|
||||
|
THẢO CHƯƠNG CỰU ƯỚC l Ôsê l Giôên l Amốt l Ápđia l Giôna l Michê l Nahum l Habacúc l Sôphôni l l Aghê lXachari l Malachi l Biên Soạn: Dick Woodwar NHÌN CHUNG VỀ CÁC TIỂU TIÊN TRI Bây giờ, chúng ta bắt đầu xem xét mười hai vị tiên tri cuối cùng là những người thường được gọi là các Tiểu Tiên Tri. Sở dĩ có tên gọi nầy là vì các sách của họ ngắn hơn những sách tiên tri mà chúng ta vừa mới khảo sát. Vì mười hai vị tiên tri sau cùng nầy đã tiên tri vào giai đoạn cuối của lịch sử Hêbơrơ, cho nên, họ còn được gọi là những hậu tiên tri. Các thầy thông giáo xưa vẫn thường gọi chung những hậu tiên tri là “Mười Hai Tiên Tri”, vì họ đánh giá cao và không muốn bỏ qua bất cứ ai trong số các tiên tri ấy. Mười hai sách lịch sử Cựu ước trình bày nội dung về những giai đoạn lịch sử mà các tiên tri đã viết, đã sống và rao giảng. Để quan điểm lịch sử của mình không bị thiên lệch, bạn nên cố gắng lập ra một bản đồ ghi lại nơi các tiên tri từng sống trong giai đoạn lịch sử Hêbơrơ mà bạn đã học khi chúng ta nghiên cứu các sách lịch sử Cựu ước. Vì đây không phải là một lập luận hoàn toàn dựa trên lý thuyết mà là một bài học Kinh Thánh có tính suy niệm, cho nên, tôi xin nhắc lại bảy sự kiện trong lịch sử Hêbơrơ để giúp bạn nắm vững được bối cảnh khi đọc các sách tiên tri nầy: 1. Vương quốc hợp nhất. Hầu hết chúng ta đều biết Đức Chúa Trời là tình yêu, tuy nhiên, bạn đã thấy hoặc đọc được bao nhiêu sách nói về tình yêu của Ngài? Ôsê là sách được thần cảm trong thư viện thánh của Đức Chúa Trời, nội dung đề cập về tình yêu thương của Ngài. Ôsê được Đức Chúa Trời ủy thác làm tiên tri nói về tình yêu ấy cho mười chi phái thuộc Vương quốc phía Bắc,còn gọi là Ysơraên. Ông rao giảng về tình yêu của Đức Chúa Trời khi họ xây bỏ Ngài và thờ lạy hình tượng. Lẽ thật thứ nhất chúng ta học được từ tiên tri Ôsê. Khi Đức Chúa Trời gọi chúng ta làm công việc trọng đại nào đó cho Ngài, Ngài thường chuẩn bị chúng ta cho công việc đó qua những kinh nghiệm sống của chính chúng ta. Ngài dùng mỗi ngày mà chúng ta đang sống để sửa soạn chúng ta cho những ngày tới sẽ sống và hầu việc Ngài. Phúng Dụ Về Sự Nhẫn Nhịn Đức Chúa Trời phán bảo Ôsê chuẩn bị rao giảng tình yêu của Ngài cho một dân tộc vô tín, Ôsê cưới một kỵ nữ tên là Gôme làm vợ (1:23). Ôsê yêu Gôme và nàng sinh con cho ông như thể nàng là người vợ tốt nhất trong xứ vậy. Sau nhiều năm, Gôme lại quay về với những người tình cũ, Đức Chúa Trời lại truyền Ôsê đón nàng trở vềø, và lại tiếp tục yêu thương nàng (3:1). Đó là tất cả những gì tối thiểu mà Đức Chúa Trời cho phép xảy ra nhằm chuẩn bị cho Ôsê đi ra rao giảng cho dân Ysơraên về tình yêu thương vô điều kiện và sự chấp nhận của Đức Chúa Trời. Mặc dầu không xứng đáng với tình yêu ấy, nhưng dân Ysơraên được Đức Chúa Trời chọn làm tuyển dân của Ngài, chẳng khác nào Gôme được Ôsê chọn làm vợ, cho dù nàng là một kỵ nữ. Phúng dụ là một câu chuyện, trong đó con người, nơi chốn, và mọi thứ đều chứa đựng ý nghĩa sâu sắc, dạy dỗ chúng ta về bài học luân lý đạo đức và thuộc linh. Hôn nhân của Ôsê là một câu chuyện phúng dụ về sự nhẫn nhịn trong tình yêu vô điều kiện của Đức Chúa Trời dành cho Ysơraên. Sự Rao Giảng Của Ôsê Thờ lạy thần tượng là tội ăn sâu vào tâm khảm mà dân sự ở Vương quốc phía Bắc thường xuyên vi phạm, vì thế ngay tại đó, Ôsê đã rao ra những bài giảng thích đáng với lời lẽ rất hùng hồn.Việc thờ lạy hình tượng dẫn họ đến sự suy đồi nghiêm trọng. Ôsê rất thẳng thắn và mạnh dạn khi rao giảng cho họ. Đây là phần trích dẫn đã được diễn ý về sự rao giảng của Ôsê, sẽ giúp bạn làm quen với phong cách giảng dạy của ông: “Người Ysơraên hễ buông rượu ra thì lại đến với kỵ nữ. Tình yêu của họ thật đáng xấu hổ chứ không hề có sự tôn trọng… Rượu chè, đàn bà và ca nhạc hát xướng đã cướp đi trí lực của dân sự Ta. Vì các ngươi đi cầu xin một miếng gỗ hãy nói cho mình biết phải làm gì… Cho nên, các ngươi giống như cái cung bị bẻ gập lại, luôn bắn sai mục tiêu. Các ngươi gieo gió nên sẽ gặt bão lốc…Rồi đây, Ysơraên sẽ bị hủy diệt; như chiếc bình vỡ nằm giữa các dân tộc khác. Vinh quang của Ysơraên sẽ bay đi như chim bay xa”. Vì Ysơraên là tuyển dân của Đức Chúa Trời chân thật duy nhất, cho nên Ôsê xem sự xây hướng sang các thần khác của họ là tội “ngoại tình thuộc linh”, chống nghịch lại Ngài:“Dân sự Ta cầu hỏi những tượng bằng gỗ, nhờ vào cây gậy phép của thầy bói để đoán trước sự việc cho họ; vì linh hồn của phường trụy lạc đã dẫn họ đi sai đường lạc lối, ăn chơi sa đọa, trụy lạc nên bị phân cách với Đức Chúa Trời”. “Tất cả dân sự đều là những kẻ ngoại tình; giống như lò của người nướng bánh thường xuyên được đốt lửa cháy rực, ngoại trừ những khi ông ta nhào bột và chờ bột nở, thì những kẻ ngoại tình kia cũng thường xuyên bị lửa dâm dật hừng lên thiêu đốt như vậy. Dân sự Ta sống lẫn lộn với người ngoại giáo và đã nhiễm những thói hư tật xấu của họ; do đó dân sự trở thành những kẻ không ra gì, chẳng khác nào cái bánh nửa sống nửa chín”. Khi Ôsê rao giảng: “Thầy tế lễ nào dân sự nấy!”, ông đã thốt lên rằng: “Hỡi thầy tế lễ! Ngươi đừng chỉ tay vào người khác nữa. Ta đang chỉ tay vào ngươi đây!” Hậu quả của việc thờ thần tượng khiến họ bị rơi vào chốn giam cầm: “Ysơraên đã bị nuốt. Bây giờ chúng nó ở giữa các dân, như khí mạnh chẳng ai ưa thích. Vì chúng nó đã lên Asyri, như con lừa rừng đi một mình; Épraim đã hối lộ cho những kẻ yêu nó”(Ôsê 8:8-9). Số phận của Vương quốc phía Bắc là làm phu tù cho Asyri. Nó sẽ chẳng bao giờ được trở về quê hương để lập lại vương quốc. Những người sống sót sau cuộc chinh phục và lưu đày của Asyri bị tản lạc giữa vòng các dân ngoại trên toàn cầu. Tình Yêu Thương Vô Điều Kiện Của Đức Chúa Trời Dân Ysơraên phải bước vào cuộc sống lưu đày, tuy nhiên, Đức Chúa Trời vẫn yêu thương họ và đem họ trở về, chính Ngài phục hồi đời sống thuộc linh cho họ: “Ta sẽ cưới ngươi cho Ta đời đời; Ta sẽ cưới ngươi cho Ta trong sự công bình và chánh trực, nhân từ và thương xót. Phải, Ta sẽ cưới ngươi cho Ta trong sự thành tín, và ngươi sẽ biết Đức Giêhôva”(2:19-20). Sự phục hưng thuộc linh nầy của Ysơraên là điều mà các tiên tri đã rao giảng nhưng chưa được ứng nghiệm. Chúng ta sẽ phải chờ đợi cho đến thì giờ cuối cùng để xem sự ứng nghiệm Ôsê rao giảng tình yêu của Đức Chúa Trời một cách hùng hồn: “Vì Ta ưa sự kính mến của các ngươi chứ không ưa của lễ, ưa sự nhìn biết Ta hơn là ưa của lễ thiêu”. Để xây tấm lòng họ về đúng hướng với Đức Chúa Trời, Ôsê rao giảng như Giêrêmi từng rao giảng: “Hãy vỡ đất mới của chính tấm lòng ngươi, vì là kỳ tìm kiếm Đức Giêhôva, cho đến chừng nào Ngài đến và mưa sa công bình trên các ngươi… Vậy ngươi khá trở lại cùng Đức Chúa Trời ngươi, và luôn luôn trông đợi Đức Chúa Trời ngươi” (10:12;12:7). Ứng Dụng Cá Nhân Mặc dầu chúng ta phải chờ lời tiên tri về sự phục hồi thuộc linh của dân Ysơraên được ứng nghiệm, nhưng chúng ta không cần phải chờ sự phục hồi thuộc linh của chính mình với Đức Chúa Trời đầy lòng yêu thương. Phân đoạn Kinh Thánh trong sách Ôsê mà tôi ưa thích chính là cách kết thúc thật tuyệt vời cho bài tóm tắt ngắn gọn về những lời rao truyền mà bạn vừa nghe từ tiên tri Ôsê: “Hãy đến, chúng ta hãy trở về cùng Đức Giêhôva; vì Ngài đã xé chúng ta, song Ngài sẽ chữa lành cho; Ngài đã đánh chúng ta, song sẽ buộc vết tích. Trong Chương 2:TIÊN TRI GIÔÊN Giôên là vị tiên tri thứ hai trong số mười hai Tiểu Tiên Tri. Sứ điệp của Giôên tập trung hướng về một thành ngữ mà ông và các vị Tiểu Tiên Tri thường dùng là: “Ngày của Đức Giêhôva”. Giôên cũng gọi tai vạ châu chấu kinh khiếp tàn phá Vương quốc phía Nam là “Ngày của Đức Giêhôva”. Trong khi ông gán cho tai vạ châu chấu cái tên “Ngày của Đức Giêhôva”, thì ông cũng liên hệ tai vạ nầy với sự cầm tù của người Babylôn đang đe dọa sắp xảy ra. Giống như các Đại Tiên Tri, Giôên nói tiên tri về sự giam cầm của người Babylôn xen lẫn với lời tiên tri về Sự Tái Lâm của Đấng Christ. Nhiều người khá quen thuộc với Giôên vì ông có lời tiên tri đáng nhớ về Ngày Lễ Ngũ Tuần. Những người có mặt trong ngày khai sinh Hội Thánh hôm ấy đã thắc mắc: “Việc nầy nghĩa là sao?” Phierơ liền bắt đầu bài giảng của mình trong Ngày Lễ Ngũ Tuần bằng lời giới thiệu: “Đây là điều mà đấng tiên tri Giôên đã nói” (Công vụ 2:12,16). Giôên từng rao giảng rằng Ngày của Đức Giêhôva dành cho bạn và tôi đã từng có trong quá khứ, hằng còn trong hiện tại và sẽ xảy ra trong tương lai của đời sống chúng ta. Tai Vạ Châu Chấu Sách Giôên ra mắt bằng sự mô tả Vương quốc phía Nam bị tàn phá bởi tai vạ châu chấu. Giôên rao giảng: “Cái gì sâu keo còn để lại, cào cào ăn; cái gì cào cào còn để lại, sâu lột vỏ Khi Giôên đề cập đến tai vạ châu chấu nầy là “Ngày của Đức Giêhôva” (1:15), ông đã thể hiện như thể ngày ấy đang diễn ra ở hiện tại vậy. Chính xác là Giôên muốn nói gì khi ông đề cập đến Ngày của Đức Giêhôva theo cách nầy? Khi chứng kiến tai ương khủng khiếp và biết là Đức Giêhôva cho phép xảy ra như vậy, ông muốn nói với chúng ta rằng Đức Chúa Trời tể trị ngay cả trên nghịch cảnh của chúng ta. Bởi sự tàn diệt kinh hoàng của nạn châu chấu có thể khiến dân sự nghĩ Đức Chúa Trời đã lìa bỏ họ, song Giôên tuyên bố là Đức Chúa Trời có hiện diện trong ngày ấy, nghĩa là rồi đây, trong ngày tai ương đó, “Ngày của Đức Giêhôva” có thể sẽ xảy ra vì cớ những người yêu kính Ngài và vì mục đích của Ngài (Rôma 8:18). Sự Giam Cầm Của Người Babylôn Một đàn châu chấu đông khủng khiếp, hoạt động chẳng khác nào đội quân đông đảo đang cùng nhau kéo đi hủy diệt tất cả mọi thứ chúng gặp trên đường tiến quân của mình. Giôên dùng hình ảnh sự tàn diệt hoàn toàn của “đội quân” châu chấu nhằm gây sự chú ý cho người Giuđa và sửa soạn họ; dân sự sắp phải nghe lời tiên tri về sự hủy diệt mà họ sẽ trải qua, đó là cuộc xâm lăng của đội quân Babylôn. Giôên viết: “Chúng nó (châu chấu) chạy như những người bạo mạnh; trèo các vách thành như những lính chiến; mỗi người bước đi trước mặt mình, chẳng hề sai hàng ngũ mình. Chúng nó chẳng hề đụng chạm nhau, ai đi đường nấy; xông qua những khí giới mà chẳng bỏ đường mình. Chúng nó nhảy trên thành phố, chạy trên tường, trèo lên các nhà, vào bởi các cửa sổ như là kẻ trộm” (2:7-9). Ngày Lễ Ngũ Tuần Sau khi Giôên tuyên bố ngày mà bầy châu chấu đông vô số kể kia xuất hiện chính là Ngày của Đức Giêhôva trong hiện tại, và ông cũng rao báo sự giam cầm của người Babylôn chính là Ngày của Đức Giêhôva trong tương lai, ông bắt đầu nói về một ngày khác nữa cũng là Ngày của Đức Giêhôva – Ngày Lễ Ngũ Tuần. Sau khi công bố lời tiên tri của Đức Chúa Trời, Giôên viết: “Sau đó, Ta sẽ đổ Thần Ta trên cả loài xác thịt; con trai và con gái các ngươi sẽ nói tiên tri; những người già cả các ngươi sẽ thấy chiêm bao, những kẻ trai trẻ các ngươi sẽ xem sự hiện thấy ” (2:28). Lời tiên tri nầy ít nhất cũng đã được ứng nghiệm phần nào trong Ngày Lễ Ngũ Tuần (Công vụ 2:1-4). Chúng ta đọc thấy rằng Đức Thánh Linh đã giáng xuống trên những người đang nhóm lại thờ phượng Chúa