Content on this page requires a newer version of Adobe Flash Player.

Get Adobe Flash player

 

 

 

 

Bạn click chuột vào tựa bài để lắng nghe.
Nếu muốn download, bạn click chuột vào dấu mũi tên đi xuống.


CÂU CHUYỆN GIA ĐÌNH

Mười Điều Luật Chúa & Gia Đình Chúng Ta

Bài 51: Giới Răn Thứ X: Ngươi Chớ Tham Lam (Phần 7)

Do Minh Nguyên Biên soạn & Trình bày


Thưa quý thính giả, chúng tôi chân thành cảm ơn quý vị đón nghe Câu Chuyện Gia Đình của Chương Trình Phát Thanh Tin Lành hôm nay. Phúc Âm Lu-ca ghi lại lời Chúa Giê-xu dạy về lòng tham. Chúa phán:
 
 Hãy cẩn thận, đừng tham lam, vì sự sống của con người không cốt tại của cải mình dư dật.” Và Chúa kể câu chuyện sau đây: Ruộng của một người giàu kia sinh lợi nhiều lắm, người bèn tự nghĩ rằng: Ta phải làm thể nào? Vì không có đủ chỗ chứa hết sản vật. Lại nói: Nầy, việc ta sẽ làm: ta phá cả kho tàng và cất cái khác lớn hơn, thâu trữ sản vật và gia tài vào đó; rồi sẽ nói với linh hồn ta rằng: Linh hồn ơi, mầy đã được nhiều của để dành dùng lâu năm; thôi, hãy nghỉ, ăn uống, và vui vẻ. Song Đức Chúa Trời phán cùng người rằng: Hỡi kẻ dại! Chính đêm nay linh hồn ngươi sẽ bị đòi lại; vậy những của cải ngươi đã sắm sẵn sẽ thuộc về ai? Hễ ai thâu trữ của cho mình mà không giàu có nơi Đức Chúa Trời thì cũng như vậy” (Lu-ca 12:16-21)
 
 Người điền chủ thấy mình thu hoạch được nhiều thì muốn phá nhà kho hiện có, xây nhà kho lớn hơn để chứa hoa màu, sản vật. Ông thầm nghĩ: Khi tích lũy nhiều của cải rồi, mình sẽ không làm nữa nhưng nghỉ ngơi vui hưởng những gì tay mình làm ra. Đối với Chúa đó là người dại, vì Ngài phán: “Hỡi kẻ dại kia, nếu đêm nay cái chết đến thì những của cải ngươi đã tích lũy sẽ thuộc về ai?” Nhiều người ngày nay cũng như vậy, khi thành công thì muốn giàu thêm, buôn bán làm ăn nhiều hơn, lớn hơn; nghĩ rằng mình cứ tiếp tục tích lũy của cải rồi một ngày kia sẽ về hưu và tận hưởng những của cải đó, nhưng chúng ta quên rằng đời sống mong manh, ngắn ngủi, cái chết có thể đến bất cứ lúc nào và tất cả của cải chúng ta tích lũy sẽ thuộc về người khác.
 
 Lý Do Khiến Con Người Tham Lam
 
 Để tránh tội tham lam chúng ta cần biết rõ nguyên nhân khiến con người tham lam, tại sao con người có tính tham lam?
 
