắt buộc phải nói cho họ biết về sự cứu rỗi đời đời có liên quan đến họ.

Khi bạn thấy những sự kiện của Đức Thánh Linh hành động trên đời sống của một người bị hư mất nào đó, và Thần Linh sẽ dẫn bạn đến chia sẻ Tin lành cho họ, vậy bạn có sẵn sàng làm mắt xích thứ ba trong chuỗi dây chuyền nối kết giữa Đức Chúa Trời với người bị hư mất đó không? Tôi đã kết ước với Chúa và nghĩ rằng mình sẽ không gặp được nhiều người như viên đội trưởng Lamã và hoạn quan người Êthiôbi kia đâu. Nhưng tôi đã nhầm. Kể từ khi tôi kết ước với Chúa vào năm 1957, tôi đã gặp được rất nhiều người như thế và tôi đã chứng kiến có nhiều người trong số họ đến tin nhận Đấng Christ và từng trải sự tái sinh.

Lúc tôi còn non trẻ trong đức tin, tôi thường hay mắc cỡ và thiếu sự tự tin mỗi khi tôi bắt đầu đáp ứng sự dẫn dắt của Đức Thánh Linh để chia sẻ Phúc âm cho từng cá nhân. Khi tôi hiểu được khái niệm về chuỗi dây chuyền ba mắt xích mà tôi đang mô tả ở đây, tôi thực sự được khích lệ để nhận biết, sau đó thử nghiệm nhiều lần, rằng hai mắt xích đầu trong dây chuyền nầy thật quá mạnh mẽ, sự cứu rỗi người bị hư mất hoàn toàn không phụ thuộc vào khả năng hiểu biết, năng lực diễn thuyết hay là “nghệ thuật chào mời”của chúng ta.

Chúng ta là mắt xích yếu nhất trong dây chuyền nầy, nhưng có vài lý do mà tôi không tài nào hiểu được, mặc dù đôi khi Đức Chúa Trời vẫn có thể thực hiện công việc mầu nhiệm nầy mà không cần đến chúng ta, thế nhưng Ngài vẫn cứ muốn dùng mắt xích yếu đuối là con người để đem niềm tin và sự cứu rỗi đến cho người bị hư mất. Đấng Christ hằng sống, phục sinh như là Cây Nho đang tìm kiếm những nhánh nho, để qua đó Ngài có thể làm cho “trái thường đậu luô” (Giăng 15:16).

Có bao giờ bạn chia sẻ Tin lành cho người khác chưa? Bạn có đang vâng theo Đại Mạng Lịnh mà Đấng Christ đã ban không? Nếu không, tôi đang thách thức bạn hãy cầu xin Đức Chúa Trời chỉ cho bạn biết hiện tại Ngài hành động ra sao trên đời sống của những người chung quanh bạn. Sau đó, bạn nài xin Ngài ban cho bạn lòng cam đảm như Phierơ và Philíp để bạn có thể chia sẻ sứ điệp về ân điển và sự thương xót của Ngài cho họ.

Khi bạn chia sẻ Phúc âm, bạn sẽ kinh nghiệm được niềm vui của sự vâng lời Đức Chúa Trời và được sử dụng bởi Ngài. Khi chúng ta rao truyền Tin lành của Đấng Christ ra cho người bị hư mất, thì ấy là lúc chúng ta đang đem đến cho đời sống người đó một điều quan trọng có ý nghĩa đời đời. Tôi cầu nguyện rằng khi chúng ta nghiên cứu sách Công Vụ nầy, bạn sẽ được xức dầu với quyền năng Đức Thánh Linh khiến bạn đầy lòng can đảm để chia sẻ Phúc âm giống như Phierơ, Philíp, Phaolô và những người khác nữa mà chúng ta sẽ tiếp tục nghiên cứu.

Chương 5: “NGÀY LỄ NGŨ TUẦN CỦA PHAOLÔ”

“Bấy giờ, Saulơ chỉ hằng ngăm đe và chém giết môn đồ của Chúa không thôi, đến cùng thầy cả thượng phẩm, xin người những bức thơ để gởi cho các nhà hội thành Đa-mách, hầu cho hễ gặp người nào thuộc về đạo bất kỳ đàn ông đàn bà, thì trói giải về thành Giê-ru-sa-lem.

Nhưng Saulơ đang đi đường gần đến thành Đa-mách, thình lình có ánh sáng từ trời soi sáng chung quanh người. Người té xuống đất, và nghe có tiếng phán cùng mình rằng: Hỡi Saulơ, Saulơ, sao ngươi bắt bớ ta? Người thưa rằng: Lạy Chúa, Chúa là ai? Chúa phán rằng: Ta là Jêsus mà ngươi bắt bớ; nhưng hãy đứng dậy, vào trong thành, người ta sẽ nói cho ngươi mọi điều phải làm” (Công vụ 9:1-6).

Đối với một số người thì những câu Kinh thánh nầy nghe có vẻ rất quen thuộc, chúng mô tả sự trở lại đạo của Phaolô người Tạtsơ mà người ta thường gọi là “kinh nghiệm trên đường đến Đamách”của ông. Bạn không thể giải thích được về con người đó nếu như loại bỏ từ “kinh nghiệm”nầy. Như đã biết, chúng ta gặp Phaolô khi ông đang là một kẻ cực kỳ ghét Đấng Christ, nhưng kinh nghiệm trên đường đi Đamách nầy chính là một trong những kinh nghiệm đầu tiên khiến ông trở thành một sứ đồ (nhà truyền giáo) vĩ đại nhất trong lịch sử Hội thánh của Chúa Jêsus Christ.

Có nhiều chỗ trong sách Công Vụ cho thấy Phaolô sẽ nói cho chúng ta biết về kinh nghiệm đầu tiên nầy. Trước một đám đông quá khích, trước những viên thống đốc Lamã, trước nhà vua và nữ hoàng, tại các phiên toà tôn giáo, và trong những bức thư tín đầy thần cảm của ông, Phaolô thường xuyên nói với chúng ta rằng “tôi đã trải qua những kinh nghiệm nầy rồi”.

Thực sự Phaolô đã nói cho chúng ta biết về ba kinh nghiệm khiến ông trở nên một sứ đồ có kết quả nhất trong lịch sử Hội thánh. Kinh nghiệm thứ nhất là sự trở lại đạo của ông trên đường đi Đamách. Kinh nghiệm nữa của ông ở sa mạc Arabi mà ông đã giảng giải một cách sống động trong bức thư của ông viết cho người Galati (Galati 1:11-2:10). Ông cũng có kinh nghiệm về thiên đàng là điều đã tác động hết sức mạnh mẽ đến đời sống ông. Ông chia sẻ kinh nghiệm đó với ngườICôrinhtô và với chúng ta (IICôrinhtô 12:1-4). Điều nầy có lẽ đã xảy ra khi ông bị ném đá tại Líttrơ (IICôr 14: 19-20).

Kinh nghiệm về thiên đàng của Phaolô đã khiến ông nhận thức được rằng chúng ta không phải đợi cho đến khi qua đời mới sống ở thiên đàng. Thư ông gởi cho người Êphêsô chủ yếu nói về “các nơi ở trên trời” có nghĩa là chúng ta có thể sống trong phương diện thiên đàng đang khi chúng ta ở trên đất nầy (Êphêsô 1:3). Chúng ta không thể bàn gì về vị sứ đồ tài ba lỗi lạc nầy nếu chúng ta tách ông ra khỏi ba kinh nghiệm trên của ông.

Chúng ta cần có vài nhận xét quan trọng về kinh nghiệm thứ nhất của một kẻ ghét Đấng Christ trở lại đạo. Trước tiên, Saulơ nghe có tiếng gọi tên ông và hỏi rằng: “Hỡi Saulơ,Saulơ, sao ngươi bắt bớ Ta?”Ở đây, một lần nữa chúng ta thấy Đấng Christ sau khi sống lại đã tự đồng hoá chính mình với Hội thánh Ngài. Saulơ bắt bớ Hội thánh, nhưng Đấng Christ phục sinh lại hỏi ông: “sao ngươi bắt bớ Ta?” Lời phán nầy rõ ràng muốn nói: “Những lúc ngươi bắt bớ, bách hại Hội thánh Ta, tức là ngươi bắt bớ Ta đó!”.

Saulơ trả lời: “Lạy Chúa, Chúa là ai?” Thậm chí ông không biết ai đang nói với mình nữa, nhưng ông biết rằng Đấng đang phán với ông chính là Chúa của ông.

Đối với sự trở lại đạo của Saulơ, có một ví dụ giúp chúng ta hiểu được khái niệm về “sự nhu mì”. Từ câu chuyện nầy chúng ta học được rằng sự nhu mì thực chất có nghĩa là “sự thuần tính”. Một con ngựa hoang chưa từng được tra hàm thiếc vào miệng, chưa từng được thắng dây cương trên đầu, chưa từng được thắng yên vào lưng thì nó bắt buộc cần phải được thuần hoá. Sau khi được thuần hoá rồi, nó sẽ tỏ ra không còn khó chịu với chiếc hàm thiếc kia nữa, nhưng đi theo sự điều khiển của hàm thiếc và dây cương, và đó không phải là con thú yếu đuối, nhu nhược. Một con thú được thuần hoá sẽ trở nên mềm mại, dễ bảo.

Khi Đấng Christ phục sinh bảo Phaolô: “Thật là khó chịu cho ngươi khi gặp phải những rầy rà”, ý Ngài muốn nói: “Sao ngươi lại khó chịu với cái hàm thiếc đó vậy? Bởi nó đang xé toạt miệng ngươi ra. Thật nó đã làm cho ngươi quá khó chịu”. Ví dụ nầy gợi ý rằng trước khi xảy ra kinh nghiệm trên đường đi Đamách, Đức Thánh Linh đã có quan tâm đến Saulơ người Tạtsơ, Ngài phán bảo với ông qua chứng nhân là Êtiên và nhiều Cơ Đốc nhân khác mà ông đã bách hại. Khi Saulơ hỏi câu nầy: “Thưa Chúa! Bây giờ Ngài muốn con làm gì đây?”, ông đã cho chúng ta thấy ông đang chấp nhận sự điều khiển của chiếc hàm thiếc và của dây cương để trở nên nhu mì, thuần tính.

Trong các thư tín của Phaolô, hơn bất cứ ai khác, ông nói cho chúng ta biết tất cả những gì Đức Chúa Trời đã làm cho chúng ta trong việc ban cho chúng ta sự cứu rỗi qua Đức Chúa Jêsus Christ. Nhưng, khi gặp Chúa Jêsus, Phaolô đã không hỏi: “Chúa đang làm gì cho con vậy?”, mà là: “Thưa Chúa! Bây giờ Chúa muốn con làm gì cho Ngài?”

Như là kết quả của sự trở lại đạo, Phaolô đã thay đổi quan điểm sống một cách đột ngột. Trong số những sự thay đổi, ông cũng đã đổi luôn tên của mình. Tên Saulơ theo tiếng
Hêbơrơ có nghĩa là “người mạnh bạo” hay “người vĩ đại”. Nhưng từ khi trở lại đạo, ông quyết định lấy tên theo người Lamã là Phaolô.

Điều nầy có lẽ được thúc đẩy bởi sự kiện ông phải thi hành nhiệm vụ rao giảng cho những Cơ Đốc nhân không phải là người Do Thái ở khắp mọi nơi trên Đế quốc Lamã. Vì ông từ khi được sinh ra đã là công dân Lamã, cho nên ông muốn tất cả mọi thứ đều là của mọi người, ắt hẳn đây là quyết định chiến lược khiến ông dùng đến cái tên theo người Lamã nầy. Tuy nhiên, chúng ta không thể bỏ qua vấn đề ý nghĩa của tên Saulơ là người mạnh bạo hay người vĩ đại, và tên Phaolô có nghĩa là “người yếu đuối” hay “người tầm thường”! Khi Saulơ trở lại đạo thì trở nên Phaolô, như vậy rõ ràng ông đã kinh nghiệm được ý nghĩa của cái điều được gọi là “sự nghèo khó tâm linh” (Mathiơ 5:3).

Sau đó, ông đã viết gởi cho người Philíp đại khái thế nầy: “Tôi từng có nhiều thứ mà tôi đang thực sự theo đuổi vì chúng có ý nghĩa vô cùng đối với tôi. Thế nhưng kể từ khi tôi gặp được Chúa Jêsus, mọi thứ ấy đối với tôi đều trở nên vô nghĩa. Quả thật, tôi đã xem những điều đó như là điều vô ích giống như rơm như rác chẳng có giá trị gì đối với tôi khi tôi gặp Chúa Jêsus trên đường đến Đamách – ấy là khi tôi nhận biết Ngài và phát hiện ra điều Ngài muốn tôi làm cho Ngài – những điều mới mẻ nầy đã trở nên những hình ảnh đẹp cho tôi” (Philíp 3:1-11).

Vấn đề quan trọng của sự kinh nghiệm được bàn đến không phải ở chỗ từng chi tiết của kinh nghiệm. Vấn đề chủ yếu ở đây là: Những kết quả do tôi kinh nghiệm được là gì? Sự kinh nghiệm không phải là mục đích mà là phương tiện đưa chúng ta đến với mục đích. Kinh nghiệm đơn giản như là cái cửa để chúng ta bước qua đó khiến chúng ta trở thành những đầy tớ hữu ích hơn cho Đấng Christ. Trong sách Công Vụ, có đôi lần, Phaolô đã kể lại rất chi tiết về kinh nghiệm trên đường đi Đamách của ông. Nội dung thư ông viết gửi cho người Philíp nhấn mạnh những kết quả có được bởi kinh nghiệm trên đường đi Đamách của ông.

Có một số tín hữu mà tôi gọi là những tín hữu “vụ lợi”. Một điều có lợi nào đó mà chúng ta vẫn thường tận dụng. Những tín hữu nầy thường đến với Đức Chúa Trời như cách chúng ta sử dụng điện, nước, đèn, xe đạp, hoặc xe buýt. Nếu như không nhận ra vấn đề nầy, e rằng chúng ta sẽ trở nên tín đồ Đấng Christ chỉ vì chúng ta tin Ngài sẽ giải quyết được tất cả mọi nan đề cho chúng ta. Dĩ nhiên, khi chúng ta bước theo Đấng Christ, Ngài sẽ giải quyết những vấn đề nghiêm trọng nhất của chúng ta. Nhưng tôi xin hỏi bạn câu nầy: “Khi bước theo Đấng Christ, bạn có hỏi rằng Ngài sẽ làm gì cho bạn, hay giống như Phaolô bạn sẽ hỏi Chúa, bạn cần làm gì cho Ngài?”

Sau câu chuyện Phaolô trở lại đạo, chúng ta đọc về những điều mà chúng ta có thể gọi là “bước tiếp theo” sự trở lại đạo của ông. Đức Chúa Trời đến cùng một trưởng lão có tên là Anania và Ngài phán với ông: “Ta muốn ngươi hãy mau đến làm phép Báptem cho Saulơ người Tạtsơ”. Nghe đến tên “Saulơ người Tạtsơ” đã gây kinh hãi trong lòng cụ già nầy. Ông đáp: “Lạy Chúa! Con có nghe nhiều kẻ nói người nầy đã làm hại biết bao các đấng thánh của Chúa trong thành Giê-ru-sa-lem. Bây giờ người ở đây, có trọn quyền của các thầy tế lễ cả
phó cho, đặng bắt trói hết thảy mọi người cầu khẩn đến danh Ngài” (Công vụ 9:13-14). Nhưng, Đức Chúa Trời ra lịnh: “Hãy đi, vì ta đã chọn người nầy làm một đồ dùng ta, để đem danh ta đồn ra trước mặt các dân ngoại, các vua, và con cái Ysơraên” (9:15).

Nói một cách văn hoa, thì Đức Chúa Trời đang mở một cuốn sách ra và chỉ cho Anania thấy kế hoạch của Ngài dành cho đời sống Saulơ người Tạtsơ. Hãy quan sát, Đức Chúa Trời không hề làm gì cho Saulơ cả. Ngài chỉ phán bảo ông rất đơn giản: “Hãy đi vào thành Đamách, khi đến đó rồi Ta sẽ tiếp tục hướng dẫn ngươi” (c.6). Có một sự ứng dụng thuộc linh cho chúng ta ở đây là Đức Chúa Trời có thể cho chúng ta biết toàn bộ ý chỉ của Ngài dành cho chúng ta nếu Ngài muốn. Nhưng thường thì Ngài không làm như vậy. Ngài vẫn hay tiết lộ ý muốn Ngài cho chúng ta như Ngài đã tiết lộ cho Sau lơ – mỗi ngày một hướng dẫn theo từng thời điểm.