trong Ngày Lễ Ngũ Tuần. Bấy giờ người ta thấy những lưỡi lửa tách ra đậu trên đầu các sứ đồ, và nghe họ nói một thứ tiếng mà chỉ có những người biết được nhiều thứ tiếng mới có thể hiểu được. Và khi nghe “có tiếng từ trời đến như tiếng gió thổi ào ào”, họ hỏi Phierơ: “Việc nầy nghĩa là thế nào?”, ông đáp rằng: “Đó là điều mà đấng tiên tri Giôên đã nói” (Công vụ 2:16). Sự Tái Lâm Của Đức Chúa Jêsus Christ Xem xét kỹ chúng ta sẽ thấy qua lời tiên tri về Ngày Lễ Ngũ Tuần của Giôên, Đức Chúa Trời muốn cho chúng ta biết những gì sẽ xảy ra vào Ngày của Đức Giêhôva trong kỳ sau rốt, nhưng lại không xảy ra trong Ngày Lễ Ngũ Tuần: “Ta sẽ tỏ những sự lạ ra trong các từng trời và trên đất: tức là máu, lửa, và những trụ khói. Mặt trời sẽ đổi ra tối tăm, mặt trăng ra máu, trước khi ngày lớn và kinh khiếp của Đức Giêhôva chưa đến. Bấy giờ ai cầu khẩn danh Đức Giêhôva thì sẽ được cứu; vì theo lời Đức Giêhôva, thì ở trên núi Siôn và trong Giêrusalem, sẽ có những người trốn khỏi, và trong những người còn sống sót, sẽ có kẻ mà Đức Giêhôva kêu gọi”(2:30-32). Rõ ràng Giôên nói tiên tri về Ngày Lễ Ngũ Tuần, và nếu bạn nghiên cứu thật kỹ lời tiên tri của ông, bạn sẽ thấy ông cũng đang nói tiên tri về các biến cố khác nữa, song chưa được ứng nghiệm trong Ngày Lễ Ngũ Tuần. Một học giả nghiên cứu về các Tiểu Tiên Tri viết rằng lời tiên tri nầy của Giôên đã được ứng nghiệm trong Ngày Lễ Ngũ Tuần và cũng sẽ được Như tất cả các tiên tri khác, khi những lời tiên tri của Giôên về các biến cố như cuộc xâm chiếm của người Babylôn hoặc biến cố trong Ngày Lễ Ngũ Tuần, thảy đều được ứng nghiệm từng chữ, chúng ta rất được khích lệ là những lời tiên tri ông nói về ngày Đấng Christ Tái Lâm quả thật cũng sẽ được ứng nghiệm. Phierơ gọi Ngày của Đức Giêhôva trong tương lai là “Ngày Lớn Rất Kinh Khiếp”. Khi viết về ngày nầy, ông tập trung vào biến cố duy nhất trong những biến cố sẽ xảy ra vào ngày Đấng Christ tái lâm. Theo Phierơ, khi ngày ấy đến, thì “Các thể chất bị đốt mà tiêu tán, đất cùng mọi công trình trên nó đều sẽ bị đốt cháy cả” (IIPhierơ 3). Ứng Dụng Cá Nhân Giôên không chỉ rao giảng về ngày của Đức Giêhôva trong hiện tại và về ngày của Ngài trong tương lai. Ông còn khích lệ chúng ta là con dân Chúa hãy nói cho các hậu tự, con cái và các thế hệ tương lai của chúng ta biết về ngày của Đức Giêhôva (Giôên 1:2-3). Ông cũng khuyến khích chúng ta phải nhận biết rằng mỗi ngày của chúng ta trôi qua – trong quá khứ, hiện tại và tương lai sẽ được xem như là ngày của Đức Giêhôva vậy. Khi nhớ lại những việc tốt lành mà Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta trong thời gian qua, thì chúng ta ắt sẽ thêm lòng tin cậy nơi Chúa trong hoàn cảnh hiện tại của mình (Rôma 8:28). Tại sao Đức Chúa Trời muốn chúng ta biết về Ngày Lớn đầy kinh khiếp của Ngài trong tương lai? Để chúng ta cần phải suy nghĩ về cách ăn nết ở của mình. Hãy lắng nghe sự ứng dụng cá nhân của Phierơ khi ông nói cho chúng ta biết về Ngày của Đức Giêhôva trong tương lai: “Vậy nên, hỡi kẻ rất yêu dấu, vì anh em trông đợi những sự đó, thì phải làm hết sức mình, hầu cho Chúa thấy anh em ở bình an, không dấu vít, chẳng chỗ trách được. Lại phải nhìn biết rằng sự nhịn nhục lâu dài của Chúa chúng ta cốt vì cứu chuộc anh em” (IIPhierơ 3:14-15a). Khi hướng về Ngày của Chúa sắp đến, chúng ta sẽ thấy Giôên và tất cả các tiên tri đều đưa ra những ứng dụng cá nhân tương tự với ứng dụng mà Phierơ đã thách thức mọi môn đệ của Đấng Christ. Chương 3: TIÊN TRI AMỐT Amốt là người sống bằng nghề hái trái vả và chăn chiên, sống ở một thị trấn nhỏ tên là Thêcôa, cách Giêrusalem mười hai dặm về hướng Nam. Năm mươi năm trước khi Vương quốc phía Bắc bị Asyri bắt làm phu tù, Đức Chúa Trời kêu gọi ông từ Vương quốc phía Nam đi đến nói tiên tri nghịch cùng Vương quốc phía Bắc. Chúng ta được biết Amốt đã truyền giáo trong thời trị vì của vua Ôxia ở Vương quốc phía Nam, là thời kỳ thịnh vượng, hùng cường cả về quân đội lẫn kinh tế của dân Giuđa. Họ cho rằng chẳng có kẻ thù nào dám xuất hiện hoặc bén mảng tới đe dọa họ. Thế nhưng lời tiên tri Amốt lại nghịch cùng dân Giuđa ngay trong thời kỳ phồn thịnh nầy, cũng giống như ở Vương quốc phía Bắc của Ysơraên. Sự Phán Xét Của Đức Chúa Trời Sắp Đến Amốt bắt đầu nói tiên tri bằng những lời mà các công dân Vương quốc phía Nam rất muốn nghe – ông bảo với họ rằng Đức Chúa Trời sẽ đoán phạt kẻ thù nghịch họ (1:3-2:3). Khi ông gọi đích danh các dân tộc thù nghịch đó và báo trước sự phán xét sẽ giáng trên họ, thì những người đang nghe ông rao giảng sứ điệp ấy rất hài lòng Ắt hẳn họ thích nghe về cách Đức Chúa Trời sẽ trừng phạt những kẻ mà họ thù ghét. Thế rồi một lần nọ, khi họ đang bị các bài giảng của Amốt thu hút, thì ông báo cho họ một tin xấu: Giuđa và Ysơraên cũng sẽ bị đoán xét (2:4-8). Ông cáo trách Giuđa đã chối bỏ luật pháp của Đức Giêhôva và không tuân giữ các mạng lịnh Ngài. Ông cũng lên án Ysơraên về sự tham lam, vô đạo đức với một xã hội đầy dẫy bất công làm ô danh Đức Giêhôva. Amốt tiếp tục nói tiên tri nghịch cùng Ysơraên bằng việc tiên đoán họ sẽ bị Asyri giam cầm: “Người lẹ làng sẽ không thể trốn được; người mạnh mẽ sẽ không bổ sức cho mình nữa,và người bạo dạn sẽ chẳng cứu được mạng sống mình.Kẻ giương cung sẽ chẳng đứng vững được; kẻ có chân lẹ làng sẽ chẳng lánh khỏi được; người cỡi ngựa sẽ không thể cứu mình; và kẻ bạo gan trong những người mạnh mẽ sẽ ở trần mà trốn trong ngày đó, Đức Giêhôva phán vậy”(2:14-16). Vương quốc phía Bắc đã cười nhạo, chế giễu khi nghe sứ điệp nầy, vì họ đang sống trong thời thịnh trị, với đội quân tinh nhuệ xuất sắc như Amốt mô tả sơ lược trong bài giảng nầy.Thế nhưng, trong vòng năm mươi năm sau đó, Vương quốc phía Bắc của Ysơraên đã bị quân đội Asyri đánh bại và tất cả dân chúng đều bị bắt làm phu tù. Đức Chúa Trời muốn ngăn chặn đạo quân Asyri bằng cách ban cho Ysơraên nhiều cơ hội ăn năn (4:6-13). Ngài khiến họ bị đói kém, hạn hán, Ngài sai gió nóng thổi lên và cho phép ôn dịch sâu lúa tràn lan, dầu vậy, như Ngài đã nói về họ qua tiên tri nầy: “…các ngươi vẫn không trở lại cùng Ta!”(4:8-11). Bởi vì Ysơraên không lưu tâm đến lời kêu gọi ăn năn của Đức Chúa Trời, nên Amốt công bố sự đoán phạt, sự đoán phạt nầy có thể là vĩnh cửu – Ysơraên sẽ không bao giờ được trở về xứ mà họ từng bị quân Asyri bắt đi lưu đày. Amốt báo trước sự đoán phạt của Đức Chúa Trời qua sự rao giảng về năm khải tượng mà Ngài tỏ cho ông. Sự đoán phạt nầy được phác họa trong hai khải tượng đầu, một khải tượng được mô tả là tai họa cào cào và khải tượng kia là ngọn lửa thiêu đốt đã được dập tắt khi Amốt nài xin sự thương xót của Đức Chúa Trời (7:1-6). Khải tượng thứ ba là một dây thước đo chuẩn mực dùng để đo đường thẳng của bức tường, cho thấy lý do tại sao Đức Chúa Trời nổi giận – dân sự Ngài thiếu sự “ngay thẳng”, không tuân theo các mạng lịnh Ngài, họ là những người “quanh co”, hay chối bỏ luật lệ của Ngài và chọc giận Ngài. Khải tượng thứ tư là một giỏ trái cây chín muồi, cho thấy sự đoán phạt theo dự định đã quá kỳ hạn, và sự đoán phạt của Đức Chúa Trời nghịch cùng họ được tiên đoán trong khải tượng thứ năm. Ngài đứng ngay tại bàn thờ và phán rằng: “Ta thấy Chúa đứng gần bàn thờ và phán rằng: Hãy đánh các đầu cột, hầu cho những ngạch cửa bị rúng động; hãy đập bể ra trên đầu hết thảy chúng nó! Kẻ nào sót lại trong chúng nó thì Ta sẽ giết bằng gươm, không một người nào trốn được, không một người nào lánh khỏi”(9:1). Trong khải tượng nầy, Đức Chúa Trời cho thấy sự đoán phạt của Ngài giáng trên Ysơraên đã đến kỳ cuối cùng. Không ai có thể thoát được, và không kẻ nào có thể được miễn xá cả. Vả lại, sự trừng phạt của Đức Chúa Trời sắp xảy đến. Đời Sống Thuộc Linh Thuận Lợi, Trách Nhiệm Càng Gia Tăng Amốt không cho rằng Giuđa hoặc Ysơraên sẽ thoát khỏi sự phán xét của Đức Chúa Trời giáng trên họ. Thay vào đó, ông cho biết là họ phải chịu sự phán xét thậm chí còn nghiêm khắc hơn các dân tộc ngoại giáo. Tội lỗi của họ càng nghiêm trọng hơn, bởi vì họ có điều kiện thuộc linh thuận lợi, cùng với kiến thức về Lời Đức Chúa Trời, tuy nhiên, họ lại không tuân giữ các luật thánh và mạng lịnh Ngài. Theo Amốt, trách nhiệm thuộc linh được tính tỷ lệ thuận với điều kiện thuận lợi trong đời sống thuộc linh, và điều kiện thuộc linh thuận lợi sẽ tác động mạnh mẽ trên cách sống chúng ta. Làm theo điều chúng ta biết còn quan trọng hơn nhiều so với điều chúng ta biết. Chúng ta cần được nhắc nhở rằng sống theo sự hiểu biết còn quan trọng hơn là tích lũy thêm sự hiểu biết. Trong khi người thế gian luôn cho rằng chỉ có sự hiểu biết mới có đạo đức, thì các tiên tri lại rao giảng là khi ứng dụng sự hiểu biết cách khôn ngoan thì mới khiến cho con người có Lời Hứa về Sự Phục Hưng Giống như các nhà tiên tri khác, Amốt rao giảng về sự phục hưng cuối cùng của dân Ysơraên: “Trong ngày đó, Ta sẽ dựng lại nhà tạm của Đavít, là nhà đã đổ, và tu bổ lại những chỗ rách nát của nó. Ta sẽ dựng lại những nơi đổ nát và xây nó lại như ngày xưa; đến nỗi chúng nó sẽ thâu được những dân sót của Êđôm và hết thảy các nước được xưng bởi danh Ta, Đức Giêhôva là Đấng làm trọn mọi điều ấy phán vậy”(9:11-12). Lời tiên tri nầy nói dân Ysơraên sẽ quay trở về thờ phượng Đức Chúa Trời. Sự phục hưng thuộc linh nầy chưa xảy ra. Chúng ta thấy người Do Thái sau khi bị tản lạc khắp đất, nay đã Chương 4:TIÊN TRI ÁPĐIA “Nầy Ta đã khiến ngươi làm nhỏ giữa các nước. Ngươi bị khinh dể lắm. Hỡi ngươi là kẻ ở trong khe vầng đá, trong nơi cao, ngươi nói trong lòng mình rằng: Ai sẽ có thể xô ta xuống đất? Sự kiêu ngạo của lòng ngươi đã lừa dối ngươi. Dầu ngươi lên cao như chim ưng, dầu ngươi lót ổ giữa các ngôi sao, Ta cũng sẽ xô ngươi xuống khỏi đó, Đức Giêhôva phán vậy!” (Ápđia 1:2-4). Sách tiên tri Ápđia bắt đầu như vậy. Ápđia đang muốn nói điều gì khi ông đề cập đến những con người kiêu ngạo, sống trong những nơi cao, bốn bề vách đá và nghĩ rằng không ai có thể xô họ ngã xuống khỏi sào huyệt của mình được. Có một số người nói sách nầy cảnh cáo những ai đang sống ở thế kỷ hai mươi mốt hiện nay nhưng lại muốn đi thám hiểm, khám phá sự sống trên các hành tinh khác. Những thế hệ trước đây, các câu Kinh Thánh nầy được hiểu và áp dụng như là Đức Chúa Trời không muốn chúng ta sống trong những tòa nhà cao tầng. Trong thế kỷ hai mươi mốt, một số người giải thích câu nầy theo nghĩa: “Nếu chúng ta lên mặt kiêu ngạo về khoa học kỹ thuật, cố tình lên sống trên các hành tinh khác trong không gian, thì Đức Chúa Trời sẽ đánh hạ và xô chúng ta xuống đất trở lại”. Ápđia không viết về những tòa nhà cao tầng hoặc ngoài không gian. Ông đang nóng cháy bởi cơn giận thánh, và gởi sách ngắn nhất trong các sách tiên tri nầy tới một dân tộc thù địch, thường làm những việc khủng khiếp, tồi tệ chống lại dân Giuđa khi Giêrusalem bị sụp đổ dưới tay người Babylôn. Êđôm Bị Đoán Phạt Đức Chúa Trời phán truyền qua Ápđia rằng Ngài sẽ đoán phạt một dân tộc có tên là “Êđôm”. Dân tộc nầy từng