 Lý do 1: Vì nghĩ rằng nếu có những điều mình muốn thì sẽ hạnh phúc
 
 Nhiều người thường nghĩ: mình phải có được những gì mình mơ ước thì cuộc đời mới vui vẻ hạnh phúc. Có người nói: giá mà tôi có được điều đó thì tôi sẽ thỏa nguyện, không còn mơ ước gì nữa. Trong thực tế, đó chỉ là ảo tưởng, vì ít khi nào những người hay mơ ước điều này điều nọ mà khi được rồi sẽ thật sự thỏa lòng và không mơ ước gì nữa. Nếu một người không thỏa lòng với những gì mình đang có, sẽ khó thỏa nguyện dù có thêm điều mình muốn. Khi đạt được điều mình mong muốn, chúng ta sẽ vui và thỏa nguyện, nhưng niềm vui đó không lâu, sự thỏa nguyện đó cũng chỉ trong một thời gian, rồi ta lại mơ ước những điều khác. Chúng ta thường nghe câu: “Được voi đòi tiên,” hoặc: “Lòng tham không đáy” những câu này nói lên tâm lý của con người. Khi được điều này rồi, chúng ta vui thỏa một thời gian, nhưng rồi lại mơ ước những điều khác, và lại bắt đầu nghĩ rằng phải có thêm điều đó nữa thì ta mới thật sự hạnh phúc. Trong xã hội tư bản chúng ta đang sống, những dịch vụ kinh doanh biết rõ tâm lý này nên họ bỏ ra rất nhiều tiền để quảng cáo món hàng của mình. Người ta dùng những hình ảnh và lời mời thật thu hút, để mọi người thấy mình thật cần món hàng đó, và tin rằng nếu có điều đó mình sẽ đẹp hơn, vui hơn, sẽ có giá trị hơn. Đời sống con người cứ ở trong cái vòng lẩn quẩn, hết mơ ước điều này lại trông mong điều kia. Giống như đứa bé mơ ước một món đồ chơi mới, khi mới được thì thích lắm, nhưng sau một thời gian sẽ chán, bỏ qua một bên, rồi lại mơ ước những đồ chơi khác. Điều nguy hiểm là con người không tiếp tục mơ ước những điều giống nhau nhưng mơ ước những điều mới lạ hơn, lớn hơn, đắt tiền hơn. Người vợ được chồng mua cho món nữ trang mình mơ ước, sau một thời gian sẽ mơ ước món nữ trang khác đẹp hơn, đắt tiền hơn. Khi đã có nhà chúng ta sẽ muốn đổi nhà khác lớn hơn, hoặc muốn có nhà thứ hai, thứ ba, và tương tự như thế với tất cả những điều khác. Khi một phóng viên hỏi nhà tỷ phú Rockeffeler: “Đối với ông, có bao nhiêu tiền là đủ?” Nhà tỷ phú trả lời: “Chỉ cần thêm một ít nữa!” Lòng tham của con người đúng là vô đáy. Biết điều này một nhà hiền triết Hy-Lạp đã nói: “Nếu muốn một người thật sự được hạnh phúc, đừng cho thêm người đó điều gì nữa nhưng hãy lấy bớt đi trong người đó lòng tham muốn.”
 
 Lý do 2: Vì nghĩ rằng dư thừa vật chất sẽ đảm bảo một đời sống hạnh phúc
 
 Không ai phủ nhận vật chất cần thiết cho đời sống. Nếu không được cơm no áo ấm, không có một mái nhà để nương thân và không có tiền mua những thức cần dùng thì cuộc đời khó có thể hạnh phúc. Nhưng nếu chúng ta nghĩ rằng tiền bạc và vật chất sẽ bảo đảm cho ta một đời sống hạnh phúc, hoặc nếu nghĩ rằng người có đầy đủ vật chất mới hạnh phúc thì thật là sai lầm. Nếu vật chất bảo đảm hạnh phúc cho đời sống thì người giàu phải hạnh phúc hơn người nghèo, và người nào càng giàu thì càng hạnh phúc. Nhưng trong thực tế chúng ta vẫn thấy bao nhiêu người là triệu phú, tỷ phú nhưng đời sống bất an, đầy dẫy lo lắng và đau khổ; trong khi đó có những người không giàu có, phải làm vất vả mới có đủ ăn nhưng đời sống thanh thản và vui vẻ, nhẹ nhàng. Nếu đầy đủ vật chất bảo đảm hạnh phúc thì trong những nước văn minh giàu có không còn ai đau khổ nữa. Trái lại, tại những nước vật chất dư thừa, vẫn có nhiều người đau khổ chán đời vì đời sống vô nghĩa, thậm chí có người sống trong giàu sang danh vọng mà phải tự tử vì quá tuyệt vọng. Lời Chúa khuyên chúng ta đừng nương cậy vào của cải nhưng hãy tin cậy nơi Đức Chúa Trời. Sứ đồ Phao-lô viết: “Hãy răn bảo kẻ giàu ở thế gian này đừng kiêu ngạo và đừng để lòng trông cậy nơi của cải không chắc chắn, nhưng hãy để lòng trông cậy nơi Đức Chúa Trời, là Đấng mỗi ngày ban mọi vật dư dật cho chúng ta được hưởng” (I Ti-mô-thê 6:17).
 