Có những từ thật đẹp đẽ trong sách Công Vụ do Anania thốt lên khi ông đến nơi Saulơ người Tạtsơ đang chờ ông. Anania sớm biết rằng kẻ thù kinh khủng nầy của Hội thánh vừa mới trở lại đạo, nên ông liền nói: “Hỡi Saulơ người anh em!” Điều chúng ta thấy ở đây chính là điều mà Hội thánh của Chúa Jêsus Christ cần bàn đến: đó là, ân điển Đức Chúa Trời đang làm biến đổi nhiều đời sống!

Kinh Nghiệm Đồng Vắng Của Phaolô

Chúng ta đang đối diện với một thách thức về thời gian khi chúng ta đọc đến câu chuyện kinh nghiệm sự trở lại đạo của Phaolô. Chúng ta có ấn tượng ngay từ lúc Phaolô ăn năn quy đạo, ông bắt đầu dạn dĩ rao giảng Tin lành trong danh Đức Chúa Jêsus Christ tại Đamách và Giêrusalem. Tuy nhiên, chúng ta thấy một khoảng thời gian lớn từ lúc ông trở lại đạo cho đến khi ông ra đi trong công tác truyền giáo. Chúng ta hãy xem xét điều Phaolô đã nói với người Galati về việc ông đi vào đồng vắng Arabi sau khi ông trở lại đạo (Galati 1:11-21).

Các học giả không nhất quán với nhau về thời gian mà Phaolô đã trải qua kinh nghiệm ở đồng vắng Arabi, nhưng có sự nhất trí là Phaolô tuyên bố ông đã ở đó tối thiểu cũng được ba năm. Phaolô khẳng định Đấng Christ phục sinh đã ở cùng ông trong ba năm và Ngài dạy dỗ ông tất cả mọi sự như ông đã viết trong các thư tín của mình chiếm đến gần phân nửa sách Tân ước. Sau đó, hình như ông quay lại Đamách, và cuối cùng ông đã về quê nhà của mình ở Tạtsơ.

Phaolô kể cho chúng ta nghe rằng sau khi ông trở lại đạo được 14 năm, ông đi lên Giêrusalem và lần đầu tiên ông gặp gỡ hết thảy các sứ đồ (Galati 2:1-10). Ông nói với họ rằng Chúa Jêsus ở cùng ông suốt ba năm như Ngài đã ở với họ. Chắc hẳn ông đã kể lại cho các sứ đồ nghe những điều về Chúa Jêsus mà chỉ có ai từng ở với Ngài thì mới có thể cảm nhận được. Sau đó các sứ đồ quyết định sai Phaolô sẽ ra đi rao giảng Phúc âm cho người ngoại trên khắp thế giới, và các sứ đồ còn lại thì đi rao giảng cho người Do Thái.

Nếu là tôi thì chắc tôi đã không làm như vậy. Có lẽ tôi sẽ phân công cho Phaolô là môt học giả cũng là một Rabi đã trở lại đạo như vậy thì nên đến với dân Do Thái, còn những ngư dân dốt nát thất học như Phierơ, Giacơ, và Giăng thì sẽ đi đến với những người ngoại giáo dã man. Thế nhưng Đức Chúa Trời lại không làm những điều như chúng ta tưởng. Dường như Ngài rất thích thú khi dùng những người tầm thường để làm những việc phi thường. Ngài sai phái vị Rabi và cũng là một học giả đã trở lại đạo kia đi đến với người ngoại giáo dã man, và Ngài sai các sứ đồ thất học đi đến với các Rabi và các học giả uyên bác.

Khoảng phân nửa đầu của sách Công Vụ Các Sứ Đồ trình bày về Phierơ như là vị sứ đồ lãnh đạo, phần còn lại của sách mô tả sơ lược cuộc đời và sự thi hành chức vụ của sứ đồ Phaolô. Khi đọc đến câu chuyện sự trở lại đạo của Phaolô trong sách lịch sử nầy, chắc chắn bạn phải đi đường vòng bằng cách đọc lại lời thuật về kinh nghiệm trong đồng vắng của ông trong hai chương đầu của thư tín mà ông viết gửi cho người Galati. Khi khẳng định những điều nầy với người Galati, ông đã đem đến cho chúng ta sự cam đoan: “Trước mặt Đức Chúa Trời, tôi không hề nói dối”.

Bạn cần phải có nhận định về Phaolô. Ông, hoặc là một kẻ nói dối hoặc là một sứ đồ. Thậm chí ông còn tuyên bố rằng ông đã làm việc kết quả hơn các sứ đồ khác (ICôr 15: 9,10).Một thực tế không thể phủ nhận được là ông có làm công việc Chúa kết quả hơn các sứ đồ còn lại. Ông là tác giả của gần phân nửa số sách trong Tân ước mà chúng ta sẽ nghiên cứu khi kết thúc bài học về sách Công Vụ Các Sứ Đồ nầy. Hãy tiếp tục duy trì nhận xét của bạn về Phaolô cho đến lúc bạn đọc hết và xem xét kỹ càng nội dung các thư tín vô cùng sâu sắc của ông vốn được Đức Thánh Linh hà hơi.

Tôi bắt đầu đọc Kinh Thánh từ năm 1949 bằng việc đọc nửa phần sau của sách Công Vụ Các Sứ Đồ để chuẩn bị nghiên cứu tất cả các bức thư đầy thần cảm của Phaolô. Tôi tin quyết rằng chính Đấng Christ phục sinh đã bày tỏ cho người của Đức Chúa Trời thật đặc biệt và lạ lùng nầy biết về lẽ thật thiêng liêng mà tôi đã tiếp tục khám phá ra trong các thư tín đầy thần cảm của ông.

Gặp Gỡ Banaba

Trước hết, Luca tập trung chủ yếu vào chức vụ của Phierơ và Phaolô để viết nên lịch sử của Hội thánh đầu tiên. Tuy nhiên, bên cạnh hai vị lãnh đạo vĩ đại nầy, còn có nhiều người khác mà Luca nghĩ rằng chúng ta cần nên biết để hiểu rõ được những ngày đầu của Hội thánh Đấng Christ hằng sống, phục sinh. Một trong số họ là người có tên Banaba, nghĩa là “Con trai của sự yên ủi” (Công vụ 4:36).

Theo gương Chúa Jêsus, các sứ đồ đã đổi tên ông là Giôsép thành Banaba, là tên được mô tả theo loại ân tứ thuộc linh và chức vụ của ông. Chúng ta sẽ luôn tìm thấy ông sống đúng với cái tên mới nầy, trung tín giúp đỡ người khác, khích lệ yên ủi họ để làm những việc mà Chúa phục sinh kêu gọi họ làm. Banaba là người đã đóng vai trò rất quan trọng trong việc khích lệ Phaolô dấn thân vào chức vụ truyền giáo phi thường của mình.

Chúng ta đọc rằng ông đang làm việc tại Hội thánh Antiốt, môn đồ hoá những người mới trở lại đạo. Hội thánh đã kinh nghiệm được sự tăng trưởng nhanh chóng một cách lạ lùng của một số đông tín hữu bởi vì Đức Thánh Linh đang hành động mạnh mẽ tại đó. Số tân tín hữu tăng lên rất đông đến nỗi Banaba nhận thấy Hội thánh phải cần đến ân tứ dạy dỗ đặc biệt, lạ thường của vị Rabi đã trở lại đạo là Saulơ người Tạtsơ nầy. Do đó, ông đi đến Tạtsơ tìm kiếm cho đến khi ông gặp được Phaolô, rồi đem ông ta đến Antiốt để đặt ông vào chức vụ giảng dạy tại đó. Chúng ta đọc rằng Banaba đã từng đứng ra can thiệp cho Phaolô, người trước đây đã từng là kẻ thù của Hội thánh và các tín hữu, cho nên họ còn hoài nghi và thiếu thông cảm trong việc mời Phaolô đến Antiốt (Công vụ 9:26).

Chúng ta phải nhớ rằng ắt hẳn sẽ không bao giờ có sứ đồ Phierơ nếu như không có một người tên là Anhrê. Chính Anhrê là người đã đưa Simôn, anh mình đến và giới thiệu với Chúa Jêsus. Anhrê một lần nữa được mô tả là đang làm việc với từng cá nhân trong việc dẫn đưa người ta đến với Chúa Jêsus, khi ông phát hiện ra một bé trai, là người đã dâng bữa ăn trưa của mình là năm cái bánh và hai con cá để nuôi đoàn dân đông đang đói. Cũng một thể ấy, chúng ta có thể nói Phaolô sẽ không bao giờ có được chức vụ trọng đại của mình nếu như không có “Con trai của sự yên ủi” tên là Banaba.

Phaolô và Banaba được Hội thánh Antiốt uỷ thác và sai đi để bắt đầu chuyến hành trình truyền giáo vô cùng kết quả của họ (Công vụ 13:1-3). Tuy nhiên, khi họ sắp sửa bước vào chuyến hành trình truyền giáo thứ hai, thì họ có sự bất hoà gay gắt với nhau khiến hai người không thể làm việc chung với nhau như một nhóm môn đồ đã cùng nhau hiệp với Đấng Christ và với nhau được. Banaba muốn dẫn theo một người cháu trai tên Giăng còn gọi là Mác cùng đi với họ trong chuyến hành trình truyền giáo lần thứ hai đó. Giăng Mác đã đồng hành với họ trong suốt chuyến hành trình truyền giáo lần thứ nhất, nhưng anh ta đã bỏ trốn khi có sự bắt bớ xảy ra, cho nên Phaolô nhất quyết không cho dẫn anh ta theo nữa.

Sự bất hoà giữa Phaolô và Banaba quá sâu sắc đến nỗi vì chuyện đó mà họ đã phân rẽ nhau. Phaolô dẫn Sila đi theo một hướng; còn Banaba dẫn Giăng Mác đi theo hướng khác. Xuyên suốt lịch sử Hội thánh, trên một góc độ nào đó thì đây được xem là vấn đề lớn nhất của những nhà truyền giáo. Ma quỷ là kẻ biết rằng chúng ta không thể thắng được thế gian nếu như chúng ta bất hoà với nhau. Đây là lý do tại sao Chúa Jêsus đã hết sức nhấn mạnh vào việc chúng ta cần phải xây dựng mối liên hệ thông công mật thiết với những người anh em mình (Mathiơ 5:23, 24; 18:15-17).

Tuy nhiên, chúng ta cần phải đọc một vài câu ở gần cuối thư mà sứ đồ Phaolô đã viết trong hầm ngục kinh hoàng ở nhà tù Mamertine tại Lamã. Đó là những lời ông viết gửi cho Timôthê: “Hãy đem Giăng cũng gọi là Mác đến với con. Cậu ta là nhà truyền giáo đem lại nhiều ích lợi”. Đằng sau chàng thanh niên nầy là chuyện gì vậy? sao anh ta lại có thể trở thành “nhà truyền giáo đem lại nhiều ích lợi”được? Các học giả cho rằng chắc chắn là Banaba đã tiếp tục chăm sóc Giăng Mác sau khi Phaolô từ bỏ anh ta. Giăng Mác trở thành người viết Phúc âm thứ hai bởi vì nhờ có Banaba chính là “Con trai của sự yên ủi”.

Thời nào cũng vậy, Hội thánh trong quá khứ, hiện tại và trong tương lai lúc nào cũng có rất nhiều người cần đến một ai đó yên ủi, chăm sóc họ trong mối liên hệ một trên một. Bạn có sẵn lòng làm người mà người ta đang cần đến không? Nếu bạn là một tín hữu còn non trẻ, thì bạn nên cần có một Banaba. Còn nếu bạn đã là Cơ Đốc nhân trưởng thành, thì bạn hãy yên ủi khích lệ một Giăng Mác. Khi bạn có cơ hội và khi bạn được Đức Thánh Linh dẫn dắt, thì hãy luôn làm theo gương Banaba yên ủi, khích lệ những người xung quanh đặt biệt đối với người mới tin Chúa – để khiến họ trở thành người mà Đức Chúa Trời muốn.

Chương 6: “NHỮNG KIỂU MẪU CỦA LỄ NGŨ TUẦN KHAI SINH HỘI THÁNH”

Theo Luca, có nhiều thời cơ mang tính quyết định cho công tác truyền giảng Tin lành. Chúng ta đọc thấy có một trong những thời cơ như thế trong sách Công Vụ chương mười sáu.Đang khi Phaolô thi hành chuyến truyền giáo lần thứ hai của mình, ông ước ao đi đến cõi Asi và rao giảng Phúc âm. Tuy nhiên, chúng ta thấy rằng ông và những người đồng hành với ông đã bị Đức Thánh Linh cấm không cho đi đến đó. Đương ban đêm, Phaolô có sự hiện thấy một người Maxêđoan tới van nài ông: “Hãy qua xứ Maxêđoan, mà cứu giúp chúng tôi”.

Sau khi Phaolô thấy khải tượng nầy, chúng ta biết Luca đã tham gia cùng với đoàn truyền giáo: “Phaolô vừa thấy sự hiện thấy đó rồi, chúng ta liền tìm cách qua xứ Maxêđoan, vì đã định rằng Đức Chúa Trời gọi chúng ta rao truyền Tin lành ở đó” (Công vụ 16:710). Mặc dầu Phaolô với những người đồng hành có chủ ý muốn đi ngay đến cõi Asi, nhưng Đức Thánh Linh thấy việc quan trọng là họ cần phải tới Maxêđoan truyền giảng Tin lành trước rồi mới đến đó sau.

Đây chính là cơ hội cho Phaolô thi hành chức vụ đầu tiên của ông ở Galati. Khi chúng ta xem xét những điều Phaolô đã viết rằng người Galati rất quan tâm đến vấn đề sức khoẻ mà ông đang trải qua ngay lúc nầy, chúng ta có thể kết luận Đức Thánh Linh đã dùng vấn đề sức khoẻ của Phaolô ngăn trở ông đến cõi Asi (Galati 4:13-15). Đây là lý do hết sức hợp lý bởi vì lúc ấy Luca vị bác sĩ yêu dấu của ông đã đến với ông.

Khi vào đến xứ Maxêđoan, thành phố đầu tiên họ viếng thăm là thành Philíp. Chắc bạn nghĩ rằng đó là một người đàn ông trong khải tượng của Phaolô đã nài xin: “Hãy đến cứu giúp đỡ chúng tôi!” như vậy có lẽ Phaolô sẽ bắt gặp hàng ngàn người đàn ông ở đó đang háo hức chờ nghe Tin lành. Thế nhưng, ông lại thấy một đám phụ nữ đang nhóm cầu nguyện bên bờ sông. Phaolô bắt đầu với những điều Đức Chúa Trời đã ban cho ông rất rõ ràng, truyền rao Tin lành cho những người đàn bà Do Thái nầy.

Một trong số họ có Lyđi “là người buôn hàng sắc tía” (c.14). Có nghĩa bà ấy là một thợ may chuyên may áo quần cho các gia đình hoàng tộc. Chúng ta đọc rằng khi Phaolô giảng Lời Chúa ra, thì Chúa liền “mở lòng cho người” (c.14). Sau đó, bà mời Phaolô cùng đoàn truyền giáo về nhà mình. Về sau nầy, nhà của Lyđi đã trở thành ngôi nhà thờ đầu tiên ở Châu âu. Có hàng ngàn ngôi thánh đường nguy nga tráng lệ được xây dựng ở Châu Âu, nhưng trên thiên đàng, thì cô thợ may Do Thái bé mọn nầy mới là người có tư cách tuyên bố rằng nhà của bà ta chính là ngôi thánh đường đầu tiên tại Châu Âu.

Tại thành Philíp, Phaolô và sila đã bị bắt, bị đánh đập dã man và bị tống vào ngục (22-24). Mặc cho sự trừng phạt như vậy, chúng ta đọc thấy rằng vào lúc nửa đêm Phaolô với sila vẫn cứ cầu nguyện, hát Thánh ca ngợi khen Chúa và tất cả các tù nhân ở đó đều có nghe họ hát. Thình lình, ngay lúc ấy, xảy ra cơn động đất dữ dội, kinh hoàng! Xiềng xích của tất cả tù phạm đều bị đứt rời ra rơi xuống đất, mọi cánh cửa nhà tù được mở ra. Đó là một cơn động đất rất lạ lùng!