sống ở một nơi nổi tiếng mà ngày nay bạn có thể đến thăm là “Thành phố hoa hồng đỏ của Petra” nằm ở xứ Giôđanh. Những vách đá đỏ, cùng với khoảng không gian rộng lớn được dựng bởi hai vách đá ở hai bên cao chừng 700 feet (213m) khiến cho bạn có cảm giác như đang cỡi trên lưng ngựa đi vào một hẻm núi lớn. Khoảng không gian nầy xưa kia là thành phố, nơi cư trú của dân tộc mà Ápđia đang đề cập. Dân nầy thường bất ngờ tấn công và cướp bóc các thành phố thù địch, hoặc những đoàn lái buôn giàu có, sau đó họ sẽ leo lên những chiếc thang dây rồi trốn vào các khe đá trên cao, là nơi trú ẩn của họ, tránh xa sự truy đuổi của kẻ thù. Với nơi ẩn núp nầy, họ tưởng rằng mình sẽ được an toàn. Đó là lý do tại sao Ápđia viết: “Hỡi ngươi là kẻ ở trong khe vầng đá,trong nơi cao, ngươi nói trong lòng mình rằng: Ai sẽ có thể xô ta xuống đất? Sự kiêu ngạo của lòng ngươi đã lừa dối ngươi”(3). Dân tộc nầy chính xác là ai? Họ là những hậu duệ của Êsau – anh của Giacốp. Sách Sáng thế ký cho chúng ta biết Giacốp và Êsau là hai anh em sinh đôi, nhưng họ có nguyên tắc và cách sống khác hẳn nhau. Trong khi Giacốp là người ranh mãnh nhưng thuộc linh, còn Êsau vừa là người trần tục lại không tin kính, mẫu người mà ngày nay chúng ta gọi là “người đời”. Hình ảnh nầy được phác họa đầy ngụ ý trong sách Sáng thế ký, khi Êsau bán quyền trưởng nam cho Giacốp chỉ để lấy một tô canh. Trong khi hậu duệ của Giacốp mang tên ông (Ysơraên) và trở thành dân Do Thái, thì Êsau là tổ phụ của dân Êđôm, kẻ thù lâu đời của dân Do Thái. Dân Êđôm rất căm ghét và thường xuyên tìm cơ hội liên minh với các dân tộc khác hòng tiêu diệt dân Do Thái. Ápđia viết lời tiên tri rất ngắn, tiên đoán về sự sụp đổ của Êđôm, một sự sụp đổ được xem như là hậu quả trực tiếp do họ thù ghét và ngược đãi người Do Thái. Ápđia đưa ra tám lời buộc tội rất cụ thể nghịch cùng Êđôm. Chúng ta nghe tám lần ông buộc tội: “Ngươi chớ!” (có nghĩa là dân Êđôm thật sự đã làm những điều nầy). “Ôi! Chớ nhìn xem ngày của anh em ngươi, là ngày tai nạn của nó; chớ vui mừng trong ngày hủy diệt của con cái Giuđa; cũng đừng nói cách khoe khoang trong ngày nó bị khốn khổ. Chớ vào cửa thành dân Ta, đang ngày nó bị họa; chớ nhìn xem tai nạn nó, đang ngày nó bị khốn khó! Chớ vồ lấy của cải nó, đang ngày nó bị họa hoạn. Chớ đứng nơi ngã ba đường đặng diệt những kẻ trốn tránh của nó, và chớ nộp những kẻ sống sót sau cùng của nó trong ngày nguy nan, vì ngày của Đức Giêhôva đã gần trên hết thảy các nước”(12-15a). Nhiều học giả cho rằng Ápđia lên án Êđôm về cách cư xử của họ trong thời kỳ Giêrusalem bị sụp đổ dưới triều vua Sêđêkia. Khi thành phố bị san bằng thành bình địa và dân Giuđa người thì bị tàn sát, kẻ thì bị lưu đày sang Babylôn. Dân Êđôm đã giúp đỡ quân Babylôn trong thời gian chúng vây hãm Giêrusalem, và họ còn hùa theo tham gia cướp phá thành phố.Khi dân Do Thái chạy trốn khỏi tai ách gươm đao nầy, thì dân Êđôm đuổi theo bắt giữ, rồi đem nộp cho quân Babylôn. Từ sự lên án dân Êđôm, Ápđia quay trở lại cùng với các tiên tri khác rao giảng về Ngày của Đức Giêhôva. Ông nói cùng dân Êđôm: “Vì ngày của Đức Giêhôva đã gần trên hết thảy các nước: Bấy giờ người Ta sẽ làm cho ngươi như chính mình ngươi đã làm; những việc làm của ngươi sẽ đổ lại trên đầu ngươi!”(15). Ngày ông tiên đoán được ứng nghiệm, dân tộc Êđôm sẽ bị tuyệt diệt hoàn toàn. Thậm chí ông còn tiên đoán chính xác cả những phương cách mà Đức Chúa Trời sẽ dùng để hủy diệt họ. Các nước đồng minh sẽ quay lại chống nghịch họ, và đất nước Êđôm sẽ không còn sót lại gì: “Nhà Giacốp sẽ là lửa, và nhà Giôsép sẽ là ngọn lửa; nhà Êsau sẽ là đống rơm, mà chúng nó sẽ đốt và thiêu đi. Nhà Êsau sẽ không còn sót chi hết; vì Đức Giêhôva đã phán vậy”(18). Lời tiên tri nầy đã được ứng nghiệm theo nghĩa đen đến từng chữ. Nước Êđôm hoàn toàn biến mất khỏi trang lịch sử nhân loại, khi nó bị người La mã tiêu diệt hoàn toàn vào năm 70 SC. Ứng Dụng Cá Nhân Xuyên suốt Kinh Thánh, chúng ta thấy người có đời sống tin kính luôn tương phản với người vô tín (Thi Thiên 1; Mathiơ 7:13-27; ICôrinhtô 2:14-16). Nếu chúng ta quen thuộc với câu chuyện Giacốp và Êsau trong sách Sáng thế ký, và qua lời diễn giải của Sứ đồ Phaolô, thì chúng ta sẽ không khó khăn gì để nhận ra rằng lời tiên tri ngắn ngủi nầy của Ápđia còn phản chiếu cho chúng ta thấy hình ảnh về đời sống của một người thuộc linh, người xác thịt, và người tự nhiên (Sáng thế ký 25:29-34; 27; Rôma 9:10-11). Cuộc đời Giacốp là tấm gương của một người thuộc linh bởi vì ông luôn sốt sắng, hết lòng tìm cầu Đức Chúa Trời và các giá trị thuộc linh cùng các ơn phước từ Ngài. Chúng ta nhận được bài học trong Sáng thế ký qua sự kiện Giacốp “vật lộn” cùng Đức Chúa Trời, tên ông được đổi thành Ysơraên: “Người lại nói: tên ngươi sẽ chẳng là Giacốp nữa, nhưng tên là Ysơraên, vì ngươi đã có vật lộn cùng Đức Chúa Trời và người ta; ngươi đều được thắng” (Sáng thế ký 32:28). Bên cạnh đó, Êsau là hình ảnh về người tự nhiên, xác thịt. Qua việc bán quyền trưởng nam của mình (quyền thừa kế của người con trai trưởng) để lấy một tô canh, Êsau cho chúng ta thấy ông là người thiếu chín chắn, sai lầm trong việc chọn lấy quyền ưu tiên thuộc linh cho mình. Chúng ta không ngạc nhiên khi thấy nguyên tắc và lối sống của “Êsau” đã dẫn đến “Êđôm” – một dân tộc luôn thù địch, chống nghịch lại những người sống theo mục đích và giá trị thuộc linh của Đức Chúa trời. Chúng ta được biết Giacốp và Êsau lần đầu khi họ còn nằm trong bụng mẹ, bà Rêbeca. Theo nghĩa bóng, có một sự liên hệ cá nhân trong vấn đề nầy, đó là bản tánh của Êsau và Gia cốp đều tồn tại trong mỗi người chúng ta ngày nay. Phaolô phác họa hai bản tánh nầy thật rõ nét trong thư tín gởi cho người Galati. Ông viết rằng Đức Thánh Linh và xác thịt luôn tranh chiến vì hai bên trái nghịch nhau. Khi Phaolô dùng từ “xác thịt”, ý ông muốn nói đến “bản chất con người tự nhiên của chúng ta, không có sự nhờ cậy Đức Chúa Trời”. Đức Thánh Linh ban cho chúng ta năng lực để trở nên thuộc linh như Giacốp, khi Đức Thánh Linh ngự vào đời sống chúng ta thì bản chất con người xác thịt, tự nhiên của chúng ta sẽ bị đánh bật ra. Ngài là Đấng có quyền khiến chúng ta trở nên thuộc linh là yếu tố được thêm vào bản tính xác thịt vốn có của chúng ta. Điều nầy đưa đến cho chúng ta hai bản chất vừa đề cập ở trên (Giacốp và Êsau). Lời tiên tri mạnh mẽ của Ápđia thách thức chúng ta câu hỏi nầy: Chúng ta sẽ nuôi dưỡng bản chất nào? Chương 5:TIÊN TRI GIÔNA Sách Giôna kể cho chúng ta về một nhà tiên tri được Đức Chúa Trời kêu gọi để rao giảng về sự ăn năn và cứu rỗi cho kẻ thù của ông. Ông hiểu rõ bản tính của Đức Chúa Trời, nếu ông đáp lại sự kêu gọi của Ngài thì kẻ thù sẽ được cứu. Chính sự hiểu biết về tình yêu thương vô điều kiện của Đức Chúa Trời khiến ông quyết định không đến thành Ninive, và vì không muốn đến đó nên ông cũng không đến cùng Đức Chúa Trời. Thay vào đó, ông cố tình lánh mặt Ngài và lên tàu không chỉ đi về hướng ngược lại mà còn đến một hải cảng thật xa, cũng như những người cùng thời với ông, khi muốn rời xa khỏi thành Ninive thì họ cũng sẽ đi theo hướng đó (1:3; 4:2-3). Thành Ninive là thủ phủ của kẻ thù tàn ác nhất của dân Do Thái cổ đại. Sự tàn bạo của Asyri trong lịch sử cổ đại không gì ví sánh bằng. Giôna hoặc các thành viên trong gia đình ông có thể là nạn nhân của sự hung ác nầy. Có lẽ ông có nhiều lý do rất hợp lý để nói lên lòng căm thù của mình với những người đang sống trong thành Ninive. Để có cái nhìn dưới góc độ lịch sử, chúng ta hãy hình dung Đức Chúa Trời giao phó nhiệm mạng cho một người Do Thái vào đầu thập niên 1940. Hãy đi đến Berlin của Đức, nơi mà cái chết của từng người Do Thái đang chực chờ sẵn để rao giảng sự đoán phạt của Đức Chúa Trời sẽ giáng trên thành phố đó, nếu như dân thành ấy không chịu ăn năn tội lỗi mình. Vậy liệu người Do Thái kia có trốn chạy khỏi trách nhiệm được giao hay không? Giôna Không Đi Và Cũng Không Đến (Chương 1) Các nhà tiên tri trong Cựu ước và hết thảy những người tin kính thường có một điểm chung trong sự tương giao với Đức Chúa Trời. Tôi đã đề cập cách thức nầy khi chúng ta tìm hiểu chức vụ của tiên tri Êsai. Họ có nhiều kinh nghiệm thật ý nghĩa khi đến với Đức Chúa Trời, và cũng có kinh nghiệm kết quả khi ra đi cho Ngài. Câu chuyện về Đức Chúa Trời của Giôna cho chúng ta thấy cách thức nầy hoàn toàn đảo ngược. Vì Giôna cố tình trốn khỏi Đức Chúa Trời, nên khi lên tàu, ông nằm dưới lòng tàu và ngủ mê (1:5). Chúng ta thấy Đức Giêhôva khiến nổi lên một cơn bão thật khủng khiếp, suýt đánh chìm tàu. Trong khi các thủy thủ trên tàu kinh hãi, kêu cầu các thần của họ thì Giôna vẫn cứ ngủ, vẫn cố sức lẫn tránh những nan đề của mình bằng cách chìm vào trong giấc ngủ.Giôna cố tình lánh khỏi Ninive, lánh mặt Đức Chúa Trời và trốn tránh các nan đề của mình. Khi chủ tàu chất vấn Giôna tại sao ông vẫn ngủ giữa lúc bão tố như thế, Giôna thừa nhận rằng Đức Chúa Trời của ông là Đấng sáng tạo biển cả, và Ngài đang nổi giận với ông.Ngài sai cơn bão tới vì Ngài giao phó trọng trách cho ông hãy đi đến Ninive nhưng ông đã từ chối (1:9-10). Giôna còn bảo với người chủ tàu rằng chỉ có một cách làm nguôi cơn giận của Đức Chúa Trời là ném ông xuống biển, cuối cùng các thủy thủ miễn cưỡng làm theo như vậy (1:15). Ngay tức khắc, biển đang gầm thét liền trở nên yên lặng. Sự việc biển trở nên yên lặng khiến cho các thủy thủ ngoại đạo trên tàu tin nhận Chúa. Ngay cả khi Giôna trốn chạy, lánh mặt Đức Chúa Trời và lẫn tránh công việc Ngài giao phó,thì Ngài vẫn dùng ông để đem niềm tin đến cho các thủy thủ trên tàu. Chúng ta hãy đọc trong Giôna 1:16: “Vì vậy mà những người ấy rất kính sợ Đức Giêhôva. Họ dâng của lễ cho Đức Giêhôva, và hứa nguyện cùng Ngài”. Chúng ta thấy Đức Chúa Trời cũng chuẩn bị sẵn một con cá lớn đặng nuốt Giôna. Ông nằm trong bụng cá suốt ba ngày đêm. Giôna không hề bảo con cá lớn nầy là cá voi. Con cá lớn nầy chính là sự sắm sẵn lạ lùng của Đức Chúa Trời, được Ngài chuẩn bị một cách siêu nhiên cho vị tiên tri có tâm tính nổi loạn nầy. Giôna Đến Cùng Đức Chúa Trời (Chương 2) Sách Giôna cho chúng ta một nhận thức rằng ngay cả Đức Chúa Trời cũng không bao giờ ép buộc chúng ta phải làm bất cứ việc gì – Ngài để cho chúng ta có ý chí tự do trong những quyết định trước mắt – Ngài sẽ chiều theo ý chúng ta theo như hoàn cảnh của chúng ta, cho đến khi chúng ta nhận biết rằng chỉ ý muốn của Đức Chúa Trời là điều hợp lý và chúng ta cần phải thực hiện. Bạn có thể viết đè lên trên chương một của tiên tri nầy những từ: “Tôi sẽ không!” Nhưng bạn có thể viết đè lên trên chương hai những từ: “Tôi sẽ!” Phải mất ba ngày trong bụng cá, Giôna mới ăn năn về việc tránh né lời kêu gọi của Đức Chúa Trời. Ăn năn có nghĩa là “nghĩ lại” hoặc “có sự thay đổi trong tâm trí, tấm lòng, ý muốn và hướng đi”. Điểm quan trọng của chương hai là Giôna ăn năn trong bụng cá. Giôna đã cầu nguyện trong bụng cá. Ông nhớ lại từng Lời Kinh Thánh mà ông có thể nhớ được trong nơi khủng khiếp nầy. Trong lời cầu nguyện của mình, ông trích dẫn hoặc đề cập đến hơn sáu mươi câu Kinh Thánh từ sách Gióp, Ca thương, ISamuên, Giêrêmi, ICácvua, và nhiều câu trong Thi thiên. Điều nầy có nghĩa là tâm trí ông chứa đầy Lời Đức Chúa Trời, và ông đang hát lên những bài Thánh ca mà ông có thể nhớ được giữa lúc ông đang ở trong bụng cá. Điều quan trọng của lời cầu nguyện dựa trên nền tảng Kinh Thánh nầy là sự ăn năn của Giôna. Ông đi từ câu “Tôi sẽ không” đến câu “Tôi sẽ” ba lần. Ông thưa với Đức Chúa Trời:“Tôi sẽ lại còn nhìn lên Đền Thánh của Ngài”(2:5b), “Tôi sẽ dùng tiếng cảm tạ mà dâng của lễ cho Ngài”(2:10a), và “Tôi sẽ trả sự tôi đã hứa nguyện”(2:10b). Kết quả ăn năn của Giôna là: “Đức Giêhôva bèn phán cùng con cá, và nó mửa Giôna ra trên đất khô” (2:11). Giôna Ra Đi Cho Đức Chúa Trời (Chương 3) Bước vào chương ba, chúng ta đọc: “Lại có lời Đức Giêhôva phán cùng Giôna lần thứ hai mà rằng”(3:1). Bên cạnh sự kiên nhẫn của Đức Chúa Trời, Giôna còn nghe cả lời kêu gọi lần thứ hai của Ngài lời kêu gọi giống như lần trước: “Ngươi khá chờ dậy! Hãy đi đến thành lớn Ninive, và rao cho nó lời Ta đã dạy cho ngươi (3:2). Lần nầy, thay vì trốn chạy, Giôna đã vâng theo tiếng gọi và đi đến thành Ninive. Ông lớn tiếng rao giảng sứ điệp đoán phạt của Đức Chúa Trời rằng: “Còn bốn mươi ngày nữa,Ninive sẽ bị đổ xuống!”