 Lý do 3: Vì nghĩ rằng nếu có được điều ta không có quyền có thì sẽ hạnh phúc
 
 Người sống theo chủ trương này nghĩ rằng nếu mình làm điều bị cấm hoặc có trong tay điều không được phép có thì mình sẽ sung sướng. Người nghĩ như thế thường thích lấy trộm của người khác. Trái cây hái trộm ăn thấy ngon, bắp bẻ trộm của vườn người khác thấy ngon ngọt hơn. Những sách báo phim ảnh càng cấm càng có nhiều người xem. Những trang đồi trụy trên mạng lưới thu hút hàng triệu người mỗi ngày, dù biết rằng đó là chỗ mình không nên vào. Trái cấm bao giờ cũng ngon hơn, thu hút hơn những điều ta được quyền hưởng. Suy nghĩ của con người tội lỗi là, điều gì cấm mà mình làm được hay có được thì mới thích thú và thỏa lòng. Có người thích những mối tình tội lỗi vụng trộm vì cho như thế mới thích thú. Nhưng Kinh Thánh cho biết những người chủ trương như thế là người dại. Sách Châm ngôn trong Cựu Ước dạy: “Sự điên cuồng kêu gọi những kẻ đi đường và nói rằng: ‘Ai ngu dốt hãy rút vào đây’ và nàng nói với kẻ thiếu trí hiểu rằng: ‘Nước ăn cắp lấy làm ngọt ngào, bánh ăn vụng là ngon thay.’ Nhưng người chẳng biết rằng kẻ chết ở đó, và những người của nàng đều ở dưới chốn sâu của âm phủ.” (Châm ngôn 9:17-18). Thật ra, chỉ những người nông cạn, thiếu suy nghĩ mới sống theo chủ trương này, vì những hành động chùng vụng, không ngay thẳng không bao giờ đem lại cho ta hạnh phúc hoàn toàn. Nếu hành động sai quấy của chúng ta người chung quanh không biết, chúng ta cũng hồi hộp, lo lắng, vì sợ bí mật đó một ngày kia sẽ bị lộ ra. Nếu người chung quanh biết được thì chúng ta phải mang lấy xấu hổ. Lúc đó không những hạnh phúc mất mà danh dự cũng không còn.
 
 Dù nhìn dưới khía cạnh nào, theo chủ trương nào, tham lam cũng là điều tai hại, vậy chúng ta làm gì để loại bỏ lòng tham? Câu trả lời tìm thấy trong Lời Chúa. Kinh Thánh dạy: “Sự tin kính và thỏa lòng là một lợi lớn…Như vậy, miễn là đủ ăn đủ mặc thì phải thỏa lòng, còn như kẻ muốn nên giàu có, ắt sa vào cám dỗ” (I Ti-mô-thê 6:8-9). Và: “Chớ tham tiền, hãy lấy điều mình có làm đủ rồi, vì chính Đức Chúa Trời có phán rằng: Ta sẽ chẳng lìa ngươi đâu, chẳng bỏ ngươi đâu” (Thư Hê-bơ-rơ 13:5). Muốn không tham lam, chúng ta cần thỏa lòng với những điều mình có; nhưng tự sức chúng ta không thể làm được, vì bản tính yếu đuối sẽ lôi kéo, khiến ta nhìn sự vật chung quanh, thèm muốn và bị cám dỗ. Cách duy nhất để sống thỏa nguyện là trao phó đời sống cho Chúa Cứu Thế làm Chủ. Trước hết chúng ta xưng tội với Chúa và xin Ngài tha thứ. Chúa sẽ tha thứ và ban cho chúng ta đặc ân làm con của Ngài. Tình yêu của Chúa sẽ đem lại thỏa mãn cho tâm hồn và chúng ta sẽ không ham muốn điều gì của trần gian này nữa. Khi dâng đời sống cho Chúa làm Chủ, Ngài sẽ dìu dắt, ban ơn và giúp chúng ta sống trong bình an, thỏa nguyện. Tất cả giàu sang vật chất của thế gian rồi sẽ tan thành mây khói, chỉ những gì chúng ta làm cho Chúa và vì danh Chúa còn lại đời đời. Muốn có hạnh phúc thật, đừng chạy theo vật chất nhưng hãy chú tâm tìm kiếm những giá trị vĩnh cửu cho đời sống tâm linh. Kinh Thánh dạy: “Thế gian với sự tham dục nó đều qua đi, song ai làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời thì còn lại đời đời” (Thư I Giăng 2:17).

 Minh Nguyên
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành

PO Box 2468
Fullerton, California 92837 92837
Tel:(714) 533-2278