Khi người cai ngục thức dậy vào lúc nửa đêm trông thấy các cánh cửa nhà lao mở ra, ông ta vội rút gươm định tự sát, nhưng Phaolô bảo ông: “Chớ làm hại mình: Chúng tơi đều còn cả đây”. Người cai ngục ấy liền hỏi họ một câu hỏi quan trọng: “Các chúa ơi, tôi phải làm chi cho được cứu rỗi?” Phaolô cũng đã trả lời ông ta bằng câu trả lời quan trọng: “Hãy tin Đức Chúa Jêsus, thì ngươi và cả nhà đều sẽ được cứu rỗi ”. Chúng ta đọc những câu kế tiếp:

“Hai người truyền đạo Đức Chúa Trời cho người, và cho những kẻ ở nhà người nữa. Trong ban đêm, chính giờ đó, người đề lao đem hai người ra rửa các thương tích cho; rồi tức thì người và mọi kẻ thuộc về mình đều chịu phép báptêm. Đoạn, người đề lao mời hai người lên nhà mình, đặt bàn, và người với cả nhà mình đều mừng rỡ vì đã tin Đức Chúa Trời” (28-34).

Con đường cứu rỗi chưa bao giờ được khẳng định rõ ràng hơn là ở những lời nầy: “Hãy tin Chúa Jêsus Christ thì ngươi sẽ được cứu rỗi!” Tôi đã được cứu và trở thành môn đồ Chúa Jêsus Christ vào năm 1949 ngay khi lần đầu tiên tôi được nghe rao giảng như vậy. Tôi tin Phaolô lúc bấy giờ đã gặp được người đàn ông trong sự hiện thấy là khải tượng chỉ dẫn ông qua xứ Maxêđoan nầy.

Sau khi người cai ngục ăn năn tin nhận Chúa, các quan lại địa phương sai người đến thông báo thả Phaolô và buộc ông phải rời khỏi thành phố ngay (35-36). Tuy nhiên, Phaolô không chịu rời khỏi đó theo đề nghị nầy. Vì ông là một quốc dân Lamã nhưng đã bị người ta đánh đập tra tấn như vậy, giờ thì lại không có phiên toà xét xử chuyện đó, cho nên, ông yêu cầu các thượng quan địa phương phải đến hộ tống ông với Sila rời khỏi thành. Ông rời khỏi thành Philíp theo cách thức và thời điểm do chính ông định đoạt.

Phaolô không chỉ chứng kiến Đấng Christ đã hành động tại thành Philíp, mà ông còn thiết lập một Hội thánh đáng yêu tại đó nữa. Hội thánh nầy cũng chính là cơ sở hổ trợ, tạo bàn đạp cho ông mở ra các Hội thánh tại những thành phố phụ cận như Côrinhtô, Êphêsô và Têsalônica. Ông lấy gương người quản gia trung tín của người Philíp làm mẫu cho các Hội thánh khác noi theo (IICôrinhtô 8-9). Phaolô lao động bằng nghề làm thợ may lều trại để sinh sống chứ không nhận sự trợ cấp của các tín hữu chưa trưởng thành, vì những động cơ tin Chúa, họ đang chất vấn ông về quyền làm sứ đồ, và không coi trọng những đồng sự cùng hầu việc Chúa với ông.

Khi đọc câu chuyện Phaolô ở thành Philíp, xin bạn đừng bao giờ quên những câu quan trọng nầy: “Hãy tin Chúa Jêsus Christ thì ngươi sẽ được cứu rỗi!” Hãy xem đó như là lời đang thách thức chúng ta hãy tin Đức Chúa Jêsus Christ. “Jêsus” có nghĩa chúng ta tin rằng Ngài là Chúa Cứu Thế của chúng ta. “Christ” có nghĩa chúng ta tin Chúa Cứu Thế của chúng ta là Đấng Mêsi. Còn “Chúa” có nghĩa là chúng ta tôn Đấng Mêsi, Chúa Cứu Thế làm Chúa và làm Chủ chúng ta.

Bạn có tin Jêsus là Đấng Mêsi và là Chúa Cứu Thế của bạn không? Bạn có tôn Ngài làm Chúa mình không? Nếu trước đây bạn chưa bao giờ thực hiện điều nầy thì ngay bây giờ:“Hãy tin Chúa Giêxu Christ thì ngươi sẽđược cứu rỗi!”

Chương 7: “BÀI GIẢNG CỦA PHAOLÔ”

Khi đến thành Athên, tinh thần Phaolô vô cùng bối rối vì ông thấy khắp nơi chỗ nào người ta cũng thờ hình tượng (Công vụ 17:16). Có một sử gia viết rằng Phaolô tìm thấy các tượng chạm còn dễ dàng hơn là tìm gặp một người ở thành Athên nầy. Sự thờ lạy hình tượng đó đã khiến cho Phaolô vô cùng rắc rối bởi vì ông biết các tượng chạm ấy không phải là thần thánh chi cả, nhưng dân ở đây sẽ không chịu nhận biết Đức Chúa Trời chân thần vì cớ các tượng chạm nầy.

Phaolô có một cái nhìn tuyệt vời, ông thiết lập kiểu mẫu về chiến lược truyền giáo tại những thành phố ông đến rao giảng. Ông thường đi đến nhà hội trước và tuyên bố với người Do Thái rằng: “Đức Chúa Jêsus chính là Đấng Christ”. Ông vốn là một Rabi cho nên ông có đủ khả năng chứng minh cho điều đó. Vì thế, ông được phép đến nhà hội rao truyền và giảng dạy Phúc âm cho người Do Thái. Đó luôn luôn là chiến lược của Phaolô “trước là người Giuđa (Do Thái), sau là người Gờréc (Hylạp)” (Rôma 1:16). Mặc dù Phaolô được kêu gọi vào chức vụ truyền giáo cho những người không phải là dân Do Thái, thế nhưng lại rất cưu mang dân Do Thái và ông luôn đến để rao giảng cho họ trước. Chúng ta hiểu lý do tại sao ông lại làm như vậy khi chúng ta đọc đến sự diễn tả về gánh nặng của ông đối với người Do Thái trong bức thư ông gửi cho các tín đồ ở Lamã (Rôma 9:1-5).

Phần thứ hai trong chiến lược của ông là đi đến phố chợ là nơi có đông người tụ họp để rao giảng Tin lành cho họ. Chúng ta đọc: “Vả, hết thảy người Athên và người ngoại quốc ngụ tại thành Athên chỉ lo nói và nghe việc mới lạ mà thôi” (Công vụ 17:21). Có nhiều người Hylạp là những triết gia. Họ ưa thích tranh luận, bàn cãi về những khái niệm mang tính trí thức uyên thâm, đặc biệt họ thích nghe những điều mới lạ. Vì vậy, Phaolô đi đến nơi phố chợ mỗi ngày để chia sẻ Phúc âm cho bất cứ ai muốn lắng nghe ông.

Phương diện thứ ba trong chiến lược của ông là trình bày Phúc âm cho những người lãnh đạo địa phương có tiếng tăm. Khi ông thực hiện chiến lược của mình ở Athên, cuối cùng ông có tới thăm một nơi nổi tiếng rất đẹp đẽ trên đỉnh đồi Mars được người ta biết đến với tên gọi là Arêôba (Areopagus). Đó là nơi chỉ dành cho những người nổi tiếng được mời đến để tranh luận. Nơi ấy cũng được dùng làm trường án và khi đứng tại nơi đó bạn cũng có thể quan sát được toàn cảnh thành phố Athên. Khi Phaolô được mời đến nói chuyện tại Arêôba trên đồi Mars, ông đã trình bày một bài giảng đạo mang tính chất hùng biện. Ông bắt đầu: “Hỡi người Athên, phàm việc gì ta cũng thấy các ngươi sốt sắng quá chừng.Vì khi ta trải khắp thành các ngươi, xem xét khí vật các ngươi dùng thờ phượng, thì thấy một bàn thờ có chạm chữ rằng: THỜ CHÚA KHÔNG BIẾT. Vậy, Đấng các ngươi thờ mà không biết đó, là Đấng ta đương rao truyền cho” (Công vụ 17:22-23).

Đây thực là một sự khôn khéo. Phaolô đã khen người Athên với một thực tế là họ rất sùng đạo. Nhưng kế đó ông nói với họ đại khái thế nầy: “Tôi thấy có một trong những vị thần mà các ông đã khắc trên bàn thờ có nghĩa các ông thừa nhận là có một vị thần mà các ông không thể biết được. Đó chính là Đức Chúa Trời mà tôi đang nói cho các ông nghe đây!”

Phaolô tiếp tục rao giảng rằng chúng ta là con cái của Đức Chúa Trời, Đấng đã tạo dựng nên trời đất. Do đó Đức Chúa Trời sẽ không thể nào là vị thần do người ta làm ra bằng vàng, bạc, hay gỗ đá được. Ông trưng dẫn những nhà thơ Hylạp của họ, bởi vì ngay cả chính các nhà thơ đó cũng có nói rằng chúng ta là con cái Đức Chúa Trời. Ông trưng dẫn đến các triết gia của họ; và kết thúc bài giảng, ông đã nói về sự chết và sự sống lại của Chúa Jêsus Christ. Lúc Phaolô giảng về sự sống lại, chúng ta hãy đọc: “Khi chúng nghe nói về sự sống lại của kẻ chết, kẻ thì nhạo báng, người thì nói rằng: Lúc khác chúng ta sẽ nghe ngươi nói về việc đó. Vì vậy, Phaolô từ giữa đám họ bước ra. Nhưng có mấy kẻ theo người và tin; trong số đó, có Đêni, là một quan tòa nơi Arêôba, và một người đàn bà tên là Đamari, cùng các người khác” (Công vụ 17: 32-34).

Các học giả không thống nhất với nhau theo cách mà họ đánh giá về bài giảng đạo của Phaolô trên đồi Mars. Có một số cho là ông đã thất bại trước những áp lực của nền văn hoá tri thức uyên bác Hylạp khi ông trưng dẫn những triết gia với những thi sĩ của người Hylạp, và do đó kết quả truyền giáo ấy chẳng gặt hái được bao nhiêu. Không có thư tín nào do Phaolô viết gửi cho người Athên cả, ông cũng không hề đề cập đến một Hội thánh nào đã được lập nên ở đó như ở các thành phố khác chẳng hạn như Côrinhtô và Êphêsô. Những học
giả khác cũng không đồng tình. Riêng cá nhân tôi thì tin rằng Phaolô đã phát huy được khả năng triết lý của mình trong sự truyền rao Phúc âm và đó là kết quả kinh nghiệm của ông ở Athên.

Tin Lành Đến Côrinhtô

Từ Athên, Phaolô đi thẳng đến Côrinhtô. Đó là một thành phố suy đồi về đạo đức. Trong thập niên thứ nhất, hễ gọi một ai đó là “người Côrinhtô” thì có nghĩa là xem người ấy là người suy đồi đạo đức. Khi Phaolô dự tính đến rao giảng Tin lành tại một thành như Côrinhtô, ông cảm thấy lòng đầy sợ hãi (ICôrinhtô 2:3). Nhưng Đức Chúa Trời tái bảo đảm cho Phaolô bằng sự hiện thấy: “Đừng sợ chi; song hãy nói và chớ làm thinh; Ta ở cùng ngươi, chẳng ai tra tay trên ngươi đặng làm hại đâu; vì ta có nhiều người trong thành nầy” (Công vụ 18: 9-10).

Phaolô có một ngày Lễ Ngũ Tuần cá nhân để sửa soạn chính mình cho sứ mệnh của ông tại Côrinhtô. Ở một góc độ nào đó chúng ta có thể nói rằng Phaolô đã có kinh nghiệm chuẩn bị chính mình cho những công tác tại Galati, Êphêsô, Philíp và tại Côrinhtô. Ông viết cho họ rằng khi ông đến Côrinhtô, ông quyết định không dùng “những lời cao xa, khôn ngoan của đời nầy”, nhưng chỉ đơn giản trình bày một bài để minh chứng về Đức Thánh Linh và về quyền năng của Ngài mà thôi (ICôrinhtô 2:1-5). Khi giảng bài giảng trên đồi Mars, Phaolô đã dùng “những lời cao xa, khôn ngoan của đời nầy”. Ông trưng dẫn các thi sĩ cùng các triết gia của họ và giảng một bài giảng rất hay tại đó.

Trong tiếng Hylạp, từ “giảng” theo nghĩa đen là “ra cáo thị”, như cách nhà vua ra sắc lệnh cho thần dân của mình tại các xóm làng, thành thị trong khắp cả nước. Khi chúng ta nghiên cứu việc dạy đạo của Phaolô trong sáu chương kế tiếp của quyển sách lịch sử đầy linh cảm nầy, chúng ta hãy xem xét những điều Phaolô học hỏi được giữa Athên và Côrinhtô là cột mốc thuộc linh trong việc hình thành chiến lược truyền bá Phúc âm của mình.

Tôi cho rằng những lúc thi hành chức vụ tại Athên và Côrinhtô, Phaolô đã kinh nghiệm được cơn khủng hoảng nào đó gây tác động rất lớn đến chiến lược truyền giảng Phúc âm của ông. Phaolô nhận thấy rõ ràng rằng việc giảng đạo là công việc thuộc linh, và tất cả những gì ông cần làm là loan báo ra những sự kiện Phúc âm về Chúa Jêsus Christ. Ông kết thúc bức thư gửi cho tín đồ ở Côrinhtô bằng lời tuyên bố thêm về Phúc âm mà ông đã rao giảng khi tới thành phố của họ trước đó (ICôrinhtô 15:1-4). Và ông viết cho người Lamã rằng: “Thật vậy, tôi không hổ thẹn về Tin lành đâu, vì là quyền phép của Đức Chúa Trời để cứu mọi kẻ tin” (Rôma 1:16).

Sau Athên và Côrinhtô, Phaolô rao truyền sứ điệp Phúc âm một cách đơn giản và thường xuyên thuật lại kinh nghiệm cá nhân của mình về việc ông đã tiếp nhận Phúc âm đó ra
sao.

Phaolô Tại Êphêsô

Sứ mệnh trọng đại của Phaolô tại thành Êphêsô là hoàn thành sở nguyện của ông đem Tin lành đến cõi Asi. Tại Êphêsô, Phaolô tiến hành thực hiện sứ mệnh thiết lập Hội thánh rất kết quả. Các học giả tin rằng Hội thánh được thành lập ở Êphêsô đã trở thành Hội thánh mẹ và từ đó có thêm sáu Hội thánh nhánh cũng được khai sinh như đã được đề cập đến trong sách Khải Huyền. Các Hội thánh tại Bẹtgăm, Thiatirơ, Simiệcnơ , Philađenphi, Laođixê và Sạtđe chắc hẳn là những Hội thánh trực thuộc Hội thánh tại Êphêsô. Thư Phaolô viết gửi cho tín đồ tại Côlôse có thể cũng được coi như là Hội thánh nhánh của Hội thánh Êphêsô.

Một trong những lý do khiến Hội thánh được thiết lập tại Êphêsô rất kết quả là vì Phaolô đã có một “trường đào tạo” tại đó. Chúng ta đọc biết ông “dạy dỗ hằng ngày trong trường học Tiranu. Việc đó cứ luôn hai năm, đến nỗi mọi người ở trong cõi Asi, hoặc người Giuđa hay là người Gờréc, đều nghe đạo Chúa” (Công vụ 9:10). Có một văn bản thảo cổ xưa cho chúng ta biết Phaolô đã mượn trường học nầy dạy đạo từ 11 giờ trưa đến 5 giờ chiều mỗi ngày vào những lúc trường bỏ không. Tại đó, công việc hằng ngày thường bị gián đoạn một vài tiếng đồng h Christ thì ngươi sẽđược cứu rỗi!”ồ để người ta ngủ trưa do trời nóng quá không thể làm việc được hoặc ảnh hưởng đến các lớp học trong trường.

Tại trường học đó, Phaolô đã đào tạo và huấn luyện được nhiều mục sư cho các Hội thánh cơ sở nầy. “Trường đào tạo” nầy có thể giải thích lý do tại sao Phaolô đã ở lại Êphêsô suốt hơn ba năm trời là thời gian dài hơn hết trong số những thành phố khác mà ông đến để thành lập Hội thánh. Hội thánh tại Êphêsô được vị mục sư và cũng là thầy giáo Phaolô nầy dạy dỗ quá kỹ lưỡng, trong nửa đầu bức thư tuyệt diệu của ông gửi cho họ, ông thường xuyên khích lệ động viên họ hãy “nhớ” lại những gì ông đã dạy họ.