(3:4b). Hết thảy cả thành – ngay cả nhà vua đều ăn năn quy đạo và tin nhận Đức Chúa Trời (3:6). Bởi vì cả thành đều hối cải, xưng nhận tội lỗi mình cho nên “Đức Chúa Trời bèn ăn năn sự họa mà Ngài đã phán sẽ làm cho họ, và Ngài không làm sự đó”(3:10b). Cuối cùng, khi Giôna nói “Tôi sẽ”, thì kết quả là một chiến dịch truyền giảng Tin Lành lớn nhất trong lịch sử của Đức Chúa Trời và loài người. Giôna Đến Và Ra Đi Cho Đức Chúa Trời (Chương 4) Trọng tâm sứ điệp của sách Giôna nằm trong chương cuối. Nội dung phần nầy cho chúng ta thấy cách Giôna đáp lại sự ăn năn của dân thành Ninive ra sao. Chúng ta nghĩ rằng Giôna là một tiên tri của Đức Chúa Trời thì chắc ông sẽ hết sức vui mừng khi thấy toàn bộ thành Ninive đều trở lại tin nhận Ngài. Thế nhưng, ông lại không vui. Thực tế lúc ấy ông rất giận dữ,ông chỉ muốn chết còn hơn là nhìn thấy Đức Chúa Trời cứu vớt thành Ninive – và ông đã nói thẳng điều đó với Ngài! Thay vì ngợi khen Đức Chúa Trời, ông lại thưa với Ngài: “Hỡi Đức Giêhôva, tôi cầu xin Ngài, ấy há chẳng phải là điều tôi đã nói khi tôi còn ở trong xứ tôi sao? Vì đó nên tôi lật đật trốn qua Tarêsi vậy. Bởi tôi biết rằng Ngài là Đức Chúa Trời nhân từ,thương xót, chậm giận, giàu ơn, và đổi ý không xuống tai vạ. Hỡi Đức Giêhôva, vậy bây giờ, tôi nài xin Ngài hãy cất sự sống tôi; vì về phần tôi, chết còn hơn sống!”(4:2-3). Nói cách khác: “Tôi chỉ muốn chết còn hơn là nhìn thấy Chúa cứu những người nầy!” Nhà Tiên Tri Có Thành Kiến Có điều gì đó bất ổn với Giôna chăng? Lời giải đáp cho câu hỏi nầy là vì Giôna ghét dân thành Ninive và có thành kiến với họ, nên ông không thể đáp lại bằng sự ngợi khen Đức Chúa Trời về phép lạ mà ông đã thấy tại kinh đô của đế quốc Asyri. Ông từng thú nhận thành kiến nầy của mình ngay từ đầu chương bốn. Ông lẫn tránh Đức Chúa Trời và công việc được giao, vì ông biết Ngài là Đấng yêu thương, nên Ngài sẽ cứu thành Ninive nếu như ông vâng lời Ngài đi đến đó rao giảng. Đáp lại sự giận dữ của Giôna, Đức Chúa Trời đã dạy cho ông một bài học rất thực tế. Trong khi ông chỉ muốn thỏa mãn tâm trạng của mình, và đang giận dỗi vì Đức Chúa Trời cứu kẻ thù nghịch của ông, thì ông dựng lên một căn chòi nhỏ trên một ngọn đồi để quan sát thành Ninive. Ông vẫn tin, hoặc ít nhất là có một tia hy vọng rằng Đức Chúa Trời sẽ hủy diệt thành phố gian ác nầy. Mặt trời nóng rực lên như đang thiêu đốt Giôna. Ngay lúc ấy, Đức Chúa Trời khiến mọc lên một dây leo có lá to phủ lên mái chòi, che cho Giôna khỏi bị nắng nóng. Ông cảm thấy dễ chịu và hài lòng lắm. Nhưng sau đó, Chúa sai một con sâu đến ăn rễ cây làm cho cây chết và lá bị héo, ngay lập tức, Giôna lại nổi giận. Đức Chúa Trời bèn phán cùng ông: “Ngươi đoái tiếc một dây mà ngươi chưa hề khó nhọc vì nó, ngươi không làm cho nó mọc, một đêm thấy nó sanh ra và một đêm thấy nó chết. Còn Ta, há không đoái tiếc thành lớn Ninive, trong đó có hơn mười hai vạn người không biết phân biệt tay hữu và tay tả, lại với một số thú vật rất nhiều hay sao?” (4:1011). Các học giả cho Sự Ngăn Trở Có lẽ bạn còn nhớ cách tôi đến với những vị tiên tri nầy, tôi đã từng chia sẻ với bạn rằng một trong những chức năng của nhà tiên tri là tháo gỡ những chướng ngại đang ngăn trở công việc Đức Chúa Trời trên đất. Trong sách Giôna, vấn đề trở ngại đang ngăn trở công việc lạ lùng mà Đức Chúa Trời muốn thực hiện tại Ninive chính là sự thành kiến của tiên tri Giôna. Ứng Dụng Cá Nhân Bạn có nhìn thấy chính mình trong câu chuyện nầy không? Bạn có đang trốn chạy khỏi sự kêu gọi mà Đức Chúa Trời đặt trên đời sống bạn không? Đức Chúa Trời đã cho xảy ra điều gì để bạn bằng lòng vâng theo Lời Ngài? Hãy học tập từ cuộc đời của tiên tri Giôna vị tiên tri không muốn đi đến thành Ninive và cũng không muốn đến cùng Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời thường dùng hoàn cảnh để dẫn chúng ta vào trong ý muốn của Ngài vì cớ cuộc sống chúng ta, mặc dầu đôi khi chúng ta không sẵn lòng bước theo Ngài. Hãy quan sát Khía cạnh sống động nhất của tiểu tiên tri có tác động mạnh mẽ tập trung ở chỗ khi chúng ta biết chính Giôna là người viết cuốn sách nầy, cuốn sách rất trung thực khi nói về ông như là một người dại dột. Giôna đang viết chương quan trọng về cuộc đời và chức vụ của mình là một tiên tri của Đức Chúa Trời. Ông đang nói với chúng ta một cách khiêm tốn, việc ông đã học tập được gì ở thành Ninive về tình yêu vô điều kiện của Đức Chúa Trời dành cho những kẻ tội lỗi, gian ác – và thành kiến trong lòng ông đã ngăn trở việc bày tỏ tình yêu ấy ra sao. Giôna đang chia sẻ về sự ăn năn thật của một tiên tri chân thật trong quyển sách ngắn ngủi mang tên ông. Về cơ bản, ông thú nhận: “Tôi không có tình yêu thương thật khi đến thành Ninive, nhưng Đức Chúa Trời có, và Ngài ở với tôi. Tôi không thể nào yêu được những người độc ác ở Ninive, nhưng Đức Chúa Trời yêu họ, và Ngài ở với tôi.Tôi không thể yêu thương dân thành Ninive, nhưng Đức Chúa Trời yêu thương họ qua tôi, bởi vì Ngài ở với tôi ”. Có phải Đức Chúa Trời muốn qua bạn để yêu những tội nhân là những người vô thần, sống không có tình yêu thương, nhưng sự thành kiến và lòng ghen ghét của bạn với họ đã ngăn trở tình yêu và sự cứu rỗi mà Ngài muốn chia sẻ với họ không? Bạn có thể nhìn thấy chính mình trong lời xưng tội thành thật và thẳng thắn của một tiên tri rất đỗi có thành kiến không? Chương 6: TIÊN TRI MICHÊ Sách Michê ký thuật ba bài giảng lớn của tiên tri Michê. Ông sinh ra và lớn lên tại một thôn trang, nhưng ông được Đức Chúa Trời kêu gọi rao giảng tại thủ đô Samari và Giêrusalem, ông công bố Lời Đức Chúa Trời cho các nhà lãnh đạo tôn giáo và chính trị ở cả hai thủ đô của Vương quốc Ysơraên phía Bắc và Vương quốc Giuđa phía Nam. Ông cùng với nhiều nhà tiên tri khác lên tiếng cáo trách sự suy đồi về đạo đức lẫn tâm linh của những người được Đức Chúa Trời lập lên để lãnh đạo tôn giáo và chính trị tại cả hai Vương quốc nầy. Bài Giảng Thứ Nhất Của Michê (1: 3-5) Đây là bài giảng thứ nhất trong số ba bài giảng của Michê nhằm gởi cho mọi dân tộc trên đất và mời gọi họ đến xem “ngọn roi” giáng trên hai Vương quốc phía Bắc và phía Nam của Ysơraên và Giuđa. Bởi vì dân sự Đức Chúa Trời từ chối đi theo đường lối Ngài, nên Ngài dự định sửa trị họ: “Nầy, Ta toan tính nghịch cùng họ hàng nầy một tai vạ mà các ngươi không thể thoát khỏi cổ, và các ngươi sẽ không ngước đầu lên mà đi; vì ấy là kỳ hoạn nạn”(2:3). Câu Kinh Thánh nầy rõ ràng đang đề cập đến những cuộc chinh phục và giam cầm của Babylôn và Asyri. Qua sự giam cầm nầy, Đức Chúa Trời sửa trị Ysơraên và Giuđa, và sự sửa trị nầy thể hiện tính thánh khiết của Ngài, cho thấy Ngài không thể dung thứ tội ác, và nó còn bày tỏ tình yêu của Ngài là tình yêu của một người Cha thành tín dành cho những đứa con ngỗ nghịch. Việc Đức Chúa Trời sửa phạt tuyển dân Ngài vì họ thờ hình tượng, suy đồi thuộc linh và sống vô đạo đức là để cho thế gian thấy rằng Ngài luôn đòi hỏi một tiêu chuẩn đạo đức thánh khiết. Sự vinh hiển của Đức Chúa Trời cũng được bộc lộ qua sự phục hưng cuối cùng của tuyển dân Ngài, như điều Michê rao giảng trong phần cuối của bài giảng nầy: “Hỡi Giacốp! Ta chắc sẽ nhóm cả ngươi lại. Ta chắc sẽ thâu góp phần còn lại của Ysơraên …”(2:12). Bài Giảng Thứ Hai Của Michê (3:1-5:15) Bài giảng thứ hai của Michê dành cho cả ba giới lãnh đạo: thầy tế lễ, tiên tri và nhà cầm quyền. Nhiệm vụ chủ yếu của thầy tế lễ là dạy dỗ, nhà tiên tri là khích lệ dân sự vâng lời, nhà cầm quyền là khiến dân sự phải tuân theo luật lệ của Đức Chúa Trời. Trong thời Michê, vấn đề trở ngại đang ngăn trở công việc của Đức Chúa Trời đó là cả ba giới lãnh đạo do Đức Chúa Trời lập lên thảy đều suy đồi, bại hoại. Thay vì dạy dỗ dân sự và đáp ứng các luật lệ của Đức Chúa Trời, thì các thầy tế lễ lại “dạy dỗ vì tiền công”, hoặc “dạy thuê”(3:11). Họ biến sự kêu gọi làm chức vụ tế lễ thành một nghề chuyên nghiệp, và điều mà họ quan tâm đầu tiên là tiền bạc kiếm được. Michê lấy làm bối rối khi chức vụ tế lễ trở nên thế tục hoá, sự dạy dỗ vì công giá khiến cho các thầy tế lễ Cũng vậy, các tiên tri đã làm tổn thương sự kêu gọi vào chức vụ tiên tri của Đức Chúa Trời bởi việc “nói tiên tri vì bạc”(3:11). Họ không chỉ biến sự kêu gọi vào chức vụ tiên tri trở thành một nghề chuyên nghiệp, mà còn biến nó thành những trò ma thuật. Họ thích nói về sự hiện thấy trong giấc mơ của chính mình hơn là những lời tiên tri được mặc khải, và họ thường dùng uy tín của một tiên tri để trục lợi. Nếu họ được trả tiền ít thì họ tiên báo về sự phán xét thật khủng khiếp trên dân sự, còn nếu họ được trả nhiều tiền thì họ sẽ tiên tri về những điều tốt lành trên đời sống của những người trả tiền cho họ. Những nhà lãnh đạo chính quyền cũng đều biến chất nên đã “xét đoán vì của hối lộ”(3:11). Tùy theo số tiền được trả, những người trả tiền sẽ được các quan trưởng xét xử theo chiều có lợi hoặc bất lợi. Tình trạng tham nhũng của những người lãnh đạo cứ thường xuyên lặp lại như vậy, và ngày nay nó lại càng trở nên phổ biến khắp thế giới. Mối quan tâm đầu tiên của Michê là khi các thầy tế lễ dạy thuê, sẽ khiến cho dân sự trở nên bối rối vì họ không được học Lời Đức Chúa Trời. Khi các tiên tri chỉ nói tiên tri vì tiền,thì dân sự Chúa chẳng thể nào nghe được Lời Ngài. Khi cấp chính quyền tham nhũng,thì dân chúng sẽ bị vỡ mộng, họ mất lòng tin vào chính phủ, luật pháp và trật tự xã hội. Michê nhấn mạnh đến một lẽ thật, đó là Đức Chúa Trời giao trách nhiệm cho các cấp lãnh đạo để cai trị dân sự, nhưng sự lãnh đạo do Đức Chúa Trời thiết lập chỉ có thể được thực hiện nếu những người có trách nhiệm nầy thi hành công tác cai trị của họ theo đúng kế hoạch của Đức Chúa Trời về phương diện thuộc linh lẫn chính trị. Nếu ba giới lãnh đạo nầy mục nát, thì mục đích của Đức Chúa Trời trên sự lãnh đạo đó cũng sẽ bị phá sản. Vì các nhà lãnh đạo tôn giáo và chính trị trong thời Michê không tuân theo mục đích của Đức Chúa Trời, Giải Pháp Cuối Cùng Của Đức Chúa Trời Sau khi mạnh dạn chỉ ra sự thất bại của các cấp lãnh đạo Ysơraên và Giuđa, Michê rao giảng một sứ điệp hy vọng cho dân sự Đức Chúa Trời và cho tất cả dân tộc trên khắp thế giới qua lời tiên tri về Đấng Mêsia. Ông tiên đoán sự tái lâm của Đấng Christ, là Đấng sẽ “Đứng vững, và sẽ cậy sức mạnh của Đức Giêhôva với oai vọng của danh Giêhôva Đức Chúa Trời mình mà chăn bầy của mình; và chúng nó sẽ ở yên, vì nay Ngài sẽ làm lớn cho đến các đầu cùng đất. Ấy chính Ngài sẽ làm sự bình an của chúng ta” (5:3-4a). Tại Giêrusalem và Samari, nơi mà chính quyền loài người thất bại, thì uy quyền tối thượng của Đấng Christ không hề thất bại, và Ngài sẽ đem sự bình an thật đến cho dân sự Ngài.Ngài là tấm gương toàn hảo về một Vị Tiên Tri, Thầy Tế Lễ và Nhà Vua. Phần kết thúc trong bài giảng thứ hai của Michê trình bày Đấng Christ là Đấng Cai Trị toàn hảo. Ngài sẽ mở ra một Vương quốc mới không bao giờ phải đối diện với sự chết hoặc sự hư hoại. Vì lý do nầy, khi Đấng Christ đến thế gian, các môn đệ của Ngài thường hỏi bao giờ thì Ngài sẽ thiết lập Vương quốc đời đời và trọn vẹn của Ngài (Công vụ 1:6). Bài Giảng Thứ Ba Của Michê (6-7) Trong bài giảng thứ ba, ông trình bày một vụ xử án theo nghĩa bóng giữa Đức Chúa Trời và loài người. Ông rao giảng: “Bây giờ hãy nghe lời Đức Giêhôva phán: Ngươi hãy chỗi dậy; khá đối nại cùng các núi, và làm cho các đồi nghe tiếng ngươi! Hỡi các núi, và các nền hằng vững chắc của đất, hãy nghe lời đối nại của Đức Giêhôva! Vì Đức Giêhôva có sự đối nại với dân Ngài, và Ngài sẽ đối nại với Ysơraên”(6:1-2). Khi Michê trình bày lý lẽ của Đức Chúa Trời nghịch cùng Ysơraên, Ngài nhắc cho dân Ysơraên nhớ lại sự nhân từ của Ngài qua việc giải cứu họ ra khỏi Êdíptô: “Ta đã đem ngươi lên khỏi đất Êdíptô, đã chuộc ngươi ra khỏi nhà tôi mọi,và đã sai Môise, Arôn, Miriam đến trước mặt ngươi”(6:4). Bởi vì dân Ysơraên đáp lại tấm lòng nhân từ của Đức Chúa Trời bằng việc tìm kiếm các thần khác, thỏa mãn những tham muốn vị kỷ của chính mình, cho nên Michê đã đưa ra những lời tiên đoán của ông trước tòa án của Đức Chúa Trời: “Ta sẽ đem vật gì chầu trước mặt Đức Giêhôva và quì lạy trước mặt Đức Chúa Trời rất cao? Ta sẽ đến trước mặt Ngài với những của lễ thiêu và với những bò con giáp niên sao? Đức Giêhôva há có thích những hàng ngàn chiên đực hay là hàng vạn sông dầu sao? Ta há nên dâng con đầu lòng của ta vì sự phạm pháp ta, và trái của thân thể ta vì tội lỗi linh hồn ta sao?” (6: 6-7). Bản cáo trạng của Michê viết về tội lỗi của Ysơraên đáp lại lòng nhân từ của Đức Chúa Trời cho thấy họ không thể tự bênh vực mình. Ông kết luận rằng nếu tội lỗi không được xưng ra thì nó sẽ bao trùm khắp Ysơraên. Tình trạng khó xử mà Michê trình bày tại tòa án lớn nầy sửa soạn cho người nghe về kết luận của sứ điệp ông: “Hỡi người! Ngài đã tỏ cho ngươi điều gì là thiện; cái điều mà Đức Giêhôva đòi ngươi há chẳng phải là làm sự công bình, ưa sự nhân từ và bước đi cách khiêm nhường với Đức Chúa Trời ngươi sao?”(6: 8). Sau khi lên tiếng buộc tội dân sự, Michê đã cầu hỏi là họ cần phải làm gì để Ngài nguôi giận, Đức Chúa Trời tỏ cho Michê biết là loài người không thể tự làm gì để chuộc tội mình.Duy chỉ có một cách là nhờ ân điển do Đức Chúa Trời ban cho những ai có lòng ăn năn để được Ngài tha thứ tội lỗi. Tại đây chúng ta lại thấy sự ứng nghiệm về Đấng Mêsia, là Đấng Lãnh Đạo sẽ cai trị các dân tộc. Và, đúng như Michê dự đoán, Đấng Cai Trị nầy sẽ thương xót tuyển dân của Ngài:“Ngài không cưu giận đời đời, vì Ngài lấy sự nhân từ làm vui thích. Ngài sẽ còn thương xót chúng tôi, dập sự gian ác chúng tôi dưới chân Ngài; và ném hết thảy tội lỗi chúng nó xuống đáy biển. Ngài sẽ làm ra sự chân thật cho Giacốp, và sự nhân từ cho Ápraham, là điều Ngài đã thề hứa cùng tổ phụ chúng tôi từ những ngày xưa” (7:18-20). Đức Chúa Trời trong sứ điệp của Michê là một Đức Chúa Trời giàu lòng thương xót, nhân từ, và yêu thương vô điều kiện. Điều nầy có nghĩa là chúng ta không thể có, hoặc đạt được tình yêu của Ngài bằng một việc làm tích cực – mà chỉ có thể tiếp nhận nhờ ân điển và chúng ta cũng không thể đánh mất tình yêu của Đức Chúa Trời bằng một việc làm tiêu cực. Nếu hiểu một cách chính xác, thì sứ điệp của các tiên tri là sứ điệp của niềm hy vọng được xây dựng trên nền tảng tình yêu và ân điển của Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, tình yêu và ân điển của Cha Thiên Thượng chúng ta luôn đi đôi với sự công bình của Ngài sự công bình chỉ có thể được thỏa mãn qua sự chết trọn vẹn của Con Độc Sanh Ngài, hầu cho chúng ta có thể nhận được tình yêu tuyệt vời và ân điển đời đời của Đức Chúa Trời. Chương 7:TIÊN TRI NAHUM Bối Cảnh Lịch Sử Những tiên tri viết các sách tiên tri trong Cựu ước đều ký thuật về cuộc chinh phục bốn thành phố: Giêrusalem, Samari, Babylôn, và Ninive. Giêrusalem và Samari là thủ đô của Vương quốc phía Nam và phía Bắc của Giuđa và Ysơraên, bị tách ra; Trong khi đó Babylôn và Ninive là thủ đô của kẻ thù họ. Như chúng ta đã biết, sự rao giảng của Giôna đem lại sự ăn năn và cứu rỗi cho dân thành Ninive. Còn lời tiên tri của Nahum công bố sự chết và hủy diệt của thành nầy. Về mặt lịch sử thì Nahum nói tiên tri sau Giôna khoảng một trăm hai mươi năm. Trong khi sách Giôna ghi lại sự ăn năn của dân thành Ninive, thủ đô của kẻ thù tàn bạo nhất của Ysơraên, thì sáu mươi năm sau kể từ khi họ đáp lại sự rao giảng sống động của ông,quân Asyri đã xâm chiếm Vương quốc phía Bắc của Ysơraên và bắt mười chi phái của Vương quốc nầy sang làm phu tù ở Asyri. Khoảng chừng sáu mươi năm sau cuộc lưu đày ở Asyri,Nahum nói tiên tri về sự đoán phạt hầu đến và sự diệt vong của Ninive. Sau khi Nahum rao giảng những lời tiên tri đáng sợ nầy, thì hai mươi ba năm sau, chúng được ứng nghiệm đến từng chữ. Quân Asyri tàn bạo không gì tả xiết đã thôn tính hầu hết các nước trên toàn cầu và bắt họ làm phu tù. Hành động man rợ của chúng thật chưa từng có trong lịch sử cổ đại, và chúng trở thành một đại cường quốc, cả thế giới đều khiếp sợ tính tàn bạo của chúng. Thủ đô của Đế quốc Asyri là thành Ninive, được biết đến với cái tên Thành Phố Nữ Hoàng của cả trái đất. Vậy mà rốt cuộc nó đã bị hủy diệt đúng như lời tiên báo của tiên tri Nahum. Chương đầu tiên của sách Nahum tuyên bố sự sụp đổ của thành Ninive. Mặc dù có hai con sông làm vành đai bảo vệ thành ở cả hai bên, song Nahum tiên báo rằng: “Ngài dùng nước lụt hủy diệt chỗ nó”(1:8). Hai con sông nầy đem lại sức mạnh cho Ninive vì nó bảo vệ vòng đai, thế mà Nahum lại tiên báo Chúa sẽ khiến cho sự bảo vệ nầy nổi lên chống nghịch nó, chảy tràn qua và hủy diệt nó. Tên của Nahum có nghĩa là “đầy lòng yên ủi”, và sứ điệp của ông đem lại sự yên ủi rất lớn cho Vương quốc phía Nam. Thấy Asyri đã chinh phục Vương quốc phía Bắc, dân sự ở Vương quốc phía Nam rất sợ hãi vì e rằng chúng sẽ quay sang miền Nam thôn tính cả họ. Sau khi Asyri đánh chiếm và bắt Vương quốc phía Bắc giam cầm, chúng đã kéo đến miền Nam để chinh phục vương quốc phía Nam. Chúng đánh chiếm được bốn mươi sáu thành phố và bắt hai trăm ngàn người đi lưu đày. Như điều chúng ta đã học khi nghiên cứu về tiên tri Êsai, khi quân Asyri đến cổng thành Giêrusalem, thì qua chức vụ của vị tiên tri vĩ đại nầy mà Vương quốc phía Nam được giải cứu. Dù vậy, Vương quốc phía Nam vẫn lo sợ một ngày nào đó sẽ lại bị Asyri xâm lược. Bạn có thể thấy lời tiên tri của Nahum: “Dầu chúng nó sức mạnh đầy đủ và người đông, cũng sẽ bị trừ đi và trở nên hư không”(1:12), đã đem lại sự yên ủi, bình an và hy vọng cho xứ Giuđa ra sao. Nahum Mô Tả Sự Hủy Diệt Ninive (Chương 2) Trong chương hai của sách tiên tri Nahum, ông mô tả chi tiết sự sụp đổ của thành Ninive. Ông mô tả màu sắc quân phục và thuẫn của quân thù chói loè ra dưới ánh nắng mặt trời (2:3). Ông diễn tả thật sinh động quang cảnh các chiến xa xông lên tấn công ồ ạt, chen lẫn giữa đám người đang thi nhau chạy trốn một cách hỗn loạn trên những con đường của thành Nahum Ủng Hộ Việc Hủy Diệt Ninive (Chương 3) Nahum liệt kê ra một số lý do tại sao cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời sẽ đổ xuống nghịch cùng Ninive. Ông lên án họ về tội làm đổ huyết, nói lời dối trá, cướp bóc các thành phố và hành nghề kỵ nữ. Các học giả của lịch sử cổ đại thuật lại rằng quân Asyri đày những người mà chúng đã bắt được đến những xứ khác để tiêu diệt niềm tự hào dân tộc của họ, và chúng cư xử với họ bằng những hành vi hết sức dã man, độc ác. Chúng lột da các phu tù còn đang sống, và khi chúng chiếm được một thành phố nào, thì chúng thường tàn sát một nửa cư dân, rồi chất đầu lâu của những người bị giết thành một đống thật lớn ngay trước cổng thành để khủng bố tinh thần những người mà bọn chúng còn để cho sống. Bởi vì mọi dân tộc trong xứ đều nằm trong tay đội quân Asyri tàn ác, như là một phản ứng của ông trước sự tàn bạo vô đạo của chúng, Nahum rao ra những lời của Chúa dành cho Asyri: “Đức Giêhôva vạn quân phán: Nầy, Ta nghịch cùng ngươi; Ta lột áo xống ngươi, phô bày sự trần truồng ngươi ra cho các dân tộc, và tỏ sự xấu hổ ngươi ra cho các nước”(3:5),“Vết thương ngươi không thuốc chữa, dấu vít ngươi rất hiểm nghèo; phàm kẻ nghe nói về ngươi đều vỗ tay trên ngươi; vì ai là kẻ chẳng từng chịu luôn sự hung ác của ngươi!”