Một trong những sự khải tỏ cảm động nhất của Phaolô và chức vụ của ông trong cuốn sách lịch sử nầy được tìm thấy ở chương hai mươi. Ông bắt đầu lên đường đi đến Giêrusalem,nơi mà Đức Thánh Linh đã bảo cho ông biết trước rằng ông sẽ bị bắt bớ, bị xiềng xích tù tội và bị đánh đập (Công vụ 20: 22-24). Khi ông đến một nơi gọi là Milê gần Êphêsô, ông cảm thấy mình sẽ không bao giờ còn có cơ hội được ở gần các tín đồ ở đó, là những người mà ông đã đầu tư cho rất nhiều trong quá trình ông thi hành chức vụ của mình. Do đó, ông cho mời các trưởng lão trong Hội thánh đến một bờ biển tại Milê rồi nói lời tạm biệt họ. Những lời cuối cùng của Phaolô nói với các vị trưởng lão nầy là: “Bây giờ, tôi giao phó anh em cho Đức Chúa Trời và cho đạo của ơn Ngài, là giao phó cho Đấng có thể gây dựng, và ban gia tài cho anh em chung với hết thảy những người được nên thánh. Tôi chẳng ham bạc, vàng, hay là áo xống của ai hết. Chính anh em biết rằng hai bàn tay nầy đã làm ra sự cần dùng của tôi và của đồng bạn tôi. Tôi từng bày bảo luôn cho anh em rằng phải chịu khó làm việc như vậy, để giúp đỡ người yếu đuối, và nhớ lại lời chính Đức Chúa Jêsus có phán rằng: Ban cho thì có phước hơn là nhận lãnh” (Công vụ 20: 32-35).

Vì Phaolô đã tình nguyện hỗ trợ cho Hội thánh ở Êphêsô, cho nên không ai có thể lên án ông về việc ông đã rao giảng và dạy đạo chỉ vì động cơ để được nhận lãnh những lợi lộc từ nơi họ. Thực tế, Phaolô không chỉ tự nguyện hỗ trợ cho Hội thánh tại đó, mà ông còn hỗ trợ cho cả đoàn truyền giáo của mình nữa vì ông muốn họ học được lẽ thật của Lời Chúa Jêsus: “Ban cho thì có phước hơn nhận lãnh”. Câu nói nầy của Chúa Jêsus sẽ nói lên động cơ làm việc chăm chỉ của chúng ta. Nếu chúng ta làm việc chăm chỉ kiếm sống thì chúng ta sẽ có thứ để ban cho, do vậy chúng ta sẽ học được “phước lành thứ chí” nầy của Chúa Jêsus.

Khi Phaolô nói với mấy vị trưởng lão kia rằng họ sẽ không còn gặp lại ông nữa, thì “Ai nấy đều khóc lắm ôm lấy cổ Phaolô mà hôn” (37). Đó là một sự cảm thông sâu xa tận nơi đáy lòng, hay là mối thân hữu đã có trong Hội thánh đầu tiên.

Chương 8: “NHỮNG KIỂU MẪU CỦA PHAOLÔ”

Trong sách Công Vụ Các Sứ Đồ chương 21, chúng ta đọc thấy rằng Phaolô đi đến Giêrusalem và bắt đầu rao giảng tại đó. Phản ứng lại sự rao giảng nầy, có một đám đông đã tấn công ông (Công vụ 21: 27). Lúc họ đánh Phaolô gần chết thì có một viên sĩ quan Lamã cùng với quân lính đến giải tán đám đông và giải cứu ông. Khi binh lính đem ông vào đồn là nơi ông sẽ trở thành tù nhân của Lamã, Phaolô liền xin viên sĩ quan nọ cho phép ông được giảng đạo, bởi vì ông thấy đây là cơ hội tốt để ông rao giảng Tin lành. Ông đã giảng một bài giảng thật tuyệt vời được ký thuật ở chương tiếp theo.

Đây là bài giảng không giống như bài ông đã giảng trên đồi Mars. Lần nầy, Phaolô không trưng dẫn các thi sĩ và các triết gia hoặc dùng những lời lẽ khôn ngoan của đời. Ông trình bày những bằng chứng mà chính ông đã kinh nghiệm được từ Đấng Christ. Tình hình trở nên phức tạp. Chúng ta đọc: “Chúng chịu nghe người nói đến đó, song đến câu ấy, thì vùng kêu
lên rằng: Hãy cất người dường ấy khỏi thế gian! Nó chẳng đáng sống đâu!” (Công vụ 22:22). Đến khi cơn giận dữ của đám đông bị khấy động lên lần nữa, thì Phaolô đã được đem vào đồn.

Thường thì người Lamã khi bắt ai đó, họ sẽ trói kẻ ấy vào một cái cọc rồi ra tay đánh đập tra khảo. Họ gọi đó là “hình phạt tra khảo bằng roi”. Lúc họ sắp trói Phaolô vào cọc để thực hiện việc tra khảo nầy, ông liền báo cho bọn lính biết ông vốn có quốc tịch Lamã. Khi biết được điều nầy, bọn lính liền trình với viên sĩ quan của họ để không đánh Phaolô nữa (c. 29). Đến giờ tôi vẫn không hiểu lý do tại sao Phaolô đã không tuyên bố quyền công dân nầy của mình khi ông cùng với Sila bị bắt và bị đánh đập tại thành Philíp. Có lẽ ông đã để cho mình bị đánh đập ở đó bởi vì ông muốn dùng điều nầy để đối phó với các quan chức của thành phố sau nầy.

Quân lính Lamã kia quyết định không đánh ông và đem ông bỏ tù. Ngày hôm sau, họ đưa ông ra xét xử trước các thầy tế lễ cả và trước Toà Công Luận. Những con người cuồng tín trong đám dân đông kia là kẻ đã kiện cáo Phaolô được mời đến để luận tội chống lại ông tại phiên toà.

Phần ký thuật một loạt các cuộc xét xử Phaolô và sau những vụ xét xử ấy đã đưa Phaolô đến trước Hoàng đế Sêsa bắt đầu trong Công vụ chương 23. Chúng ta thấy được lòng nhân ái của Phaolô khi cuộc xét xử nầy bắt đầu. Ông quan sát một lượt khắp khán phòng của toà án và thấy có đến gần phân nửa số người có mặt tại đó là người Pharisi, phần còn lại là người Sasuđê. Người Pharisi là những người theo đạo Do Thái chính thống, còn người Sasuđê là những người Do Thái theo đảng Tự do. Người Sasuđê không tin sự sống lại và những sự kiện siêu nhiên. Do đó, Phaolô liền đưa ra lời lẽ khôn khéo cho các khán giả đang chia rẽ nầy. Ông long trọng tuyên bố: “Hỡi anh em tôi là người Pharisi, con của dòng Pharisi. Ấy là vì sự trông cậy của chúng ta và sự sống lại của những kẻ chết mà tôi phải chịu xử đoán” (Công vụ 23:6).

Khi Phaolô công bố một cách sắc sảo về sự sống lại của kẻ chết, liền nổ ra sự tranh cãi kịch liệt giữa những người Pharisi và người Sasuđê với những người Pharisi đứng về phía Phaolô. Phaolô biết rằng mình đang bị đẩy vào một phiên toà bất công và dối trá. Vì thế, ông quyết định để lật ngược tình thế giống như ông đã làm ở thành Philíp. Bọn lính lại cứu nguy ông lần nữa và đưa ông trở lại nhà giam để bảo vệ tính mạng của ông.

Nhóm người Giuđa nầy có đến 40 người đã cùng đi lập mưu thề nguyện với nhau sẽ quyết không ăn uống gì cho đến chừng nào giết được Phaolô. Họ lập kế mai phục Phaolô để giết khi ông bị đưa đi thẩm vấn thêm (12). Có một người cháu trai bà con của Phaolô tình cờ nghe lỏm được âm mưu nầy, cậu ta liền đến nhà giam báo cho Phaolô biết mưu đồ ấy. Sau đó người trai trẻ ấy đến nói cho viên quản cơ biết mưu toan mà 40 người Giuđa nọ sắp thực hiện.

Viên quản cơ quyết định thả Phaolô. Ông không biết điều mình đã làm và cũng không hiểu được vấn đề gì đã xảy ra giữa người Giuđa và Phaolô, ông chỉ biết người nầy sẽ chẳng đem đến điều gì ích cho ông cả, mà chỉ toàn là điều phiền phức mà thôi. Thế là, ông gọi hai viên thầy đội đến bảo: “Vừa giờ thứ ba đêm nay, hãy sắm sẵn hai trăm quân, bảy mươi lính kỵ, hai trăm lính cầm giáo, đặng đi đến thành Sêsarê. Lại cũng phải sắm ngựa nữa, để đưa Phaolô vô sự đến nơi quan tổng đốc Phêlít “ (Công vụ 23: 23,24).

Đây chẳng phải là một tình thế lý thú sao? Trong bóng đêm bao phủ, có một người Do Thái nhỏ thó lập dị đang được 470 quân lính Lamã vây quanh lén lút đưa ông ra ngoài thành và hộ tống ông đi từ Giêrusalem xuống bờ biển Địa Trung Hải để đến Sêsarê thuộc Paléttin.

Trước Mặt Hai Vị Quan Tổng Đốc

Khi Phaolô đến Sêsarê, ông được đem giao nộp cho quan tổng đốc Phêlít. Phêlít truyền gọi những người Giuđa đến và chính thức buộc tội Phaolô. Ở đây một lần nữa sứ đồ Phaolô đã đem đến cho chúng ta một sứ điệp quan trọng. Trong trường hợp nầy, khi Phaolô giảng đạo trước quan tổng đốc và trước phiên toà xét xử mình, ông đã thuật lại “câu chuyện về Đức Chúa Trời” của ông, hay một lần nữa ông đã đưa ra lời làm chứng của mình.

Phản ứng lại trước sự trình bày của Phaolô, Phêlít thực sự không có lý do gì để xem Phaolô là tội phạm cả. Tuy nhiên, ông quyết giữ Phaolô lại cho đến khi ông có thể thực hiện điều gì đó đối với người tù khác thường nầy (Công vụ 24: 22,23).

Quan tổng đốc Phêlít và vợ là Đơrusi người Giuđa, hết sức ngưỡng mộ Phaolô đến nỗi họ đề nghị gặp riêng ông để nghe nói chuyện. Chúng ta đọc rằng Phaolô rất vui khi làm theo yêu cầu nầy, nhưng sứ điệp ông ban ra lại đang khiến cho người nghe phải lo lắng: “Nhưng khi Phaolô nói về sự công bình, sự tiết độ và sự phán xét ngày sau, thì Phêlít run sợ, nói rằng: Bây giờ ngươi hãy lui; đợi khi nào ta rảnh, sẽ gọi lại “ (24-25).

Rõ ràng quan tổng đốc nầy đã bị Đức Thánh Linh bắt phục khi ông ta nghe Phaolô giảng đạo, ngay cả lúc ở giữa công đường lẫn khi ông gặp riêng Phaolô. Ông hay cho đòi Phaolô đến gặp, nhưng chúng ta được biết động cơ của ông là muốn Phaolô đút lót tiền bạc để cho ông thả ra. Chúng ta cũng đọc rằng ông đã giam Phaolô vào ngục để làm hài lòng người Giuđa.

Hai năm sau, Phêlít chết, một quan tổng đốc mới tên là Phêtu lên thay. Khi quan tổng đốc Phêtu phát hiện ra ông ta đang có trong tay một người tù chính trị hay là tôn giáo khá nổi tiếng, thì liền tổ chức phiên toà xét xử. Phaolô biết ông sẽ không bao giờ được xét xử công bằng tại các phiên toà chịu tác động bởi những người Giuđa ở Giêrusalem. Do đó, trong phiên toà ấy, Phaolô đòi được xét xử trước Hoàng đế Lamã đúng theo qui định của quyền công dân Lamã (Công vụ 25:10). Viên tổng đốc nầy bảo: “Ngươi đã kêu nài đòi gặp Sêsa. Vậy, ngươi chắc sẽ được đến gặp Sêsa!” (c.12).

Trước Mặt Vua Ạcrípba

Trong lúc Phaolô đợi chuyển đến Lamã, vua Ạcrípba cùng hoàng hậu Bêrinít đã đến thăm quan tổng đốc Phêtu. Sau khi nghe nói về Phaolô, họ liền bảo Phêtu rằng họ muốn gặp Phaolô (22). Hãy nhớ lại khi Chúa nói cho Anania biết kế hoạch của Ngài dành cho Phaolô, Ngài có phán: “Hãy đi, vì ta đã chọn người nầy làm một đồ dùng ta, để đem danh ta đồn ra trước mặt các dân ngoại, các vua, và con cái Ysơraên” (Công vụ 9:15). Lời tiên tri đó giờ đã được ứng nghiệm khi Phaolô gặp vua Ạcrípba.

Sau khi được đưa đến trước Ạcrípba và Bêrinít, Phaolô đã giảng một bài giảng rất hay. Lại một lần nữa, ông thuật lại câu chuyện ông đã trở lại đạo trên đường đi Đamách ra sao. Lúc Phaolô sắp sửa kết thúc bài giảng của mình, Phêtu liền lớn tiếng ngắt lời ông:“Hỡi Phao-lô, ngươi lãng trí rồi; ngươi học biết nhiều quá đến đỗi ra điên cuồng” (Công vụ 26: 24).

Cụm từ “ngươi lãng trí rồi” trong tiếng Hylạp thực sự có nghĩa là “ngươi quả là người lập dị”, hay là “ngươi đã bị lệch ra khỏi trọng tâm rồi”. Thực tế, Phaolô đúng là khác người.Ông có một trọng tâm khác mà cuộc đời ông đã xoay quanh nó. Trọng tâm đó chính là Đấng Christ đã phục sinh, là Đấng mà ông đã gặp trên đường đi đến Đamách. Tương tự Phêlít,quan tổng đốc Phêtu cũng đã bị những lời của Phaolô tác động đến.

Kế đó, Phaolô quay sang nhà vua. Vì vua Ạcrípba là người Do Thái, nên Phaolô liền hỏi vua: “Tâu vua Ạcrípba, vua có tin các đấng tiên tri chăng? Tôi biết thật vua tin đó!” (c.27).Vua Ạcrípba trả lời: “Thiếu chút nữa ngươi khuyên ta trở nên tín đồ Đấng Christ!” (28).

Các học giả Kinh thánh không đồng ý về ý nghĩa của những câu nầy. Một vài người cho rằng Ạcrípba đã không nói về việc sẽ trở thành một Cơ Đốc nhân một cách chân thành như vậy đâu, nhưng đó chỉ là lời bình phẩm giễu cợt mà thôi. Tôi không đồng ý như thế. Tôi cho rằng Ạcrípba chân thành, bởi vì Phaolô đã đáp lời vua rất chân thành. Phaolô thưa: “Cầu xin Đức Chúa Trời, chẳng kíp thì chầy, không những một mình vua, nhưng hết thảy mọi người nghe tôi hôm nay đều trở nên như tôi, chỉ trừ bỏ xiềng nầy thôi!” (29).

Một lý do khác cho thấy tại sao tôi tin rằng Ạcrípba đã nói thật lòng, đó là những điều chúng ta đọc biết về phản ứng của vua, hoàng hậu và quan tổng đốc sau khi Phaolô đã nói chuyện với họ: “Vua bèn đứng dậy, quan tổng đốc và bà Bêrênít cùng những người đồng ngồi đó cũng vậy. Khi lui ra rồi, các người nói cùng nhau rằng: Trong cách ăn ở người nầy, thật chẳng có chi đáng chết hoặc đáng bỏ tù cả. Vua Ạcrípba nói với Phêtu rằng: Nếu người nầy chưa kêu nài đến Sêsa, có thể tha được” (30-32).

Hành Trình Đến Lamã của Phaolô

Một trong số những câu chuyện hấp dẫn nhất trong quyển sách lịch sử được Đức Thánh Linh hà hơi nầy là sự ký thuật của Luca về chuyến du hành bằng đường biển đến Lamã của Phaolô (Công vụ 27). Phaolô chứng minh tài lãnh đạo xuất chúng của mình và ông đưa ra những lời chứng lạ lùng về việc tất cả những người đã sống sót với ông trong chuyến hành trình đó. Ông nhận được lời phán từ Đức Chúa Trời cho biết điều kiện thời tiết rất nguy hiểm đầy đe doạ, ông đã khuyên không nên nhổ neo đưa tàu rời khỏi đảo Cơrết để ra khơi thực hiện chuyến hành trình vượt biển vào lúc nầy. Nhưng mấy viên sĩ quan người Lamã đi theo áp tải tù thì đời nào lại chịu lắng nghe lời khuyên của một tên tù phạm.