(3:19). Sự sụp đổ của Ninive sẽ là nguồn yên ủi cho mọi dân tộc đang sống trong nỗi khiếp đảm bởi tính tàn bạo của chúng. Nahum Bảo Vệ ĐặcTính Của Đức Chúa Trời Quyển sách ngắn ngủi nầy giới thiệu với chúng ta về tình yêu và cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời. Trong tiếng Hêbơrơ, từ ngữ dùng để chỉ về cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời truyền đạt một khái niệm về sự trút đổ cơn giận. Nó hàm chứa bản chất của Đức Chúa Trời là tình yêu, nhưng có nhiều lần, khi sự gian ác và lòng vô tín của con người buộc Ngài phải thể hiện một khía cạnh khác của bản chất Ngài, đó là tính thánh khiết và công bình tuyệt đối. Tại điểm nầy, Ngài đã “trút đổ sự giận dữ” của mình vào cơn thịnh nộ và sự đoán phạt, bởi vì cuối cùng sự gian ác không thể đồng tồn tại với bản tánh thánh khiết của Đức Chúa Trời. Tôi từng chứng kiến một người cha nọ rất hiền từ và nhân hậu đã vùng vẫy trong tay các nhân viên cảnh sát, khi ông nhìn thấy người đã cưỡng hiếp và giết chết đứa con gái mới lên bảy của ông bị bắt đem vào đồn cảnh sát. Nếu người cha đó có bản tính mềm mại, yêu thương mà còn phải sục sôi giận dữ như vậy, thì thử hỏi tại sao Đức Chúa Trời lại không thể trút đổ cơn thạnh nộ như vậy trong bản tính của Ngài? Vì thế, chúng ta có thể định nghĩa cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời là: “thường xuyên, phù hợp, và là thái độ tối hậu của sự thánh khiết tuyệt đối đối với tội lỗi và sự gian ác”. Chúng ta cũng có thể nói về cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời là “Phản ứng của Tình yêu tuyệt đối hướng về những điều đang hủy hoại đối tượng mà Ngài yêu thương”. Trong trường hợp nầy,đối tượng được yêu thương của Đức Chúa Trời là tất cả những người đang bị quân Asyri hà hiếp, chẳng hạn như những người ở Vương quốc phía Bắc Ysơraên đang bị bắt giữ. Giống như dân sự Đức Chúa Trời tại Vương quốc phía Nam Giuđa, chúng ta được yên ủi vì tin chắc rằng Đức Chúa Trời chúng ta, là Đấng có bản tính tuyệt đối về tình yêu thương trọn vẹn, cuối cùng Ngài sẽ “trút đổ” cơn thịnh nộ của Ngài vì cớ các con cái Ngài đang bị hà hiếp. Ngài sẽ tiêu diệt kẻ ác qua sự biểu lộ hoàn toàn tuyệt đối về tính thánh khiết và công bình của Ngài. Chương 8: TIÊN TRI HABACÚC Những ai quen thuộc với tiểu tiên tri Habacúc nầy, đều nghĩ ông là một tiên tri không có lời giải đáp, nhưng lại là người có quá nhiều câu hỏi. Dường như thể đầu óc của ông chỉ thích thú với những câu hỏi mà thôi. Trong ba chương ngắn ngủi ghi lại lời tiên tri của mình, ông kêu lớn tiếng cùng Đức Chúa Trời hết lần nầy đến lần khác với những câu hỏi “tại sao”.Vì lý do nầy, có một số người đã gán cho ông biệt danh “Nhà Tiên Tri theo thuyết bất khả tri”. Người theo thuyết bất khả tri tin rằng chúng ta không thể biết gì về Đức Chúa Trời, và nhiều triết gia cùng các nhà thần học cũng đã có những câu hỏi như thế trong suốt hàng ngàn năm qua. Một số theo thuyết bất khả tri thường nói rằng: “Tôi không biết, anh không biết, và cũng không ai biết. Nhưng chỉ có sự thông minh mới hiểu được điều đó!”. Tôi thường hỏi người theo thuyết bất khả tri là: “Nếu anh không thể biết, thì làm sao anh lại biết rằng anh không thể biết?” Trong quá trình tiếp cận với các tiểu tiên tri, tôi nhận thấy Đức Chúa Trời kêu gọi họ từ mỗi bước đi trong cuộc sống mà chúng ta có thể hình dung ra được. Chúng ta học được từ những sách lịch sử của Cựu ước rằng Đavít từng chọn bốn ngàn thầy tế lễ, biệt riêng ra để ngợi khen Đức Giêhôva bằng những nhạc cụ do chính ông chế tạo cho mục đích đó (ISử ký 23:5). Những người Lêvi chuyên lo công việc thờ phượng và âm nhạc đã sáng tác nhiều Thi Thiên. Habacúc là một trong số các nhạc sĩ Lêvi đó. Ông là người mà hiện nay, trong nền văn hóa chúng ta gọi là nhạc trưởng hoặc là người hướng dẫn chương trình trong buổi thờ phượng. Tháp Canh Của Habacúc “Các diễn giả thường trả lời những câu hỏi không ai hỏi và thảo luận những điều người ta không mong đợi”. Đôi khi nhiều người trong số chúng ta là những diễn giả đã phải thú nhận tội lỗi qua bản cáo trạng đó, vì nó có đủ bằng chứng để kết tội chúng ta. Song đây không phải là trường hợp của Habacúc. Habacúc sống cùng thời với Giêrêmi. Ông thấy dân sự cư xử một cách tàn nhẫn đối với vị tiên tri nầy. Tôi tin Habacúc có lập luận thế nầy, nếu như dân Giuđa đối xử với một tiên tri lớn như Giêrêmi như thế, thì thử hỏi họ sẽ đối xử ra sao với một nhạc trưởng như ông, lại cho rằng mình đang có sứ điệp của Đức Chúa Trời dành cho họ?Tôi chắc rằng Habacúc đã nghĩ ra một hình thức văn chương thật khéo léo để lồng vào lời tiên tri của mình hầu thu hút được sự chú ý, và dọn lòng dân Giuđa để họ nhận lãnh Lời Đức Chúa Trời mà Ngài đã phán với ông. Tôi cũng tin là khi Habacúc nêu lên những câu hỏi của mình, cũng là những vấn nạn mà dân Giuđa đang muốn hỏi Ngài, và cứ mỗi ngày một lần. Dân Giuđa trong thành Giêrusalem cho rằng các đội quân Babylôn sắp xuất hiện. Những lính canh đang đứng vào vị trí của họ và mỗi người đang quan sát, chú ý lắng nghe những dấu hiệu đầu tiên và những âm thanh đáng sợ của quân Babylôn. Habacúc tuyên bố ông sẽ xây một “tháp canh” thuộc linh. Ông tự bước vào vị trí của mình tại tháp canh đó, và chuẩn bị hỏi Đức Chúa Trời tất cả những câu hỏi của ông (cũng là của dân sự). Sau đó, ông quan sát, lắng nghe và chờ đợi Đức Chúa Trời trả lời các câu hỏi của ông (và của dân sự). Tôi hình dung dân sự đang khích lệ Habacúc hãy đi tới “tháp canh” của ông và hỏi Đức Chúa Trời những câu hỏi đang đè nặng trong lòng họ. Khi Habacúc ở trong tháp canh của mình, ông liền hỏi Đức Chúa Trời tại sao Ngài lại dùng một giống dân gian ác Babylôn để hủy diệt tuyển dân của Ngài. Ông thắc mắc: “Hỡi Giêhôva, Đức Chúa Trời tôi, Đấng Thánh của tôi! Ngài há chẳng phải là từ đời đời vô cùng sao? Vậy chúng tôi sẽ không chết! Hỡi Đức Giêhôva, Ngài đã lập dân nầy đặng làm sự xét đoán của Ngài. Hỡi vầng Đá! Ngài đã đặt nó đặng làm sự sửa phạt! Mắt Chúa thánh sạch chẳng nhìn sự dữ, chẳng có thể nhìn được sự trái ngược. Sao Ngài nhìn xem kẻ làm sự dối trá, khi kẻ dữ nuốt người công bình hơn nó, sao Ngài nín lặng đi?”(1:12-13). Habacúc (và dân Giuđa), đã nhận thức được một sự thật cay nghiệt là Đức Chúa Trời đang dùng người Babylôn để trừng phạt dân Giuđa vì cớ tội lỗi họ, tuy nhiên, cả ông (và dân sự) đều cảm thấy khó hiểu là tại sao Chúa lại dùng một dân tộc ngoại giáo để sửa phạt dân Ngài. Cuối cùng, ông (và dân sự) biện luận rằng, sự gian ác của người Babylôn đã vượt quá sự bất kính Chúa của dân Giuđa. Vậy, tại sao Chúa lại dùng một dân tộc vô đạo để sửa trị dân Ngài? Đây là những câu hỏi và cũng là nội dung của sách Habacúc, chứa đựng nhiều sự thắc mắc, không chỉ đè nặng trong lòng Habacúc mà còn trong lòng tất cả dân Giu đa bất hạnh.Trước ngưỡng xâm chiếm và lưu đày của quân Babylôn, ông đang quan sát, lắng nghe, và chờ đợi Đức Chúa Trời trả lời ông (cùng dân sự). Ông tuyên bố: “Ta sẽ đứng nơi vọng canh,chôn chân nơi đồn lũy, rình xem Ngài bảo ta điều gì, và ta trả lời thế nào về sự đối nại của ta” (2:1). Sứ Điệp Của Habacúc Hãy thử hình dung sự phấn khích của dân sự khi Habacúc loan báo rằng ông vừa nghe được tiếng Chúa tại tháp canh! Bút pháp của vị tiên tri nầy thật khéo léo và gợi trí tò mò để cho sứ điệp của ông được công bố đúng thời điểm. Habacúc rao giảng rằng Đức Chúa Trời đã trả lời cho các câu hỏi của ông (cũng là của dân sự). Mặc dù Đức Chúa Trời đang dùng một dân tộc ngoại giáo để sửa phạt hành vi sai trái của Giuđa, tuy nhiên Ngài cũng cho Habacúc biết rằng Babylôn không phải là một cường quốc bá chủ thế giới lâu dài. Như chúng ta đã biết, nó chỉ tồn tại được bảy mươi năm mà thôi. Tại tháp canh, Đức Chúa Trời phán cùng ông rằng quân Babylôn đã gieo mầm hủy diệt ngay chính trong tấm lòng chúng. Ông chép lấy Lời Chúa phán với ông là người Babylôn, có lòng dạ không ngay thẳng. Về cơ bản, Đức Chúa Trời phán cho Habacúc nghe điều mà Chúa Jêsus từng dạy dỗ khi Ngài bảo: “Hễ ai cầm gươm thì sẽ bị chết vì gươm”(Mathiơ 26:52b). Chúng sẽ phải bị tiêu diệt bởi sự gian ác, bạo ngược và hung tợn của chúng: “Nầy, lòng người kiêu ngạo, không có sự ngay thẳng trong nó; song người công bình thì sống bởi đức tin mình. Nó ghiền rượu, làm sự dối trá, kiêu ngạo và chẳng ở yên chỗ mình, mở rộng lòng ham mê nó như âm phủ, như sự chết chẳng được no chán; nó thâu góp mọi nước và hội hiệp mọi dân cho mình” (2:4-5). Babylôn rõ ràng là “kẻ kiêu ngạo” như Đức Chúa Trời đã nói ở đây, lòng dạ của chúng gian xảo, không ngay thẳng. Duy chỉ có người công bình, hoặc người ngay thẳng những người nhận biết Chúa và vì thế họ sống nhờ đức tin đặt nơi lời hứa của Ngài thì ắt sẽ được sống (4). Câu Kinh Thánh “Người công bình sẽ sống bởi đức tin” chỉ có một cách hiểu nhưng có nhiều sự ứng dụng. Thật vậy, qua sự trả lời cho câu hỏi của Habacúc, Đức Chúa Trời hứa ban niềm hy vọng tương lai cho Giuđa. Nếu họ có đức tin, tin lời của các tiên tri, như Êsai, và đặc biệt là Giêrêmi, thì họ sẽ được sống như là một dân tộc và sẽ được trở về xứ mình. Niềm Bên cạnh đó, sự ứng dụng sống động được tìm thấy trong Tân ước, câu này được trích dẫn ba lần. Phong trào Cải Chánh ra đời khi một linh mục Thiên Chúa giáo tên là Martin Luther, trong thì giờ tĩnh nguyện buổi sáng của mình đã nhận ra câu Kinh Thánh nầy nằm ở chương đầu tiên của thư tín Phaolô gởi cho người Rôma (Rôma 1:17). Hệ thống thần học của cuộc cải chánh được Martin Luther công bố thật rõ ràng qua những bài tiểu luận của ông về các thư tín Phaolô gởi người Rôma và Galati (Galati 3:11). Lần thứ ba câu Kinh Thánh nầy được Tân ước trích dẫn nhằm cung cấp bối cảnh cho chương Kinh Thánh nói về đức tin vĩ đại trong Hêbơrơ 10:38. Bài Ca Của Habacúc Chúng ta không có một bảng ký thuật nào cho biết quá trình trở thành một nhạc trưởng năng nổ của vị tiên tri nầy. Khi thành Giêrusalem sụp đổ, một nửa cư dân bị tàn sát, còn những người sống sót bị lưu đày trong xiềng xích. Mặc dù Habacúc biết trước rằng cuộc xâm chiếm và giam cầm của quân Babylôn sắp xảy ra, và sẽ kéo dài trong bảy mươi năm, song ông vẫn kết thúc sứ điệp của mình bằng một bài ca ngợi khen. Ông không thể biết được tương lai của ông sẽ ra sao, nhưng ông biết rằng tương lai của dân tộc ông tràn đầy hy vọng. Bảy mươi năm sau, Giuđa sẽ trở về, Babylôn sẽ sụp đổ, và Giuđa vẫn là tuyển dân của Đức Chúa Trời. Habacúc bắt đầu lời tiên tri bằng tiếng thở dài đầy tuyệt vọng và ngờ vực, song ông kết thúc lời tiên tri của mình bằng bài ca ngợi khen, thờ phượng và sự tin quyết. Bởi cách kết thúc nầy, ông tỏ cho dân sự Đức Chúa Trời thuộc mọi thế hệ và mọi nền văn hóa biết cách để biến tiếng thở dài thất vọng thành bài ca ngợi khen. Bài ca và tấm gương của Habacúc khi ông sáng tác, mô tả sơ lược hình ảnh đối lập của một tín hữu theo thuyết vị lợi. Một tín hữu theo thuyết vị lợi là người luôn tận dụng Đức Chúa Trời lúc nào anh ta muốn, tương tự như chúng ta sử dụng những phương tiện công cộng như điện, nước hoặc là hệ thống vận tải công cộng. Kết thúc bài ca của mình, Habacúc đã phác họa một mẫu người sống bởi đức tin, và biết rằng Đức Chúa Trời sẽ không từ bỏ chương trình của Ngài, là Đấng Mêsia sẽ đến thông qua tuyển dân Ngài. Nếu Lời của Đức Chúa Trời là thật, như Habacúc đã tin, thì chắc chắn dân sự Ngài sẽ không bị bỏ rơi. Trước mắt, họ có thể bị đuổi ra khỏi quê hương và bị sửa phạt vì cớ tội lỗi của mình, tuy nhiên họ sẽ không bao giờ bị tận diệt hoàn toàn nếu như những lời tiên tri về Đấng Mêsia được ứng nghiệm. Đức Chúa Trời đã ban một sự mặc khải tuyệt vời cho Gióp trong lúc ông đang chịu những cơn đau đớn cùng cực, cho Giêrêmi khi ông sáng tác Ca Thương, và Ngài cũng ban bài ca tuyệt vời nầy cho Habacúc vào thời điểm đen tối nhất của cuộc đời ông. Đây là một phần trích dẫn trong bài ca đó: “Hỡi Đức Giêhôva! Ứng Dụng Cá Nhân Mặc dù rất ít người trong chúng ta phải đối mặt với cơn khủng hoảng như Habacúc. Khi những nan đề tràn ngập, có thể chúng ta sẽ dồn hết tất cả sức lực, tình cảm, tinh thần để giải quyết, hoặc là chúng ta có thể dựng lên một vọng canh thuộc linh và canh phòng cho đến khi nhìn thấy cách Đức Chúa Trời hành động trên đời sống mình. Chúng ta cũng có thể lắng tai cho đến khi nghe được cách Chúa hành động trên đời sống mình. Tiếp theo, như Habacúc, chúng ta