Khi cơn bão mà Phaolô đã báo trước nổi lên va đập dữ dội vào tàu, sau 14 ngày con tàu bị những trận gió mạnh dữ tợn dồi dập, xô đẩy khiến nó phải trôi dạt đi mà người ta không thể nào lái được, họ bị say sóng không ăn uống gì nổi, Phaolô bắt đầu giảng đạo cho những người cùng đi với ông còn sống sót nhưng đã bị đuối mệt, sợ hãi vì cơn bão (20-26). Phaolô đoan chắc với tất cả mọi người trên tàu rằng Đức Chúa Trời có hiện ra với ông bảo đảm với ông rằng mặc dù con tàu sẽ bị hư hại nhưng hết thảy mọi người trên tàu sẽ được cứu sống hết.

Lời tiên tri mà Phaolô đã nhận được từ Đức Chúa Trời như trên đã được ứng nghiệm khi đám người sống sót kia vào đến được cù lao Mantơ. Họ nhóm lửa sưởi ấm mình mẩy đã lạnh cóng vì bị ướt sủng. Chợt có một con rắn rất độc từ trong bó củi bị đốt nóng bò ra, quấn vào tay Phaolô. Thổ dân sống trên đảo Manta cho rằng chắc Phaolô là một tội phạm nguy hiểm lắm cho nên giờ đây Đức Chúa Trời xử phạt ông ta. Lúc thấy Phaolô thản nhiên rảy con rắn đó vào đống lửa và ông đã không bị rắn cắn chết, thì họ cho ông ta là một vị thần.

Khi chuyến hành trình đến Lamã được hoàn tất trên một chiếc tàu lớn khác, Luca trình bày bức tranh đẹp đẽ về một cộng đồng thuộc linh ở Lamã là Hội thánh của Đấng Christ hằng sống, phục sinh. Chúng ta cần đọc để biết các Cơ Đốc nhân ở Lamã bằng cách nào đó đã biết được chuyến hành trình đã đến nơi như mong đợi của Phaolô, và lòng ông đã được khích lệ và an ủi dường bao khi các tín hữu nầy đón vị sứ đồ bước vào thành phố trong vai một tù nhân Lamã.

Khi các tù nhân được đem đến những nhà tù ở Lamã, riêng Phaolô được phép ở lại trong một ngôi nhà mướn và ông đã ở tại ngôi nhà ấy trong thời gian hai năm. Ông được phép mời các nhà lãnh đạo giáo hội người Giuđa tại Lamã đến căn nhà trọ của mình và điều nầy thật phù hợp với chiến lược của ông là trước hết đến với người Giuđa, ông truyền rao Tin lành và đưa ra lý lẽ rằng Chúa Jêsus chính là Chúa Cứu Thế của họ. Có một số người tin, nhưng đa số là căm ghét, thù địch Phaolô.

Tại căn nhà thuê nầy, Phaolô đã viết những bức thư được gọi là Thư tín trong tù – gửi cho các tín hữu tại Galati, Êphêsô, Philíp, và gửi cho Philêmôn – Phaolô được phép mời khách đến nhà, và với những dòng ký thuật tóm tắt cuối cùng nầy, Luca cho chúng ta biết về vị sứ đồ Phaolô yêu dấu của chúng ta rằng, ông đã rao giảng về vương quốc của Đức Chúa Trời cho những ai đến thăm và lắng nghe ông (Công vụ 28:30-31).

Ngoại trừ những điều chúng ta đã học từ bức thư cuối cùng của Phaolô gửi cho Timôthê, chúng ta hãy dựa vào lịch sử Hội thánh để kết thúc câu chuyện về cuộc đời và chức vụ của
Phaolô. Các học giả cho rằng Phaolô đã được xét xử trước Hoàng đế Lamã, được trả tự do, sau đó ông được Hội thánh Lamã hỗ trợ để mở rộng công cuộc truyền giáo vĩ đại của ông sang Tâybannha.

Khi Hoàng đế Nêrô đốt thành Lamã rồi đổ tội đó cho các Cơ Đốc nhân, thì cuộc bắt bớ kinh khiếp kéo dài suốt ba thế kỷ đã bắt đầu đến với Hội thánh. Tất cả các Cơ Đốc nhân đều bị căm ghét, trở thành kẻ thù của chính quyền và người dân Lamã. Phierơ và Phaolô là người bị người ta căm ghét nhất. Phaolô bị bắt lại. Các học giả tin rằng lần đó ông đã bị giam giữ tại nhà tù Mamertine rùng rợn ở Lamã là nơi ông đã viết những lời cuối cùng gởi cho Timôthê trước khi ông bị đem đi xử trảm.

Bạn có thấy quen thuộc với vị sứ đồ tuyệt vời vĩ đại nầy không? Ông là tác giả của 13 sách tiếp theo trong Kinh thánh Tân ước mà chúng ta sắp sửa sẽ nghiên cứu. Tất cả chúng ta đều cần có những anh hùng đức tin mẫu mực để noi theo. Tôi ước nguyện bạn sẽ yêu mến Phaolô cũng như tôi đã yêu mến người ngay lần đầu khi tôi đọc đến những đoạn Kinh thánh
của sách Công Vụ Các Sứ Đồ mà chúng ta vừa mới nghiên cứu xong.

Khi đọc kỹ những chương cuối cùng trong cuốn sách lịch sử nầy, chúng ta có cảm tưởng rằng sự kiện có ý nghĩa vĩ đại nhất đã lên đến đỉnh điểm lúc Phaolô đến thăm thủ phủ của đế quốc Lamã và lúc ông bị đem ra xét xử trước Sêsa. Và từ đỉnh điểm ấy hạ xuống dần cho đến khi quyển sách nầy chỉ dừng lại chứ không phải kết thúc. Nếu bạn xem xét đại từ “chúng ta” trong những phân đoạn cuối cùng của sách, thì rõ ràng rằng Luca đã cùng đồng hành với Phaolô trên chuyến hành trình vượt biển đó để đi đến Lamã. Có khả năng Luca đã bị bắt nên ông không thể kết thúc được câu chuyện hấp dẫn tuyệt vời nầy về Hội thánh trong thời kỳ đầu.

Như tôi đã nhận xét ngay từ lúc mới bắt đầu tập sách nhỏ nầy, có lẽ bởi ý Chúa đã định, quyển sách lịch sử Hội thánh nầy đã không có kết thúc bởi vì hiện giờ chúng ta đã và đang viết tiếp chương thứ 29 cho sách Công Vụ Các Sứ Đồ nầy kể từ ngày Lễ Ngũ Tuần đã khai sinh ra Hội thánh của Đấng Christ phục sinh.

SƠ LƯỢC VỀ THƯ PHAOLÔ GỬI CHO CÁC TÍN HỮU TẠI LAMÃ

Chương 1: QUAN ĐIỂM CỦA THƯ PHAOLÔ GỬI CHO TÍN HỮU TẠI LAMÃ

Sứ đồ Phaolô viết được tất cả mười ba trong số hai mươi bảy sách của Tân ước. Sách đầu tiên là bức thư ông viết gửi cho các tín hữu ở Lamã. Phaolô viết các thư tín không theo trình tự như chúng ta thấy trong Tân ước. Các học giả cho rằng thư nầy được viết vào thời kỳ cuối của quá trình ông thi hành chức vụ, là lúc ông đã trưởng thành và phát triển trọn vẹn hệ thống thần học của Phúc âm mà ông đã rao giảng khắp thế gian, cũng như ông đã chia sẻ cho chúng ta trong bức thư sâu nhiệm nầy.

Để cung cấp cho các thính giả những sự chú giải trên Bảy mươi ba chương trình phát thanh mà tôi dạy về bức thư mà Phaolô viết gửi cho các tín hữu ở Lamã theo từng câu một, tôi đã viết ra thành bốn tập sách nhỏ khác. Trong phần bình giải ngắn về thư Lamã nầy, tôi xin trình bày một số diễn giải cho người nghe một cái nhìn sơ lược của chúng ta về bức thư được thần cảm nầy của Phaolô. Tập sách nhỏ nầy đưa ra một cái nhìn tổng thể về những điều Phaolô dạy dỗ trong sự diễn giải toàn diện về Phúc âm mà ông rao giảng.

Thư Phaolô gửi cho các tín hữu ở Lamã là một kiệt tác thần học của ông. Nội dung thư thực sự rất ngắn ngủi nhưng nó có ý nghĩa hết sức đặc biệt đối với Hội thánh ở Lamã. Các học giả tin rằng Phaolô đã đưa ra sự giải thích rất sâu sắc nầy về Phúc âm cho các tín hữu tại Lamã, bởi vì lúc ông viết thư tín đó thì Lamã đang là trung tâm của thế giới.

Thư tín nầy quả thực là sự giải nghĩa toàn diện về điều mà Kinh thánh gọi là “được xưng công bình”. Trong câu chuyện ẩn dụ của Chúa Jêsus về kẻ thâu thuế và người Pharisi, Ngài loan báo Tin Mừng là bất kỳ ai dù nam hay nữ nếu biết cầu xin bằng những lời cầu xin của kẻ có tội – lời cầu xin của sự ăn năn và tin vào quyền năng cứu rỗi được tìm thấy từ trong sự chết, chôn và đã sống lại của Chúa Jêsus vì cớ tội lỗi chúng ta có thể đem đến cho họ “sự xưng công bình” (Luca 18:14). Đó là lần đầu tiên chúng ta gặp được từ đẹp đẽ nầy trong Kinh thánh Tân ước. Trong thư Phaolô gửi cho tín hữu ở Lamã, ông lý giải cách mà Đức Chúa Trời đã thực hiện phép lạ tuyệt diệu về sự xưng công bình ở những người được xưng công bình. Thư tín nầy là sự trình bày toàn diện nhất về sự xưng công bình mà chúng ta đã được biết đến trong Kinh thánh.

Được xưng công bình chỉ đơn thuần là sự tha thứ; tức là Đức Chúa Trời tuyên bố tôi được xưng công bình như thể tôi chưa từng phạm tội gì cả, và Ngài công bố tôi là công bình.Đavít đã giới thiệu trước về khái niệm nầy trong Thi thiên đầy thâm thúy của mình về sự xưng nhận tội lỗi và ăn năn khi ông nài xin Đức Chúa Trời hãy “bôi xoá tội lỗi của ông” (Thi 51:1).

Hãy đọc sách Lamã một lần rồi thử thẩm định cách lập luận hợp lý và được thần cảm của sách nầy. Tôi đề nghị bạn nên làm như vậy bởi vì thư tín nầy chứa đựng một luận đề nhất quán từ đầu cho đến cuối. Hãy nài xin Đức Thánh Linh giúp đỡ, và sau đó với sự tập trung cao độ, hãy cố xác định lập luận của sự trình bày Phúc âm được thần cảm nầy mà Đức Chúa
Jêsus Christ đã uỷ thác cho các môn đồ Ngài đi rao truyền cho muôn dân trên đất (Mác 16:15).
Bốn chương đầu của bức thư cho thấy sự xưng công bình có liên quan đến tội nhân ra sao. Chúng ta sẽ không quan tâm đến việc được xưng công bình cho đến chừng nào chúng ta
tin mình là những tội nhân chưa được xưng công bình. Do đó Phaolô trình bày một lập luận rất thuyết phục rằng tất cả chúng ta đều là tội nhân. Sau khi chỉ ra thực trạng xấu xa của chúng ta là ai nấy cũng đều đã phạm tội, Phaolô tuyên bố Tin Mừng mà Đức Chúa Trời đã có kế hoạch để qua đó chúng ta có thể được xưng công bình.

Kế Hoạch Xưng Công Bình của Đức Chúa Trời

Theo Phaolô, ân điển chính là nguồn đưa đến sự xưng công bình của chúng ta (Rôma 3:24). Thập tự giá của Đức Chúa Jêsus Christ là nền tảng của sự xưng công bình, và sự phục sinh của Chúa Jêsus là sự bảo đảm để chúng ta được xưng công bình (3:25; 4:24-25). Ông đưa phần nầy vào lập luận của mình qua những câu như: “Vậy chúng ta đã được xưng công bình bởi đức tin, thì được hòa thuận với Đức Chúa Trời, bởi Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta” (5:1). Vì vậy, đức tin chính là yếu tố cơ bản mà qua đó chúng ta ứng dụng một cách cá nhân điều kỳ diệu nầy cho tội lỗi của chúng ta và được xưng công bình bởi Đức Chúa Trời. Ở phần cuối luận đề của mình, ông sẽ nói cho chúng ta nghe rằng Đức Chúa Trời chính là Đấng xưng công bình cho chúng ta (8:33).

Tôi nhận thấy có một cụm từ được nhắc đi nhắc lại đến 150 lần trong Kinh Thánh khi khái niệm về sự xưng công bình được dạy dỗ. Đó là cụm từ: “trước mặt Ngài”. Có một chiều thẳng đứng và chiều ngang liên quan đến sự xưng công bình. Nếu chúng ta phạm tội giết người, chúng ta có thể được xưng công bình theo cái nhìn của Đức Chúa Trời bởi đức tin trong sự xưng tội và ăn năn, nhưng chúng ta không được sống tự do ngoài vòng pháp luật bởi vì chúng ta không được xưng công bình theo cái nhìn của xã hội loài người, hoặc theo chiều ngang của sự công bình trước con người.

Khi có một phiên toà xét xử, trước một quan toà mà không có hội đồng xét xử, những người tham dự phiên toà có thể nghĩ rằng bị cáo là một người vô tội, nhưng nếu quan toà cho là bị cáo ấy phạm tội thì người đó phải đi tù hoặc thậm chí phải mất mạng. Cho dù người ta có nghĩ bị cáo là con người khủng khiếp như thế nào đi chăng nữa, nhưng nếu quan toà tin là bị cáo vô tội thì bị cáo ấy vẫn được trả tự do. Cũng một thể ấy, rồi đây sẽ có ngày chúng ta nhận ra rằng vấn đề quyết định thực sự ở chỗ quan toà của cả thế gian nầy đã nghĩ gì về sự phạm tội hay vô tội của chúng ta. Đó là lý do tại sao Tin lành được rao ra rằng chúng ta có thể được xưng công bình như thể chúng ta chưa hề phạm tội theo cái nhìn của Đức Chúa Trời. Bốn chương tiếp theo của sách Lamã cho thấy sự xưng công bình có liên quan đến người được xưng công bình bởi đức tin. Khi Đức Chúa Trời xưng chúng ta là công bình (IGiăng 3:7), thì Ngài mong mỏi chúng ta nhận được sự công bình, sống công bình và làm những điều công bình. Trong bốn chương kế tiếp của thư tín nầy (Rôma 5-8),Phaolô trình bày những sự tranh chiến của những người được xưng công bình và họ đã tìm thấy được quyền năng của Đức Thánh Linh để sống một đời sống công bình.

Trong ba chương tiếp theo (Rôma 9-11), Phaolô cho biết sự xưng công bình có liên quan đến cả thế gian và đặc biệt là đối với Ysơraên. Đây là ba trong số những chương Kinh thánh quan trọng nhất nói về đề tài tiên tri. Trong ba chương nầy, Phaolô nói tiên tri rằng Ysơraên sẽ có liên quan đến những gì sắp diễn ra trên thế giới.

Theo Phaolô, dân Ysơraên chính là tuyển dân của Đức Chúa Trời. Họ là hình ảnh minh hoạ rõ nét nhất trong Kinh thánh về giáo lý của sự tuyển chọn – dạy rằng Đức Chúa Trời sẽ chọn lựa những con người cho sự cứu rỗi. Tuy nhiên, cũng trong ba chương nầy, Phaolô có viết rằng người Do Thái còn là hình ảnh minh hoạ rõ nét nhất trong Kinh thánh nói về một thực tế là Đức Chúa Trời đã tạo dựng con người là một tạo vật có quyền được tự do lựa chọn. Phaolô đã nói về quan điểm nầy khi cho chúng ta biết người Do Thái đã tự chọn lấy cho mình sự không được tuyển chọn. Họ đã chối bỏ Đức Chúa Jêsus Christ và khước từ sự cứu rỗi của Ngài.

Phaolô viết, để sửa phạt dân Do Thái về tội mà họ đã chối bỏ Đấng Mêsi, Đức Chúa Trời quay sang cứu rỗi những người không phải là dân Do Thái kể từ lúc dân Do Thái chối bỏ Chúa Jêsus Christ. Khi Đức Chúa Trời cứu vớt số người ngoại đã đủ để trừng phạt thích đáng dân Ysơraên vì tội khước từ của họ, thì Ngài sẽ trở lại với dân Do Thái một lần nữa và “Cả dân Ysơraên đều sẽ được cứu” (Rôma 11:26).

Chúng ta thấy có sự ứng nghiệm lời tiên tri trong Cựu ước rằng, dân Do Thái sau khi bị tản lạc khắp thế gian thì nay đã trở về lập lại quốc gia Ysơraên về phương diện địa lý.Phaolô liên hệ đến các lời tiên tri trong Cựu ước khi ông tiên báo sự trở về trên phương diện thuộc linh của dân Do Thái đối với Đức Chúa Trời. Sự trở về trên phương diện thuộc linh nầy rõ ràng là chưa xảy ra. Trong ba chương nầy, Phaolô cho chúng ta thấy khi Ysơraên kinh nghiệm được sự trở về cùng Đức Chúa Trời trên phương diện thuộc linh, thì Ngài sẽ liên kết kế hoạch của Ngài về việc xưng công bình với cả thế gian qua dân Ysơraên.

Bốn chương cuối (Rôma 12-16) là phần ứng dụng thực tiễn của thư tín quan trọng nầy. Mỗi một thư tín của Phaolô đều được chia thành hai phần. Trước hết, bạn cần học về những sự dạy dỗ của bức thư, sau đó hãy áp dụng chúng vào thực tiễn. Hãy luôn luôn tìm kiếm những sự dạy dỗ và những ứng dụng trong các thư tín của Phaolô.

Mười một chương đầu của thư tín nầy chứa đựng nội dung quan trọng nhất về Phúc âm mà Phaolô đã để lại cho Hội thánh, ba chương kế tiếp là học thuyết và những lời tiên tri khó hiểu nhất của ông, còn bốn chương cuối là những sự ứng dụng về lẽ thật Phúc âm đơn giản và thực tiễn nhất chứa đựng trong các thư tín của ông vốn đã được Đức Thánh Linh thần cảm.

Chương 2: “QUÁ KHỨ THẾ NÀO – HIỆN TẠI THẾ ẤY”

Chương đầu tiên của thư tín Phaolô gửi cho các tín hữu ở Lamã tương tự chương đầu tiên của sách Sáng Thế Ký. Cựu ước trình bày những sự khởi đầu là những sự không tỏ cho chúng ta hay điều mà chúng vốn có, nhưng chúng đang nói cho chúng ta biết điều Đức Chúa Trời muốn chúng ta hiểu như trong hiện tại. Khi Phaolô liên hệ khái niệm của sự xưng công bình với tội nhân, ông đã chứng minh tất cả chúng ta đều là những tội nhân, lập luận tiếp theo của ông rằng hết thảy chúng ta đều phải ở dưới sự phán xét của Đức Chúa Trời.

Sau đó, ông trình bày mối tương giao giữa Đức Chúa Trời với loài người trong “trong quá khứ cũng như hiện tại”. Đức Chúa Trời sẽ xử đoán chúng ta nếu chúng ta là “những người dùng sự không công bình mà bắt hiếp lẽ thật” (Rôma 1:18). Ý Phaolô muốn nói đến những tội nhân cố tình loại bỏ lẽ thật bởi vì họ muốn tự mình xưng công bình theo cách sống riêng của mình. Họ không muốn thấy lẽ thật mà Đức Chúa Trời đã bày tỏ cho họ về cách mà Ngài muốn họ sống. Chúa Jêsus dạy về một nguyên tắc rằng nếu ai bằng lòng làm theo ý muốn Ngài thì ắt sẽ biết lẽ thật của Ngài (Giăng 7:17). Câu nầy cũng là một lẽ thật. Nếu những ai không khứng làm theo lẽ thật thì sẽ không biết được điều Đức Chúa Trời muốn họ biết.

Đức Chúa Trời còn nghịch cùng họ vì những lẽ: họ không biết ơn, họ thường hay đổi lẽ thật để lấy sự dối trá. Họ thờ bái và hầu việc các loài thọ tạo thay vì thờ phượng Đấng Tạo hoá. Họ đã đổi cách sống tự nhiên ra thành cách không tự nhiên (đồng tính luyến ái). Thậm chí họ cũng không thèm nhìn biết đến Đức Chúa Trời nữa, họ không chỉ tìm kiếm thú vui cho mình trong tội lỗi, mà họ còn lấy làm vui thích khi thấy người khác phạm tội.

Kế tiếp, Phaolô trình bày một số phản ứng của Đức Chúa Trời đối với loài người. Phaolô viết câu “Đức Chúa Trời đã phó họ” hoặc “Đức Chúa Trời đã bỏ họ” ba lần (Rôma 1:24,26, 28). Ông không có ý muốn nói rằng Đức Chúa Trời đã lìa bỏ loài người trong quá khứ và ở hiện tại cũng vậy. Ngài phó họ cho những điều họ ưa thích trong quá khứ, và hiện tại Ngài đang phó chúng ta cho những điều mình đang ưa thích. Đức Chúa Trời sẽ không làm trái sự thật là Ngài đã tạo dựng nên chúng ta là những tạo vật có quyền được chọn lựa.

Hãy tưởng tượng đời sống chúng ta như một quyển sách. Đức Chúa Trời đã viết vào đó ý tưởng của Ngài và Ngài có kế hoạch làm sao để viết nên quyển sách ấy. Thế rồi, vào một thời điểm nào đó Ngài trao cây bút cho chúng ta và phán bảo: “Đây nầy! Ngươi hãy viết kết thúc câu chuyện theo cách ngươi muốn. Ngươi phải sống với những kết quả, nhưng ngươi có thể viết câu chuyện theo cách của ngươi nếu đó là những gì mà ngươi muốn viết”.

Bản Chất Con Người – Xưa Thế Nào, Nay Thế Ấy

Phaolô trình bày sơ lược điều sẽ trở thành của những con người kết thúc câu chuyện theo cách của họ. Ông viết rằng khi Đức Chúa Trời lìa bỏ con người, thì họ trở nên “lầm lạc trong ý tưởng hư không, lòng ngu dại đầy những sự tối tăm”. Sau đó, Phaolô tóm tắt cuộc sống đầy bi kịch của họ bằng câu: “Họ đầy dẫy mọi sự không công bình”. Khi Phaolô kể họ vào loại không công bình, ông đã cho chúng ta cái nhìn rất thực tế về bản chất con người, trong quá khứ cũng như trong hiện tại chẳng thay đổi chút nào (Rôma 1:2932). Bảng danh sách các tội lỗi dài đầy bi thảm nầy chứng minh cho điều Êsai muốn nói khi ông viết “Chúng ta thảy đều như chiên đi lạc, ai theo đường nấy” (Êsai 53; 6).

Bản Chất Của Đức Chúa Trời – Xưa Thế Nào, Nay Thế Ấy

Phaolô thực sự bắt đầu luận đề quan trọng trong thư tín nầy qua việc ông chia sẻ những sự hiểu biết sâu sắc được thần cảm của ông về bản chất con người chúng ta. Ông chuyển từ bản chất con người sang bản chất của Đức Chúa Trời khi ông nói cho chúng ta biết rằng Đức Chúa Trời là công bình, và sự công bình của Ngài được bày tỏ bằng cơn thịnh nộ của Ngài giáng trên những sự không tin kính và không công bình (Rôma 1:17-18). Mặt khác, vì Đức Chúa Trời là Đấng công bình tuyệt đối cho nên Ngài đòi hỏi loài người do Ngài tạo ra cũng phải công bình. Đức Chúa Trời thực sự đã kết án những điều không công bình nơi loài người là vật thọ tạo của Ngài.

Có hai bản tính của Đức Chúa Trời được tiết lộ trong câu chìa khoá nầy: Sự công bình của Đức Chúa Trời và cơn giận của Ngài. Giờ đây Phaolô bắt đầu xây dựng luận đề của mình. Chúng ta có vấn đề không phải chỉ vì do bản chất của chúng ta mà là do bản chất của Đức Chúa Trời. Chúng ta không chỉ là những tội nhân, mà chúng ta còn bị kết án là những người đã phạm tội. Đó là hai vấn đề mà chúng ta không có khả năng để giải quyết được. Tin Mừng từ thư tín nầy cho biết Đức Chúa Trời đã giải quyết cả hai vấn đề đó cho chúng ta rồi.

Sau khi Êsai tuyên bố tin dữ tất cả chúng ta đều đã lầm đường lạc lối, ông rao giảng về Tin lành rằng: “Đức Giêhôva đã làm cho tội lỗi của hết thảy chúng ta đều chất trên người (Đấng Christ)” (Êsai 53:6). Phaolô cũng đã rao giảng về Tin lành như vậy.

Cơn giận của Đức Chúa Trời có lẽ được định nghĩa là “thái độ kiên định, nhất quán của sự thánh khiết đối với sự bất khiết”, hoặc đó là “thái độ kiên định, nhất quán của một Đức Chúa Trời yêu thương đối với điều đang phá hủy các đối tượng yêu thương của Ngài”. Kinh thánh cho chúng ta biết tình yêu thương là bản chất của Đức Chúa Trời. Thế nhưng khi những người mà Ngài yêu thương đang có nguy cơ bị hủy diệt, thì Đức Chúa Trời giàu tình yêu thương của chúng ta ắt sẽ nổi giận. Đức Chúa Trời ghét và Ngài loại trừ tội lỗi bởi vì nó hủy diệt những gì mà Ngài yêu thương.

Chương 3: “BỐN VỊ VUA VÀ BỐN ĐỊNH LUẬT”

Phaolô tóm tắt luận đề của bốn chương đầu của thư tín nầy qua câu đầu tiên của chương năm khi ông viết: “Vậy chúng ta đã được xưng công bình bởi đức tin, thì được hòa thuận với Đức Chúa Trời, bởi Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta” (Rôma 5:1). Ông tiếp tục giới thiệu lập luận của mình trong bốn chương kế tiếp qua câu thứ hai: “là Đấng đã làm cho chúng ta cậy đức tin vào trong ơn nầy là ơn chúng ta hiện đương đứng vững; và chúng ta khoe mình trong sự trông cậy về vinh hiển Đức Chúa Trời” (5:2). Đức tin chúng ta đặt nơi thập tự giá của Đấng Christ đã khiến chúng ta được xưng công bình và ban cho chúng ta sự phục hoà với Đức Chúa Trời. Đức tin đó còn ban cho chúng ta quyền nhận được ân điển để khiến chúng ta có thể sống cho Đấng Christ trong thế gian, và sống đời sống tôn cao danh Chúa Jêsus và làm vinh hiển Đức Chúa Trời.

Bốn Vị Vua

Giờ đây chúng ta đã được xưng công bình bởi đức tin, làm thể nào chúng ta có thể sống như người được xưng công bình? Phaolô bắt đầu câu trả lời cho vấn nạn nầy bằng sự dạy dỗ có thể được gọi là “Bốn Vị Vua” (Rôma 5:12-21). Chúng ta có thể gọi vị vua thứ nhất là “Vua Tội Lỗi”. Chúng ta đọc rằng Vua Tội Lỗi đã vào trong thế gian và “đầy dẫy”hoặc “tràn lan trên hết thảy mọi người” (12). Ở đây, Phaolô không đi sâu vào sự tranh luận mang tính triết học về cách thức hay nguyên do khiến tội lỗi xâm nhập vào trong thế gian. Ông chỉ đơn thuần viết rằng tội lỗi đã bước vào, đầy dẫy và cai trị trong thế gian.

Vua Sự Chết tiếp bước theo ngay sau Vua Tội Lỗi. Phaolô có nói với chúng ta thế nầy: “Tiền công của tội lỗi là sự chết” (Rôma 6:23). Tội lỗi luôn luôn đem đến hậu quả, và đó là những hậu quả rất tồi tệ. Một trong những hậu quả đó là sự chết theo nghĩa đen. Sự chết còn có ẩn ý rằng tội lỗi luôn luôn phải được trả bằng cái giá khủng khiếp. Sớm muộn gì hết thảy chúng ta cũng sẽ phải ngồi xuống dự đại tiệc của những hậu quả. Vua Sự Chết luôn luôn bước tiếp theo sau Vua Tội Lỗi.

Hai Vị Vua đầu tiên đem đến những tin dữ, còn hai Vị Vua kế tiếp đem đến những tin lành. Theo Phaolô, có một Vị vua thứ ba là Đấng đã vào đời, hiện diện khắp nơi và tể trị trong cuộc sống, tên Ngài là Jêsus Christ. Vua Jêsus đã đánh bại Vua Tội Lỗi trên thập tự giá, và Ngài cũng đã đắc thắng Vua Sự Chết khi Ngài sống lại từ kẻ chết.Kế đó, Phaolô nói rõ hơn về Tin lành. Vị vua thứ tư chính là Bạn. Bởi đức tin, bạn có thể sống đời sống trong Đấng Christ. Cũng bởi đức tin, bạn có thể được đầy dẫy Đấng Christ.Và hễ ai sống đời sống trong Đấng Christ thì người ấy sẽ nhận lãnh được sự ban cho của sự công bình bởi ân điển và đức tin, sẽ “nhờ một mình Đức Chúa Jêsus Christ mà cai trị trong sự sống”. Nói cách khác, có nghĩa là bạn và tôi bởi đức tin cũng sẽ được ở trong Đấng Christ như cách chúng ta được Ngài cai trị trên đời sống của chúng ta vậy (Rôma 5:17). Chúa Jêsus Christ phán: “Ta đã đến ầhu cho chiên được sự sống, và sự sống du dật” (Giăng 10:10). Phaolô chỉ đơn thuần nói cho chúng ta biết làm cách nào để chúng ta có thể có được sự sống dư dật trong Đấng Christ.

Bốn vị Vua nầy đều là những người chiến thắng. Chúng ta không thể sống cùng với tội lỗi như chúng ta không thể cùng tồn tại với căn bệnh ung thư ác tính vậy.Tội lỗi sẽ đánh bại chúng ta bằng cách nó sai Vua Sự Chết đến. Nhưng khi chúng ta nhờ đức tin và ân điển để bước vào đời sống dư dật trong Đấng Christ, thì chúng ta sẽ là những người đánh bại tội lỗi và có sự sống dư dật. Khi Phaolô kết luận phần luận đề nầy của mình trong sách Rôma chương tám, ông tuyên bố rằng chúng ta sẽ trở thành những người chiến thắng tội lỗi và đắc thắng trong cuộc sống (8:7).

Bốn Định Luật

Ẩn dụ về bốn vị vua bắt đầu cho luận đề của bốn chương kế tiếp trong thư tín nầy. Bốn vị vua đó đã sửa soạn cho chúng ta nghe về bốn định luật thuộc linh mà Phaolô đã mô tả sơ lược trong hai chương cuối của phần hai thư tín nầy (Rô 5-8). Nếu chúng ta chuẩn bị học hỏi để trở thành người chiến thắng nhờ Đấng Christ, thì chúng ta phải học về bốn định luật thuộc linh nầy.

Định luật thứ nhất là “Luật Pháp của Đức Chúa Trời” (7:1-6). Luật Pháp Đức Chúa Trời chính là Lời Đức Chúa Trời (Thi 1:1-2). Lời Đức Chúa Trời là sự huyền nhiệm vô cùng.Đức tin đến bởi sự người ta nghe được Lời Đức Chúa Trời, và Lời Ngài là hạt giống không hay hư nát gieo trồng trong đời sống tâm linh chúng ta (Rôma 10:17; IPhierơ 1:22-23).

Luật Pháp Đức Chúa Trời sẽ làm xuất hiện định luật thuộc linh thứ hai được gọi là “Luật của Tội Lỗi và Sự Chết”. Định luật thuộc linh thứ hai nầy là định luật tuyệt đối, không thể bác bỏ được, rằng tội lỗi luôn có những hậu quả của nó (7:7-25). Theo Giacơ, Lời Đức Chúa Trời giống như cái gương soi mặt (Giacơ 1:23). Công dụng của cái gương là chỉ cho chúng ta thấy những khiếm khuyết của diện mạo của mình để chúng ta có thể chỉnh trang lại trước khi đi ra ngoài gặp gỡ, tiếp xúc với người ta. Cũng một thể ấy, Lời Đức Chúa Trời chỉ cho chúng ta thấy tội lỗi trong đời sống mình để chúng ta có thể đánh bại tội lỗi trước khi chúng ta tiếp xúc với người khác. Dẫu rằng không phải lúc nào chúng ta cũng hài lòng khi nhìn mình trong gương, thế nhưng có phải vì lý do đó mà có rất nhiều người trong chúng ta đã đem hết những cái gương soi trong nhà mình quăng đi chăng?