có thể thờ phượng Đức Chúa Trời, Đấng đang làm việc trên đời sống chúng ta. Bạn có bao giờ xây cho mình một tháp canh thuộc linh – nơi bạn quan sát, chờ đợi và lắng nghe cho đến chừng nghe được tiếng Chúa chưa? Sách Habacúc dạy rằng chúng ta nên xây Một vị mục sư tin kính thuộc thế hệ trước đây bảo rằng: “Tôi từng nói rằng Đức Chúa Trời ngày nay không còn phán dạy dân sự Ngài như từng phán với Habacúc thuở xưa nữa. Hay nói chính xác hơn là dân sự Đức Chúa Trời thời nay không còn biết lắng nghe tiếng Chúa như trong thời của vị nhạc trưởng tài ba đầy lòng yêu mến Chúa nầy!” Chương 9:TIÊN TRI SÔPHÔNI Tương tự như tiên tri Giôên, Sôphôni tiên tri về Ngày của Đức Giêhôva. Trong khi Giôên nhấn mạnh Ngày của Đức Giêhôva ở quá khứ, hiện tại và tương lai, thì Sôphôni lại tập trung hướng lời tiên tri của mình vào Ngày sau rốt của Ngài là một trong những sự cuối cùng mà Chúa Jêsus, các tiên tri và các sứ đồ đã nói với chúng ta. Nội Dung Ngày Của Đức Giêhôva (Chương 1) Khi Sôphôni rao giảng về Ngày của Đức Giêhôva, ông mô tả lại một sự kiện tàn khốc ắt sẽ xảy ra trên mọi loài thọ tạo. Qua Sôphôni, Đức Chúa Trời tuyên bố: “Ta sẽ diệt sạch mọi sự khỏi mặt đất, Đức Giêhôva phán vậy. Ta sẽ diệt loài người và loài thú, chim trời và cá biển, cùng mọi sự ngăn trở với kẻ dữ; và ta sẽ trừ tiệt loài người khỏi mặt đất, Đức Giêhôva phán vậy”(1:2-3). Theo Sôphôni, Ngày của Đức Giêhôva là sự cuối cùng sắp xảy ra và là một biến cố lớn. Nó không chỉ liên quan đến dân Giuđa và quân Babylôn là kẻ giam cầm họ; mà còn ảnh hưởng đến loài người và mọi loài thú trên đất, kể cả chim trời và cá biển nữa. Giống như các tiên tri khác, Sôphôni nói tiên tri về Ngày sau rốt của Đức Giêhôva đan xen với sự bắt bớ của người Babylôn khi ông tuyên bố lời Đức Chúa Trời trong những câu kế tiếp: “Ta sẽ dang tay Ta trên Giuđa và trên hết thảy dân cư Giêrusalem; sẽ trừ tiệt phần sót lại của Baanh, các tên của thầy cả và thầy tế lễ nó khỏi nơi nầy… Trong ngày tế lễ của Đức Giêhôva, Ta sẽ phạt các quan trưởng và các con trai của vua, và hết thảy những kẻ mặc áo lạ. Trong ngày đó, Ta sẽ phạt hết thảy những kẻ nhảy qua ngạch cửa, và những kẻ làm đầy dẫy sự bạo ngược và quỷ quyệt trong nhà chủ mình” (1:4, 8-9). Sôphôni nối tiếp tiên tri Michê, quở trách và lên án các nhà lãnh đạo chính trị và tôn giáo của Giuđa vì sự sa sút thuộc linh và suy đồi đạo đức của dân sự. Theo hai vị tiên tri nầy, thì Đặc Điểm Về Ngày Của Đức Giêhôva (Chương 2) Mặc dù Sôphôni chủ yếu rao báo về sự đoán phạt của Đức Chúa Trời trên Giuđa vì cớ tội lỗi họ, ông cũng nói tiên tri về Ngày của Đức Giêhôva sắp xảy đến nghịch cùng tất cả các dân tộc, đặc biệt đối với những dân từng ngược đãi dân Giuđa: “Trong Ngày lớn và cuối cùng đó, tất cả loài người trên đất phải chịu trách nhiệm giải trình những công việc mình đã làm, và Đức Chúa Trời sẽ đưa ra phán quyết cuối cùng. Sôphôni tuyên bố rằng chỉ có những ai trọn đời thờ phượng Đức Chúa Trời chân thật duy nhất thì mới có thể tránh khỏi cơn thịnh nộ của Ngài trong Ngày cuối cùng”. Trong bối cảnh của lẽ thật nầy, Sôphôni kêu gọi các dân tộc hãy ăn năn: “Hỡi dân chẳng biết xấu hổ! Hãy nhóm hiệp lại, phải, hãy nhóm hiệp lại, trước khi mạng lịnh chưa ra, ngày giờ chưa qua như trấu, trước khi sự nóng giận của Đức Giêhôva chưa đến trên các ngươi, trước khi ngày thạnh nộ của Đức Giêhôva chưa đến trên các ngươi. Hỡi các ngươi là mọi kẻ nhu mì của đất, làm theo mạng lịnh của Chúa, hãy tìm kiếm Đức Giêhôva, tìm kiếm sự công bình, tìm kiếm sự nhu mì, hoặc giả các ngươi sẽ được giấu kín trong ngày thạnh nộ của Đức Giêhôva” (2:1-3). Các dân tộc ngoại giáo mặc dầu đã được Chúa dùng để thi hành sự đoán phạt của Ngài nghịch cùng dân Giuđa, nhưng họ không phải là con cái của Đức Chúa Trời hằng sống, chân thật và duy nhất. Sôphôni kêu gọi họ hãy ăn năn để được cứu thoát khỏi lửa hủy diệt mà Đức Giêhôva sẽ cho xảy đến trong Ngày cuối cùng của Ngài. Sự vô tín và tội lỗi của các dân tộc sẽ là chất xúc tác cho Ngày của Đức Giêhôva. Trong sự diễn tả của mình về cả dân Giuđa lẫn các dân tộc ngoại giáo, Sôphôni nêu lên một số tội như là giàu có bất chính, thiếu quan tâm, vô tín, bất tuân, chống nghịch Chúa và gian ác. Theo Sôphôni, thì những tội nầy của dân sự Đức Chúa Trời và của các dân tộc ngoại đạo sẽ kích động cơn thạnh nộ của Ngài và chúng chính là chất xúc tác dẫn đến Ngày cuối cùng của Đức Giêhôva. Sôphôni tiên đoán rằng sự phán xét của Đức Chúa Trời sẽ lan đến các dân tộc miền duyên hải, và sẽ lan xa như lời tiên tri khẳng định: “Khốn thay cho dân cư ở miền biển, tức là dân tộc Cơrết! Hỡi Canaan là đất của người Philitin, lời của Đức Giêhôva cũng nghịch cùng các ngươi; Ta sẽ hủy diệt ngươi cho đến không còn dân cư nữa. Miền biển sẽ trở nên đồng cỏ, với những lều của kẻ chăn và chuồng của bầy chiên. Miền ấy sẽ thuộc về phần sót lại của nhà Giuđa; chúng nó sẽ chăn trong các nơi đó, ban tối sẽ nghỉ trong các nhà của Áchcalôn; vì Giêhôva Đức Chúa Trời chúng nó sẽ thăm viếng chúng nó, và đem phu tù chúng nó trở về” (2:5-7). Ông cũng rao giảng nghịch cùng Môáp và Ammôn, cũng như Êthiôbi và Asyri. Tất cả Sự Tạo Lập Mới Vào Ngày Của Đức Giêhôva (Chương 3) Sôphôni quở trách dân Giuđa vì những lãnh đạo của họ hối lộ và chống nghịch Đức Chúa Trời: “Khốn thay cho thành bạn nghịch và ô uế, làm sự bạo ngược! Nó không nghe lời;không chịu sửa dạy; không nhờ cậy Đức Giêhôva; không đến gần Đức Chúa Trời mình. Các quan trưởng ở giữa nó như sư tử gầm thét, các quan xét nó như muông sói ban đêm, không để dành chi lại đến sáng mai. Các kẻ tiên tri nó đều là càn dỡ dối trá; các thầy tế lễ nó làm ô uế nơi thánh, và làm quanh quẹo luật pháp” (3:1-4). Ông tuyên bố rằng bởi những việc họ đã làm, nên họ sẽ bị quân Babylôn bắt làm phu tù. Ông cũng nói đến niềm hy vọng mà họ sẽ nhận được trong Ngày cuối cùng của Đức Giêhôva. Trong ngày đó, tất cả các dân tộc trên đất sẽ nhận biết Giêhôva chính là Đức Chúa Trời (3:8-11), và những người Ysơraên còn sót lại sẽ sống chân thật, trung tín với Chúa: “Những kẻ sót lại của Ysơraên sẽ không làm sự gian ác,không nói dối, không có lưỡi phỉnh gạt trong miệng chúng nó; vì chúng nó sẽ ăn và nằm ngủ, không ai làm cho kinh hãi” (3:13). Cho dù dân Giuđa có bất trung với Ngài. Song Sôphôni báo trước rằng Đức Chúa Trời sẽ bảo vệ, và giải cứu họ thoát khỏi cảnh phu tù trong những ngày cuối cùng, hễ ai trung thành, thì sẽ giữ lòng trung thành với Ngài mãi mãi, trở nên tạo vật mới và đẹp đẽ. Chúng ta thấy lời tiên tri nầy đã được ứng nghiệm phần nào trong các sách lịch sử Exơra, Nêhêmi, và trong ba sách tiên tri cuối cùng mà chúng ta sẽ khảo sát. Đây là những tiên tri thuộc thời hậu lưu đày, có trách nhiệm rao giảng cho những người còn sống sót sau cuộc Lưu Đày của Babylôn. Chương 10: TIÊN TRI AGHÊ Tất cả các nhà tiên tri mà chúng ta đề cập sau đây đã từng sống và rao giảng trước hoặc trong thời kỳ lưu đày tại Babylôn. Các tiên tri nầy là: Aghê, Xachari và Malachi, được gọi là “những tiên tri hậu lưu đày”, vì họ rao giảng cho người Do Thái trở về từ chốn lưu đày ở Babylôn. Mười hai sách lịch sử Cựu ước cung cấp cho chúng ta bối cảnh lịch sử mà các nhà tiên tri đã sống và rao giảng. Để hiểu rõ giai đoạn lịch sử trong thời của ba nhà tiên tri nầy, chúng ta hãy đọc sách Exơra, hoặc đọc cuốn “Ngũ Kinh và Các Sách Lịch Sử” của tôi, chúng sẽ nhắc cho bạn nhớ lại những điều chúng ta đã học về ba đợt trở về từ chốn lưu đày Babylôn. Aghê và Xachari rao giảng cho những người thuộc nhóm đầu tiên bị bắt lưu đày ở Babylôn và đã được hồi hương. Lần trở về thứ nhất diễn ra ngay sau khi Đế quốc Babylôn rơi vào tay người Mêđi-Batư. Sự trở về lần nầy nhằm thực hiện một công việc được xác định rất rõ ràng. Khải tượng cho lần trở về đầu tiên là xây dựng lại Đền Thờ Salômôn. Mục tiêu của sứ mạng đó là trọng tâm và linh hồn cho các sứ điệp của tiên tri Aghê và Xachari. Để ứng nghiệm lời tiên tri kỳ diệu của Êsai, Siru Đại đế, Hoàng đế của đế quốc Ba Tư ban chiếu chỉ cho phép trở về từ cuộc lưu đày, và được cung cấp vật liệu để tái thiết Đền Thờ. Mặc dù sự trở về để xây lại Đền Thờ là một phép lạ đầy vinh hiển, song sự trở về trên thực tế chẳng có chút nào gọi là vinh hiển. Năm mươi ngàn người tị nạn trông thật rách rưới trên đường trở về xây lại Đền Thờ. Có lẽ họ rất giống những người tị nạn ngày nay chúng ta vẫn thường thấy. Họ từng là một đội quân hùng mạnh gồm 600.000 chiến sĩ mà ai cũng khiếp sợ, ấy là thời họ sống trong những thành trì được phòng vệ vững chắc ở Canaan (Giôsuê 2:9-14). Còn bây giờ họ không có quân đội, và thậm chí cũng chẳng có quốc gia. Họ càng đau buồn và thất vọng hơn khi thấy quê hương mình bị những người ngoại giáo chiếm cứ, là những người không hề hoan nghênh họ chút nào. Bây giờ chúng ta hãy đặt mình vào bối cảnh lịch sử và những thách thức mà tiên tri Aghê và Xachari phải đối mặt. Sứ Điệp Của Tiên Tri Aghê Đoàn người lưu đày sau khi trở về nhìn thấy những người đang sống tại Giêrusalem và Giuđê, là những người bị quân Babylôn chinh phục, trục xuất ra khỏi xứ và đưa đến sống ở Giuđa. Những người nầy hằn học chống đối việc tái thiết Đền Thờ. Họ cho rằng chính Đền Thờ đã giúp cho người Do Thái trước đó trở thành một dân tộc cường thịnh, cho nên đã quấy nhiễu và gây khó dễ người Giuđa ngay khi việc tái thiết Đền Thờ vừa khởi công. Vì gặp sự chống đối của nhóm người ngoại giáo nầy, dân Giuđa quá hoảng sợ nên đành phải dừng công việc xây lại Đền Thờ đến mười lăm năm! Thế rồi, họ hoàn toàn quên lãng mục tiêu sứ mệnh của mình và bắt đầu lao vào lo xây cất nhà cho riêng mình. Bây giờ chúng ta hãy cùng nhập cuộc với tiên tri Aghê! Hãy nhớ rằng nhiệm vụ của tiên tri là lên tiếng phản đối mọi trở lực nào ngăn trở công việc của Đức Chúa Trời, cho đến chừng trở lực đó không còn nữa và công việc Ngài được thực hiện trở lại. Công việc của Đức Chúa Trời khi Aghê thi hành chức vụ là tái thiết Đền Thờ. Sự ưu tiên của dân Giuđa bị lệch mục tiêu là vấn đề trở ngại đang cản trở công việc của Đức Chúa Trời. Aghê chia sẻ bốn bài giảng tuyệt vời với nội dung ca ngợi về Đền Thờ. Bài Giảng Thứ Nhất Của Aghê: “Hãy Tập Trung Vào Thứ Tự Ưu Tiên!” (Chương 1) Một nửa sách Aghê ngắn ngủi nầy là phần ký thuật, và tiếp theo Aghê mô tả kết quả bài giảng thứ nhất của mình. Trong bài giảng, Aghê thách thức dân Giuđa: “Các ngươi khá xem xét đường lối mình!” Sứ điệp của toàn bộ Kinh Thánh có thể được rút gọn thành bốn chữ: “Chúa là trên hết!” Lời thách thức của Aghê cho những người đi lưu đày trở về cơ bản là:“Hãy xem thì giờ của các ngươi và thì giờ của Đức Chúa Trời. Các ngươi có thì giờ cho căn nhà mình, nhưng không có thì giờ cho nhà Chúa!”