Tương tự với bốn vị Vua kia, hai định luật đầu tuyên bố về những tin dữ, còn định luật thứ ba và thứ tư thì loan báo tin lành. Phaolô gọi định luật thuộc linh thứ ba là “Luật Thánh Linh của đời sống trong Đấng Christ”(8: 1-4). Ông nói cho chúng ta nghe Tin lành là định luật nầy có khả năng giải phóng chúng ta thoát khỏi “Luật của Tội Lỗi và Sự Chết”.

Tương tự như định luật của khí động lực học chế ngự trên định luật của lực hút hấp dẫn có thể làm cho một chiếc máy bay phản lực chuyên chở hành khách cất cánh, rời khỏi đường băng và lao vút vào không trung, thì “Luật Thánh Linh của đời sống trong Đấng Christ” cũng chính là định luật của “khí động lực học thuộc linh” có thể khiến chúng ta được cất cánh bay lên chế ngự trên “Luật của Tội Lỗi và Sự Chết”.

Đó là một sự thật, thế mà tại sao vẫn còn có nhiều người trong chúng ta đã mất quá nhiều thì giờ để loay hoay mãi với chiếc máy bay được trang bị những động cơ thật mạnh mẽ,nhưng chúng ta lại không tài nào cất cánh lên được? Mặc dù chúng ta đã nhận lãnh Đức Thánh Linh rồi, vậy tại sao chúng ta không thể đứng lên để chiến thắngï “Luật của Tội Lỗi và
Sự Chết”?

Lời giải đáp cho câu hỏi nầy giới thiệu chúng ta đến với định luật thứ tư được gọi là “Luật chăm vào Thuộc Linh”. Phaolô viết: “Thật thế, kẻ sống theo xác thịt thì chăm những sự thuộc về xác thịt; còn kẻ sống theo Thánh Linh thì chăm những sự thuộc về Thánh Linh. Vả, chăm về xác thịt sanh ra sự chết, còn chăm về Thánh Linh sanh ra sự sống và bình an” (8:5-6). Nếu chúng ta không đánh bại “Luật của Tội Lỗi và Sự Chết” trong đời sống chúng ta, thì đó là lý do sẽ khiến chúng ta chỉ lo mà thôi.

Một trong những sự dạy dỗ có ý nghĩa thâm thuý nhất của Chúa Jêsus cũng có thể được gọi là “Luật chăm vào Thuộc Linh”. Chúa Jêsus dạy rằng sự khác nhau giữa đời sống phước hạnh và đời sống bất hạnh tuỳ thuộc vào cái cách chúng ta nhìn vào sự vật, sự việc (Mathiơ 6:22-23). Các nhà lãnh đạo thuộc linh, các vận động viên thể thao, những nhà ngoại giao, và nhiều vị lãnh đạo trong giới làm ăn kinh doanh thường hay tập trung ưu tiên cho những điều quan trọng nhất cần phải chú tâm.

Xin bạn cầu nguyện suy gẫm về bốn định luật thuộc linh nầy. Sau đó, bạn hãy tự hỏi mình: Hiện tại mình đang chú tâm đến những điều gì? “Luật chăm vào Thuộc Linh” có thể xác định đời sống bạn hiện đang được điều khiển, chi phối bởi “Luật Thánh Linh của đời sống trong Đấng Christ” hay là “Luật của Tội Lỗi và Sự Chết”.

Chương 4: “TẤT CẢ MỌI SỰ”

“Ôi! sâu nhiệm thay là sự giàu có, khôn ngoan và thông biết của Đức Chúa Trời! Sự phán xét của Ngài nào ai thấu được, đường nẻo của Ngài nào ai hiểu được! Vì, ai biết ý tưởng Chúa, ai là kẻ bàn luận của Ngài? Hay là ai đã cho Chúa trước, đặng nhận lấy điều gì Ngài báo lại? Vì muôn vật đều là từ Ngài, bởi Ngài, và hướng về Ngài. Vinh hiển cho Ngài đời đời vô cùng! Amen” (Rôma 11:3336).

Đây là lời ca tụng mà Phaolô đã kết luận cho phần dạy dỗ của kiệt tác thần học nầy. Trong lời chúc tụng tuyệt vời nầy, Phaolô tuyên bố Đức Chúa Trời là Nguồn gốc của tất cả mọi sự, là Năng lực của tất cả mọi sự và sự vinh hiển của Ngài là mục đích cho tất cả mọi sự. Phaolô dùng hai từ “mọi sự” rất thường xuyên nhưng không phải là không có chủ ý (Rôma 8:28; IICôrinhtô 9:8). Vậy những điều gì đáng để Phaolô đề cập đến khi ông đưa hai từ nầy vào lời chúc tụng trên?

Như tôi có gợi ý rằng bạn nên chia mười sáu chương của thư tín nầy thành bốn phần để suy gẫm trong tinh thần cầu nguyện về luận đề của bức thư. Giờ đây tôi đề nghị hãy tạm quên đi các đoạn, câu, khi bạn cố gắng để hiểu luận đề được thần cảm nầy của Phaolô trong bức thư nầy. Những sự phân chia đoạn, câu nầy không hề có trong Kinh thánh mãi cho đến thế kỷ mười ba. Thỉnh thoảng, những sự phân chia các chương có thể khiến chúng ta cảm thấy bối rối về tính hợp lý được thần cảm của một sách nào đó trong Kinh thánh.

Phaolô bắt đầu hướng đến việc sử dụng hai từ “mọi sự” nầy trong lời ca tụng khi ông kết thúc phần dạy dỗ chúng ta về bốn định luật thuộc linh (8:13). Sau đó, ông đưa ra quan điểm về cách mà Đức Chúa Trời đem chúng ta đến với sự cứu rỗi. Quan điểm của ông cho rằng Đức Chúa Trời chính là Động cơ chủ yếu của mọi điều xảy đến cho chúng ta trong tiến trình để được cứu rỗi. Ông viết: “Vì những kẻ Ngài đã biết trước, thì Ngài cũng đã định sẵn để nên giống như hình bóng Con Ngài, hầu cho Con nầy được làm Con cả ở giữa nhiều anh em; còn những kẻ Ngài đã định sẵn, thì Ngài cũng đã gọi, những kẻ Ngài đã gọi,thì Ngài cũng đã xưng là công bình, và những kẻ Ngài đã xưng là công bình, thì Ngài cũng đã làm cho vinh hiển” (8:29-30).

Phân đoạn nầy đã tạo nên một bài chúc tụng thật đặc biệtù. Vị sứ đồ đã khẳng định rằng Đức Chúa Trời sẽ ở trong những ai tiếp nhận Ngài. Ngài luôn ở cùng những ai bước đi trong sự vâng lời Ngài, và Ngài sẽ phù hộ cho những ai được Ngài kêu gọi theo chương trình của Ngài. Khi Đức Chúa Trời ngự trị trong chúng ta, ở cùng chúng ta, và phù hộ chúng ta, thì còn ai có thể chống nghịch lại chúng ta, và còn có điều gì có thể phân rẽ chúng ta khỏi sự yêu thương của Ngài? Phaolô đã kết thúc chương tám bằng lời ngợi khen để trả lời cho các câu hỏi nầy.

Hãy đem theo những dòng tư tưởng đầy cảm hứng nầy cùng với bạn bước vào chương chín là chương mà Phaolô khai triển về một từ mà ông đã nói ở phân đoạn trên. Đó là từ “định sẵn” . Sự khai triển của Phaolô về khái niệm nầy là điều được gọi là “sự chọn trước” tạo nên một trong số những chương khó hiểu nhất, nhưng cũng đáng suy gẫm nhất trong Kinh thánh. Sự minh hoạ của ông cho khái niệm nầy là câu chuyện hai anh em song sinh Êsau và Giacốp – khi còn ở trong lòng mẹ. Trước khi người ta chưa biết được những đứa trẻ nầy mai đây sẽ làm điều tốt hay xấu, thì Đức Chúa Trời có phán rằng: “Ta yêu Giacốp nhưng ghét Êsau”, và rằng: “Đứa lớn sẽ phải làm tôi cho đứa nhỏ” (9:12-13). Đức Chúa Trời đã định đoạt số phận và có kế hoạch cho từng người của cặp song sinh đó trước khi họ chào đời.

Một trong những học giả mà tôi yêu thích gợi ý rằng sự dạy dỗ nầy cần được giữ kín giống như bí mật của gia đình giữa vòng các tín hữu. Chúng ta không nên đòi hỏi những ai chưa có đức tin, chưa nhận lãnh Đức Thánh Linh phải hiểu và tiếp thu sự dạy dỗ nầy. Thậm chí nhiều Cơ Đốc nhân còn cảm thấy đó là điều thật khó hiểu bởi vì nó khiến cho chúng ta nghĩ rằng dường như Đức Chúa Trời không công bằng, đặc biệt là đối với những người không “được chọn trước theo ý định”.

Thông thường, khi các tín hữu lần đầu khám phá ra sự dạy dỗ nầy trong Kinh thánh, thì phản ứng đầu tiên là họ cho rằng điều đó không đúng. Đáp lại suy nghĩ ấy, Phaolô đề nghị chúng ta hãy đọc Cựu ước. Một trong số những vần thơ ngắn nhất mà tôi đã từng nghe là:
“Thật lạ lùng thay!
Sao Đức Chúa Trời
Lại chọn dân Do Thái?”

Ở một góc độ nào đó thì cả Cựu ước là một minh hoạ cho sự dạy dỗ về sự lựa chọn nầy. Từ giữa vòng tất cả các dân tộc trong lịch sử cổ đại, Đức Chúa Trời đã chọn dân Ysơraên.Tuy nhiên, như tôi đã nêu từ đầu, ba chương khó hiểu nầy (9-11) còn minh hoạ cho điều ngược lại với sự được chọn, bởi vì Ysơraên đã được chọn và ngày nay vẫn còn được chọn – nhưng họ lại không được chọn.

Đức Chúa Trời phán dạy chúng ta qua Êsai rằng chúng ta đừng cố hiểu cho được các ý tưởng và đường lối của Ngài. Ngài khuyến cáo chúng ta là cách nghĩ và hành động của Ngài
hoàn toàn khác xa với cách suy nghĩ và hành động của chúng ta ví thể như các từng trời cao kia cách xa đất nầy vậy (Êsai 55: 8,9).

Khi trình bày sự dạy dỗ nầy, Phaolô thách thức chúng ta bằng một vài câu hỏi quan trọng như là: “Hỡi người, ngươi là ai mà dám chất vấn Đức Chúa Trời tại sao Ngài lại tạo dựng nên Môise và Pharaôn từ cùng một cục đất sét? Có lẽ nào cái bình bằng đất sét lại nói với kẻ nắn nên mình rằng: Sao ngươi đã làm nên ta như vậy?” (9:20-21). Phaolô còn đưa ra sự giải
thích rằng sự lựa chọn không phải là vấn đề thiết yếu. Nếu chúng ta được chọn cho sự cứu
rỗi, thì vấn đề thực sự ở đây là chúng ta đã được cứu bởi ân điển chứ không phải bởi bất cứ thành quả nào từ chính nổ lực của chúng ta (Rôma 11).

Lời ngợi khen mà Phaolô dùng để kết luận cho lời thuyết giáo của kiệt tác thần học nầy, chính là cách duy nhất mà chúng ta có thể đáp ứng với mọi điều mà Phaolô đã chia sẻ cho chúng ta, kể cả điều dạy dỗ về sự lựa chọn. Phaolô nhắc nhở chúng ta trong lời ca tụng nầy rằng Đức Chúa Trời không cần bất kỳ ai trong chúng ta làm cố vấn cho Ngài khi Ngài quyết định theo cách Ngài sẽ làm tất cả mọi sự mà Phaolô đã có chủ tâm khi ông nói cho chúng ta biết rằng Đức Chúa Trời chính là Nguồn gốc, là Năng lực và là mục đích cho tất cả
mọi sự.

Chương 5: “VÌ ĐIỀU GÌ?”

Giờ đây hãy đem lẽ thật của lời ca tụng nầy theo với bạn vào chương mười hai. “Khi gặp Phaolô dùng từ ‘vậy’, thì chúng ta cần phải luôn đặt câu hỏi từ vậy có nghĩa gì”. Lời khuyên khôn ngoan nầy tôi đã nhận được cách đây hơn năm mươi năm sẽ giúp chúng ta tiếp thu được luận đề hợp lý của vị sứ đồ nầy. Đây cũng là cách ông thường bắt đầu cho những phần ứng dụng trong các thư tín của ông. Khi khởi sự ứng dụng lẽ thật mà ông vừa chia sẻ với chúng ta trong bức thư nầy, ông đã dùng từ “vậy” nhằm chỉ dẫn chúng ta quay về với khởi điểm của sự lập luận của ông (1: 7).

“Vậy, hỡi anh em, tôi lấy sự thương xót của Đức Chúa Trời khuyên anh em dâng thân thể mình làm của lễ sống và thánh, đẹp lòng Đức Chúa Trời, ấy là sự thờ phượng phải lẽ của anh
em. Đừng làm theo đời nầy, nhưng hãy biến hóa bởi sự đổi mới của tâm thần mình, để thử cho biết ý muốn tốt lành, đẹp lòng và trọn vẹn của Đức Chúa Trời là thể nào” (12: 1-2).

Nhiều người cho rằng nếu họ dâng chính mình cho Đức Chúa Trời, thì ý chỉ của Ngài sẽ đưa họ đến chỗ tồi tệ nhất mà họ có thể tưởng tượng được. Nhưng Phaolô nói cho chúng ta biết ý muốn của Ngài là tốt lành. Trong thực tế ý muốn của Ngài là hoàn hảo (c.2). Làm thế nào để biết được ý muốn của Đức Chúa Trời dành cho đời sống bạn? Phaolô trình bày năm bước để theo ý muốn Chúa:

Thứ nhất, hãy tập trung vào Chúa. Vì Đức Chúa Trời là Nguồn gốc, là Năng lực và là mục đích của mọi sự, cho nên điều hợp lý duy nhất là phải để Ngài làm trọng tâm của đời sống bạn.

Thứ hai, hãy kết ước với Chúa. Chúng ta phải kết ước trao ý muốn của chúng ta cho ý muốn của Chúa. Hãy nhớ lại nguyên tắc hướng dẫn mà Chúa Jêsus đã ban cho chúng ta khi Ngài phán:“Nếu ai khứng làm theo ý muốn của Đưùc Chúa Trời, thì người ấy sẽ biết ý muốn Ngài “(Giăng 7:17). Nếu Đức Chúa Trời biết bạn cam kết với Ngài và bạn sẽ làm theo ý muốn của Ngài thì Ngài sẽ tỏ cho bạn biết ý muốn của Ngài dành cho đời sống bạn.

Bước thứ ba là bước mà chúng ta phải ở thế bị động. Phaolô khuyên chúng ta cần phải được biến đổi bởi Đức Chúa Trời: “Hãy biến hóa bởi sự đổi mới của tâm thần mình”. Khi bạn được sinh ra về phương diện thuộc thể, thì bạn ở trong dạng bị động. Điều đó cũng giống như khi bạn được tái sinh. Đức Chúa Trời đóng vai trò chủ động còn chúng ta ở thế bị động khi tâm trí của chúng ta cần được đổi mới (IICôrinhtô 3:18; 5:17-18). Khi đã từng trải “sự đổi mới tâm thần mình” rồi, thì chúng ta có thể nhìn nhận từng trải đó là kế hoạch của Chúa đối với chúng ta là tốt lành. Chúng ta sẽ có thể đáp lại tất cả những đòi hỏi của Ngài và tăng trưởng trong đời sống tâm linh.

Phaolô mô tả bước thứ tư khi ông viết: “Đừng làm theo đời nầy” (Rôma 12:2). Nói cách khác là: “Đừng giống như mọi người khác. Đừng để cho thế gian nắn đúc bạn theo khuôn mẫu của nó”. Nếu làm như thế, bạn sẽ đánh mất ý chỉ của Đức Chúa Trời đối với đời sống bạn. Nếu bạn vâng theo Chúa Jêsus Christ, thì điều đó sẽ khiến bạn không tuân thủ theo tinh thần của thế gian. Những tiêu chuẩn của bạn sẽ không giống như những tiêu chuẩn của những con người thế tục ở xung quanh bạn.

Cuối cùng, bước thứ năm là hãy đứng vững trong Đấng Christ. Theo Phaolô, phương cách để thực hiện đó là chúng ta cần nhận biết rằng Đức Thánh Linh luôn hành động qua dân sự Đức Chúa Trời bằng cách ban cho chúng ta những ân tứ thuộc linh (c.3-8). Những ân tứ nầy giúp đời sống chúng ta trở nên vững vàng trong Đấng Christ và trang bị chúng ta cho công tác thuộc linh. Khi khám phá ra những ân tứ mà Đức Chúa Trời đã đầu tư cho chúng ta, hãy dâng những điều ấy lên cho Ngài và thực hành những ân tứ đó vì Ngài, thì những ân tứ thuộc linh đó sẽ dẫn chúng ta vào trong ý muốn Ngài và đến với mục đích của cuộc sống được cứu rỗi của chúng ta (Êphêsô 2:10).

Hãy Thành Thật!

Khi Phaolô tiếp tục sự ứng dụng rất thực tiễn của mình, ông khích lệ chúng ta hãy gắn kết tất cả những lẽ thật mà ông vừa chia sẻ cùng chúng ta trong thư tín nầy với Hội thánh địa
phương nơi chúng ta đang tham dự. Có một bản dịch Tân ước mà tôi rất ưa thích hay dùng đi dùng lại từ “thành thật”xuyên suốt phần áp dụng của thư tín nầy. Trước hết, Phaolô viết:
“Hãy gớm sự dữ mà mến sự lành” (c.9). Điều ông đang đòi hỏi ở đây là sự thánh khiết và trong sạch thật sự ở giữa vòng các tín hữu .

Phaolô cũng đòi hỏi sự khiêm nhường thật sự: “đừng ước ao sự cao sang, nhưng phải ưa thích sự khiêm nhường” (16). Sự khiêm nhường là một đức hạnh thuộc linh luôn luôn được đề cao trong các tiêu chuẩn cần có của các sứ đồ. Kế đó Phaolô đòi hỏi sự hiệp một thật. Sự hiệp một mà Phaolô mô tả ở đây là nền tảng cho một thực tế rằng tất cả chúng ta hãy hiệp
thành một thân trong Đấng Christ và mỗi người là những chi thể của thân Ngài.

Khi Phaolô viết: “Hãy lấy lòng yêu thương mềm mại mà yêu nhau như anh em” (c.9), là ý ông muốn nói rằng chúng ta nên có tình yêu thương thật đối với người khác. Khi mô tả sơ lược tình yêu thương mà ông đang đòi hỏi ở đây trong thư tín thứ nhất của ông gửi cho các tín hữu ở Côrinhtô, ông đã cho chúng ta thấy ý ông muốn nói đến tình yêu thương thật (ICôrinhtô 13:4-7). Đây là lẽ thật quan trọng xuất hiện ở phần ứng dụng trong tất cả các thư tín của Phaolô.

Tiếp theo, Phaolô yêu cầu hãy tiếp đãi nhau một cách ân cần “Hãy cung cấp sự cần dùng cho các thánh đồ; hãy ân cần tiếp khách”. Phaolô coi lòng hiếu khách cũng là một trong số những ân tứ vậy. Trong ngôn ngữ gốc, Phaolô dạy rằng chúng ta được ban cho lòng hiếu khách không chỉ để tiếp đãi người khác mà chúng ta còn phải “quấy rầy” người ta bằng tình yêu thương nữa. Phaolô dạy chúng ta cần phải áp dụng sự tiếp đãi cách trung tín nầy vào hai công tác của Hội thánh là: truyền giảng Tin lành và chu cấp nhu cầu cho các con cái Chúa.

Kế đó, Phaolô đòi hỏi một tinh thần làm việc hết lòng. Tinh thần làm việc tích cực không phải là sự thay thế cho năng suất làm việc. Phaolô viết: “Chớ làm biếng trong cơng việc;phải có lòng sốt sắng; phải hầu việc Chúa”. Phaolô thực sự đang thách thức chúng ta cần phải có một số ưu tiên thật sự. Bởi ôm đồm quá nhiều việc, cho nên bất cứ ai trong chúng ta cũng đều rơi vào tình trạng bị điều khiển bởi điều được mô tả như là “áp lực của những việc khẩn cấp”. Chúng ta không nên mất thì giờ để tập trung vào mọi ưu tiên của chúng ta.

Sứ đồ Phaolô là người biết rõ những ưu tiên của mình. Ông viết: “Nhưng tôi cứ làm một điều” (Philíp 3:14). Hãy xem xét những người tin kính mà chúng ta đọc biết được về họ trong Kinh thánh, đã cùng với Phaolô có sự kỷ luật thuộc linh trong việc tập trung cho các ưu tiên của họ ra sao. Đavít đã viết thế nầy: “Tôi đã xin Đức Giê-hô-va một điều, và sẽ tìm kiếm điều ấy!” (Thi 27:4). Cái điều mà cả Đavít với Phaolô đều hướng đến chính là mối tương giao của họ với Chúa và nhận biết ý muốn của Ngài đối với họ trong từng trải hằng ngày. Trong Kinh thánh, không có gương mẫu về sự ưu tiên nào rõ nét hơn những sự ưu tiên của Chúa Jêsus.

Phaolô tiếp tục khích lệ những ai tin vào lẽ thật tuyệt vời của Phúc âm mà ông đã chia sẻ với chúng ta hãy có những động cơ làm việc, làm chứng, cầu nguyện và hãy có đức tin thật (14-21). Hơn nữa, hãy nhận biết những điều quan trọng trong mỗi ngày, hãy ứng dụng đời sống thực tiễn của Phúc âm cho đời sống chúng ta trong những chương ứng dụng của kiệt tác thần học mà chúng ta gọi là “Thư Phaolô gửi cho các tín hữu ở Lamã” nầy.

Khi Các Tín Hữu Là Những Công Dân

Trong Rôma chương mười ba, Phaolô nói cho chúng ta cách ứng dụng Phúc âm của sự xưng công bình bởi đức tin vào việc làm công dân. Như chúng ta đã học trong sách Công Vụ Các Sứ Đồ, có lúc người tín đồ không tuân theo sắc lệnh của chính quyền khi chính quyền ấy đi ngược lại với những điều dạy dỗ và những mạng lệnh của Đức Chúa Trời. Trong chương nầy, Phaolô ba lần viết rằng các quan quyền thi hành luật pháp là “các đầy tớ của Đức Chúa Trời” (13:4-6). Là đầy tớ của Đức Chúa Trời được sai phái, người ấy đại diện để bày tỏ cơn giận của Ngài (4).

Phaolô không có ý nói về các quan quyền thi hành luật pháp ở đây là những người Cơ Đốc, mà ông đang nói đến những người lính Lamã. Từ “sai phái” thực sự có nghĩa là “được đặt ở vị trí chiến lược”. Những đầy tớ được sai phái của Phúc âm thì được đặt ở vị trí chiến lược để rao giảng Luật pháp của Đức Chúa Trời. Những sứ giả hoà bình thì được đặt để thi hành luật lệ của Đức Chúa Trời. Phaolô có viết đại ý thế nầy: “Nếu ngươi muốn sống với họ thì tuân theo luật pháp, nhưng nếu ngươi trộm cắp hay phạm tội giết người, người ta dùng gươm xử ngươi chẳng phải là vô cớ vì họ đang thi hành nhiệm mạng của Đức Chúa Trời”.

Khi khái niệm về luật pháp được nhận biết là có nguồn gốc từ Đức Chúa Trời, thì nguồn gốc về uy quyền của người thi hành luật pháp cũng do nơi Đức Chúa Trời mà đến. Tuy nhiên, khi chính quyền thối nát, suy đồi và luật pháp của nó đi ngược lại với Luật pháp Đức Chúa Trời, thì sẽ có lúc người dân sẽ bất tuân luật pháp (Công vụ 5:29).

Những Cuộc Tranh Luận Của Các Môn Đồ

Trong Rôma chương mười bốn, Phaolô chỉ dạy việc ứng dụng thực tiễn của ông đối với những mối bất hoà diễn ra giữa vòng các môn đồ ở Lamã. Phaolô chưa từng đến thăm các môn đồ tại Lamã, nhưng khi mọi con đường đều dẫn đến Lamã ấy cũng là lúc ông viết thư nầy, ông biết có nhiều tín hữu đang ở đó hay là họ du hành đến đó, ông biết có những cuộc tranh luận nổi lên giữa vòng các môn đồ tại đó.

Giáo hội nghị đầu tiên được triệu tập để giải quyết vấn đề nầy: Các môn đồ của Chúa Jêsus không phải là người Do Thái không muốn sống giống như người Do Thái chính thống, trong khi các môn đồ người Do Thái đã được tái sinh thì lại muốn tiếp tục sống giống như người Do Thái chính thống khi cả hai đều theo Đấng Mêsi của người Do Thái (Công vụ 15). Cách giải quyết của hội nghị đó là các môn đồ không phải người Do Thái thì không cần phải sống giống như người Do Thái, còn các môn đồ người Do Thái thì được phép duy trì những nếp sống theo phong cách Do Thái của họ vì cả hai đều theo Đấng Christ. Mặc dù vấn đề nầy đã chính thức được giải quyết, các môn đồ người Do Thái và các môn đồ không phải người Do Thái nầy đã hết sức cố gắng hiệp một trong Đấng Christ, nhưng giữa họ vẫn còn có những sự khác biệt rất lớn đặc biệt là vấn đề kiêng ăn và việc tổ chức các ngày lễ thánh của người Do Thái.

Một số Cơ Đốc nhân người Do Thái tiếp tục tổ chức ngày Sabát (ngày thứ bảy của tuần lễ), là ngày được biệt riêng ra cho Đức Chúa Trời để thờ phượng Ngài, để nghỉ ngơi phục hồi sức lực. Để kỷ niệm sự phục sinh của Chúa Jêsus, tất cả các sứ đồ, họ là những người Do Thái đã đổi ngày thờ phượng của họ từ ngày thứ bảy sang ngày thứ nhất của tuần lễ. Còn các Cơ Đốc nhân vốn là người ngoại giáo thì không tìm được lý do gì để xếp ngày thứ bảy trong tuần cho việc thờ phượng của họ.

Phaolô khuyên dạy các Cơ Đốc nhân người Lamã phải giải quyết vấn đề tranh luận của họ dựa trên nền tảng: “Người nầy tưởng ngày nầy hơn ngày khác, kẻ kia tưởng mọi ngày đều bằng nhau; ai nấy hãy tin chắc ở trí mình” (14:5). Ý ông muốn nói thêm vào sự tranh cãi về ngày Sabát, một số tín hữu đã xem ngày thứ nhất của tuần lễ là “Ngày của Chúa”. Còn số
khác thì lại xem mọi ngày trong tuần đều là Ngày của Chúa cả.

Ý nghĩa chính xác của cụm từ “hãy tin chắc” được đề cập đến trong việc tranh luận nầy là gì? Thứ nhất, Phaolô viết rằng chúng ta hãy hoàn toàn tin chắc dựa vào lương tâm. Có người cho rằng: “Lương tâm là tiếng nói trong thinh lặng, cho dù có nhỏ đến đâu thì chúng ta vẫn có thể cảm nhận được”. Phần lớn, lương tâm là phản ứng có điều kiện do nhiều năm ở dưới sự dạy dỗ của cha mẹ và người khác.

Điều quan trọng là chúng ta cần phải nhận biết rằng Phaolô không hề cho lương tâm như là sự hướng dẫn hoàn toàn đáng tin cậy và chắc chắn. Nhưng ông khuyên chúng ta nên lắng nghe lương tâm khi nó mách bảo điều chúng ta đang làm là sai trái. Ông nhất trí với cách giải quyết của Giáo hội nghị đầu tiên là các tín hữu người Do Thái có quyền và có trách nhiệm tôn trọng giữ sự kiêng ăn và những kỳ lễ thánh theo truyền thống tôn giáo của họ, còn các môn đồ không phải là người Do Thái thì không bắt buộc phải trở nên như người Do Thái trong những vấn đề nầy.

Phaolô tiến một bước xa hơn khi viết rằng bạn cần phải “tin chắc vào trí mình” dựa vào sự cáo trách cá nhân của bạn (14:6). Sự cáo trách không phải là vấn đề do cha mẹ dạy dỗ chúng ta. Nó là kết quả của công việc Đức Thánh Linh làm trên đời sống chúng ta. Đức Thánh Linh không cáo trách mọi tín hữu theo cùng một cách.

Phaolô tiếp tục khuyên chúng ta cũng phải giải quyết những vấn đề nầy dựa trên sự suy xét đối với những anh em bất đồng với mình (14:10-23). Thậm chí khi anh em mình không
đúng, nếu người ấy bởi lương tâm và sự cáo trách biết điều mình làm là sai, thì chúng ta cũng phải có trách nhiệm đối với họ.

Phaolô mô tả sơ lược nguyên tắc nầy sâu sắc hơn đối với các tín hữu tại Côrinhtô (ICôrinhtô 8-10). Ông viết cho các tín hữu tại Lamã và Cônrinhtô biết rằng vấn đề ở đây không phải là đúng hay sai, mà là ở chỗ chúng ta có hết lòng yêu thương anh em mình hay không. Chúng ta không được gây cho anh em mình cớ vấp phạm. Chúng ta phải làm mọi thứ mà chúng ta có thể để giúp đỡ và gây dựng anh em mình. Cuối cùng, Phaolô ra lệnh cho chúng ta hãy giải quyết những sự bất đồng nầy dựa trên nền tảng cơ bản là tình yêu thương mà ông đã mô tả trong đoạn Kinh thánh nói về tình yêu thương của ông (ICôrinhtô 13).

Tinh Thần Truyền Giáo Của Phaolô

Chúng ta thực sự hiểu rõ về sứ đồ Phaolô trong Rôma chương mười lăm. Tấm lòng của vị sứ đồ nầy đang cưu mang cho thế gian. Trong sách Công Vụ Các Sứ Đồ, chúng ta gặp Phaolô luôn nung nấu ý định đi đến Lamã. Tuy nhiên, giờ đây, Phaolô viết cho các tín hữu ở Lamã: “vậy nếu tôi có thể đi xứ Tây Ban Nha được, thì mong rằng sẽ tiện đàng ghé thăm anh em; sau khi được chút thỏa lòng ở với anh em rồi, thì nhờ anh em sai đưa tôi qua xứ ấy” (15:24). Tầm nhìn của ông giờ đây mở rộng sang Lamã. Ông có ý định đến Lamã bởi vì ông hy vọng tín đồ ở đó sẽ ủng hộ ông để đem Tin lành đến Tây Ban Nha!

Ứng Dụng Cá Nhân

Chúng ta không thể không bị thách thức khi thấy vị sứ đồ Phaolô khiến cho cả thế gian biết đến Tin lành mà ông đã giảng giải quá đầy đủ trong thư tín nầy. Khi kết thúc bài nghiên cứu về bức thư tuyệt diệu của Phaolô gửi cho các tín hữu tại Lamã, thì có một sự thách thức thật rõ ràng dành cho bạn và tôi là trước hết hãy áp dụng tất cả mọi lẽ thật của thư tín nầy
cho chính cá nhân mình. Chúng ta đã có sự hoà thuận với Đức Chúa Trời bởi đức tin của mỗi chúng ta đặt nơi điều Chúa Jêsus đã làm cho chúng ta trên thập tự giá chưa? Bởi đức tin chúng ta đã bước vào ân điển là điều khiến chúng ta có thể sống cho Đấng Christ trong thế gian nầy như là một người được Đức Chúa Trời xưng là công bình – là đời sống làm vinh hiển Đức Chúa Trời chưa? Bởi đức tin đời sống của chúng ta có đang được tể trị bởi Vua Jêsus không? Chúng ta hiện có đang chú tâm theo “Luật Thánh Linh của đời sống trong Đấng Christ” là luật đã giải phóng chúng ta khỏi “Luật của tội Lỗi và Sự Chết” không?

Sau đó, chúng ta hãy áp dụng lẽ thật của thư tín nầy cho những anh chị em trong Chúa tại Hội thánh địa phương, cho quyền công dân và cho các mối liên hệ của chúng ta với chính quyền. Cuối cùng, giống như vị sứ đồ yêu dấu nầy, chúng ta hãy ứng dụng lẽ thật sâu sắc của kiệt tác thần học trên đây cho những người đang sống trong thế giới ngày nay là những
người chưa từng được nghe về Tin lành diệu kỳ nầy. Tương tự Phaolô, chúng ta là những người hiện đang mắc nợ tất cả những người xung quanh, và chúng ta phải luôn luôn sẵn sàng chia sẻ Tin lành của Đấng Christ cho họ mà không hề hổ thẹn: vì quyền phép của Đức Chúa Trời để cứu mọi kẻ tin (Rôma 1:14-16).

Nguồn tài liệu: HỘI HỢP TÁC TRUYỀN GIÁO QUỐC TẾ TRƯỜNG CAO ĐẲNG THÁNH KINH