. Để phát ngôn cho Đức Chúa Trời, Aghê rao giảng: “Khá xem đường lối Ta! Các ngươi trông nhiều mà được ít; các ngươi đem vào nhà, thì Ta đã thổi lên trên. Đức Giêhôva vạn quân phán: Ấy là tại làm sao? Ấy là tại nhà Ta thì hoang vu, còn các ngươi ai nấy lo xây nhà mình”(1:9). Một bản dịch khác trích lời của Aghê nói rằng họ đã bỏ tiền mình vào túi lủng. Nhà tiên tri thách thức họ hãy xem xét đường lối Đức Chúa Trời vì Lời Ngài cho biết rằng Ngài là Đấng đã làm cho túi của họ bị lủng. Aghê thách thức những người lưu đày hãy cân nhắc điều họ đang làm và điều Đức Chúa Trời đang làm. Vì họ đặt sai thứ tự ưu tiên, nên dẫn đến hậu quả là Đức Chúa Trời cho phép hạn hán xảy ra trên công việc của họ và trên cả dân Giuđa (1:10-11). Thay vì ban mưa thì Chúa lại sai nạn đói đến. Họ làm lụng hết sức vất vả khó nhọc nhưng chẳng thu hoạch được gì,và đó là hậu quả nhãn tiền mà họ phải gánh chịu do không đặt Chúa lên trên hết. Aghê là một diễn giả đầy quyền năng bởi vì dân sự hoàn toàn bị bắt phục để vâng lời. Họ bắt đầu dồn sự ưu tiên của mình vào công việc Đền Thờ. Bài giảng thứ nhất của Aghê được chia làm hai phần. Phần thứ nhì nói về việc dân Giuđa đáp lại trong sự vâng lời của họ. Nội dung chủ yếu của phần thứ nhì là: “Ta ở cùng các ngươi, Đức Giêhôva phán vậy!” (1:13). Một khi tổ chức lại thứ tự ưu tiên của mình, họ được Đức Chúa Trời ở cùng. Khi đặt Chúa lên trên hết, Ngài ban phước cho họ và công việc của họ. Bài Giảng Thứ Hai Của Aghê: “Hãy Hướng Đến Viễn Cảnh Của Các Ngươi!” (2: 1-9) Đền Thờ đầu tiên do Salômôn xây dựng bằng những vật liệu rất có giá trị như vàng, bạc và các loại đá quý. Tất cả sự sang trọng và giàu có của Salômôn đã cung cấp vật liệu để xây cất ngôi Đền Thờ nguyên thủy nầy. Khi những người Giuđa còn sót lại tái thiết Đền Thờ Salômôn, họ chỉ là những người tị nạn nghèo nàn. Nguồn vật liệu mà những người lưu đày hồi hương có được chỉ là đống gạch vụn của Đền Thờ nguyên thủy, và một số do hoàng đế của Ba Tư là Siru Đại Đế giúp đỡ. Trong bài giảng thứ hai của Aghê, ông nhận thấy những người cao tuổi sau lưu đày đang buồn rầu và ngã lòng. Aghê nhắc nhở họ rằng ý nghĩa của Đền Thờ là về mặt thuộc linh chứ Bài giảng thứ hai của Aghê dạy dân sự cần phải chú ý đến viễn cảnh của mình. Từ “viễn cảnh” có nghĩa là “ở phía trước”. Kinh Thánh nhiều lần khích lệ chúng ta hãy nhớ đến ý nghĩa nầy, và cũng nhiều lần Kinh Thánh dạy chúng ta rất rõ ràng là hãy quên mọi sự ở đàng sau. Đôi khi việc nhìn lại đàng sau sẽ gây họa cho chúng ta, vì thế Đức Chúa Trời dùng những vị tiên tri như Aghê thách thức chúng ta đừng nên có cái nhìn “phiến diện” như thế, nghĩa là đừng để tâm đến những trở ngại và những điều gây bối rối đã qua, đơn giản là hãy nhìn vào hiện tại, và hướng tới tương lai, đó là điều Chúa muốn ở chúng ta, và cũng là sứ điệp chính trong bài giảng thứ nhì của Aghê. Bài Giảng Thứ Ba Của Aghê: “Hãy Hướng Đến Động Cơ Thúc Đẩy Của Các Ngươi!” (2:10 -19) Sau khi người Hêbơrơ khởi công tái thiết Đền Thờ, họ muốn nhìn thấy ngay phước lành trên công việc của mình mà Đức Chúa Trời đã hứa ở phần hai, trong bài giảng thứ nhất của Aghê. Họ làm việc suốt nhiều tháng, hết mùa thu sang mùa đông, thế nhưng vẫn chưa nhận được phước hạnh mà họ đang mong đợi. Aghê đưa ra hai câu hỏi cho những người đang nản lòng. Vì thầy tế lễ là những người thường trả lời các câu hỏi của dân sự về Kinh Thánh, nên Aghê đưa ra cho các thầy tế lễ hai câu hỏi như sau. Câu thứ nhất, ông hỏi: “Nếu có kẻ gói thịt thánh trong chéo áo, và chéo áo mình đụng đến bánh, hoặc vật gì nấu chín, hoặc rượu, hoặc dầu, hay là đồ ăn gì, thì vật đó có nên thánh không? Các thầy tế lễ đều đáp rằng: Không!” Câu hỏi thứ hai của ông là: “Nếu ai bị ô uế vì thây chết đụng đến các vật ấy, thì các vật ấy có lây ô uế không? Các thầy tế lễ trả lời rằng: Các vật ấy sẽ bị ô uế !”(2:12-13). Bằng hai câu hỏi nầy, ông minh họa sự thay đổi đã xảy ra trong dân chúng từ khi họ bị lưu đày trở về. Trước khi lưu đày, họ giống như người bị ô uế. Vì hậu quả của tội lỗi, mọi thứ họ chạm đến cũng sẽ bị ô uế theo. Nhưng qua sự sửa phạt bằng việc bị lưu đày, họ được tẩy uế, và bây giờ những việc họ làm trong công cuộc tái thiết Đền Thờ được xem là thánh khiết. Tuy nhiên, họ cần phải hiểu rằng, sự thánh khiết không thể xảy đến một cách nhanh chóng được, như là một căn bệnh truyền nhiễm. Tội lỗi lây lan theo cách đó, nhưng phải tốn nhiều thời gian mới trở nên thánh khiết. Nếu các phước hạnh Chúa ban cho chỉ đơn giản là nhờ vào sự vâng lời của chúng ta, thì ơn phước của Chúa có thể trở thành kết quả của công đức chúng ta chứ không phải nhờ ân điển của Ngài. Động cơ cho sự nên thánh của chúng ta chính là lòng kính mến Chúa, chứ không phải mong đợi các phước hạnh. Trong bài giảng thứ ba của mình, Aghê thách thức dân sự hãy hướng động cơ của họ vào sự phục vụ Đức Chúa Trời bằng cách xây sửa lại Đền Thờ. Bài Giảng Thứ Tư Của Aghê: “Hãy Để Ý Đến Nỗi Sợ Hãi Của Các Ngươi!” (2:21-23) Sau bảy mươi năm bị giam cầm, sống trong cảnh nô lệ, những người lưu đày sau khi trở về Giêrusalem, họ không còn khả năng tự vệ, vì thế họ mang nỗi sợ hãi sẽ bị các dân tộc khác bắt làm nô lệ lần nữa. Bài giảng thứ tư của Aghê đề cập đến nỗi khiếp sợ của họ. Ông nói tiên tri rằng Đức Chúa Trời sẽ lật đổ ngôi của các nước mà họ sợ hãi và kế hoạch của Ngài sẽ làm rúng động các từng trời và đất. Trong bài giảng thứ tư của mình, Aghê báo trước Đức Chúa Trời sẽ làm rúng động đất cho đến chừng những gì còn lại trên đất không thể bị lay chuyển được nữa. Tác giả sách Hêbơrơ trích dẫn từ bài giảng thứ hai của Aghê, và sau đó nói cho chúng ta biết rằng chúng ta đã nhận lãnh Vương Quốc không hề bị rúng động (Hêbơrơ 12:26-29). Đó là trọng tâm bài giảng thứ tư của Aghê. Ứng Dụng Cá Nhân Hãy ứng dụng bài giảng của vị tiên tri cao quý nầy vào trong đời sống bạn ngay hôm nay. Điều bạn ưu tiên là gì? Đức Chúa Trời có ban phước cho công việc của bạn không? Bạn đang làm gì cho đời sống thuộc linh của mình? Sự đoán phạt kinh khủng nhất mà Đức Chúa Trời giáng trên những người bị lưu đày là do họ đặt sai thứ tự ưu tiên, đó là Ngài sẽ gọi hạn hán đến trên họ và trên công việc của họ. Có bao giờ bạn cảm thấy mình đang nếm trải một cơn hạn hán thuộc linh không? Nếu Đức Chúa Trời không chúc phước cho công việc khó nhọc của bạn, và nếu bạn nhận thấy chính mình đang ở một trong những nơi khô hạn thuộc linh, thì sứ điệp cầu nguyện của Aghê dành cho bạn sẽ là: “Hãy xem xét đường lối ngươi,” và “Hãy xem xét đường lối Chúa”. Viễn cảnh của bạn ra sao? Bạn có đang nhìn thẳng về phía trước không? Hay là bạn vẫn tiếp tục nhìn lại đằng sau và so sánh công việc Đức Chúa Trời đã làm trên đời sống bạn trong quá khứ, trong khi Đức Chúa Trời lại muốn bạn chú tâm vào công việc Ngài đang làm ngay hôm nay và trong tương lai? Bạn đang hầu việc Chúa vì những động cơ nào? Bạn có nôn nả đòi hỏi phải nhận được ngay các phước hạnh khi hầu việc Chúa không? Có phải bạn đang làm công việc Chúa vì nghĩ rằng sẽ nhận được phần thưởng ngay lập tức không? Điều gì khiến bạn sợ hãi? Aghê cũng như Phierơ bảo đảm rằng bạn có thể trao hết mọi điều lo lắng của mình cho Ngài vì Ngài luôn chăm sóc bạn (IPhierơ 5:7). Vì bạn vừa đọc xong lời tiên tri của Aghê, cho nên bạn hãy hướng đức tin mình vào những điều ưu tiên của bạn, viễn cảnh của bạn, động cơ và những nỗi sợ hãi của bạn. Chương 11:TIÊN TRI XACHARI Khi Aghê rao ra bốn bài giảng đầy sống động, bạn có thể nghe lời của vị tiên tri trẻ hơn là Xachari nói về vị tiên tri lão thành Aghê: “Nhưng ông Aghê ơi! khi dân sự không được phòng thủ và dễ bị tấn công, chẳng còn cách nào khác để tự vệ; khi dân sự nản lòng và thối chí; người ta rơi vào chỗ tuyệt vọng, khi những con người thất bại và vô vọng đang lâm vào cảnh sợ hãi và bị đe dọa bởi sự bắt bớ; thì ấy chính là lúc những con người đó cần nghe nhiều hơn những lời nầy: ‘Hãy mạnh mẽ và làm việc!” Khi dân sự đang tuyệt vọng vì họ trải qua cơn khủng hoảng, thì tất cả những gì họ có thể thấy được chỉ là những tấn thảm kịch trong cơn khủng hoảng của họ. Các nhà tiên tri được gọi là “những nhà tiên kiến” bởi vì họ có thể “thấy” Đức Chúa Trời đang hành động ở phía sau, phía trên và ngay cả trong cuộc khủng hoảng. Một nhà tiên kiến Xachari tin rằng những người Giuđa có lòng tan vỡ nầy cần có khải tượng về một Đức Chúa Trời quyền năng tuyệt đối, là Đấng đã ở cùng, ban sức mạnh, và chiến đấu thay cho họ.Đức Chúa Trời dùng sự rao giảng của Xachari để đem đến cho những người lưu đày trở về đang thất bại, chán nản và tuyệt vọng một khải tượng về chính Ngài. Hình Thức Văn Chương Của Xachari Trọng tâm lời tiên tri của Xachari chia sẻ cho những người bị lưu đày nầy, cùng với bạn và tôi là tám sự hiện thấy. Ông chú trọng đến vấn đề chăm sóc những người Giuđa sống sót sau cuộc lưu đày đang ngã lòng, thất vọng nầy. Kế đến, ông kéo ngược tấm màn ảo lên và trình bày sự mặc khải về cách Đức Chúa Trời đang hành động ở phía sau những bức màn ấy.Ông thực hiện tám lần như vậy trong lời tiên tri sống động nầy. Đó là hình thức văn chương của sách Xachari. Lời Đức Giêhôva phán qua Xachari: “Hãy trở lại cùng Ta…thì Ta sẽ trở lại cùng các ngươi!”. Giống như người Do Thái ở Ysơraên ngày nay, những người bị lưu đày nầy đã hồi hương, đây là sự kiện được một số tiên tri báo trước. Qua sự rao giảng của Xachari, Đức Chúa Trời hỏi dân sự Ngài về sự đáp ứng thuộc linh, không phải với một thành phố hay Đền Thờ, nhưng với chính Ngài. Trong khi vấn đề nầy rõ ràng là chưa xảy ra giữa vòng dân Do Thái ở Ysơraên ngày nay, thì Xachari cùng nhiều tiên tri khác và cả sứ đồ Phaolô nữa, đã tiên báo rằng sẽ có sự phấn hưng thuộc linh và khi đó:“Tất cả người Ysơraên sẽ được cứu” (Xachari 8:20-23; Rôma 11:26; Êsai 59:20-21). Xachari sử dụng từ ngữ: “Đức Giêhôva Vạn Quân” đến năm mươi ba lần để giới thiệu Đức Chúa Trời là Chúa Tể của muôn vàn thiên sứ, của các vì sao, và của tất cả quyền lực siêu nhiên mà Ngài sẽ dùng để hoàn tất mục đích của Ngài trong thế giới nầy. Trên một phương diện nào đó thì từ ngữ nầy tóm tắt những lời tiên tri của Xachari, vì tất cả khải tượng của Xachari đều nói cho chúng ta biết rằng ông đã nhìn thấy Đức Chúa Trời là “Đức Giêhôva Vạn Quân”, ngay cả vào thời điểm dân sự Chúa đang trong tình trạng suy yếu về quân đội lẫn chính trị. Xachari thấy Đức Giêhôva Vạn Quân hành động theo ba phương diện vì cớ ích lợi dân sự của Đức Chúa Trời. Thứ nhất, Chính Ngài là Đức Giêhôva Vạn Quân. Thứ hai, và cũng là phương diện quan trọng nhất, đó là Đức Chúa Trời sẽ ban cho dân sự trở lại cùng Ngài qua một Đấng mà tiên tri Xachari gọi là “Chồi”. Ngoại trừ sáu mươi sáu chương của sách Êsai, thì chỉ có 14 chương của sách Xachari là chứa đựng nhiều lời tiên tri về Đấng Mêsia hơn bất kỳ sách tiên tri nào khác. Khi Đấng Mêsia đến làm ứng nghiệm lời tiên tri của Xachari, Đấng Christ khẳng định thật rõ ràng, dứt khoát với dân sự Đức Chúa Trời: “Ta là Đường Đi, Lẽ Thật và Sự Sống; chẳng bởi Ta thì không ai được đến cùng Cha!”(Giăng 14:6). Phương diện thứ ba mà Xachari rao giảng, đó là Đức Chúa Trời sẽ trở lại cùng chúng ta và đem chúng ta về với Ngài như lời hứa về ngày Lễ Ngũ Tuần quen thuộc: “Ấy chẳng phải là bởi quyền thế, cũng chẳng phải là bởi năng lực, bèn là bởi Thần Ta, Đức Giêhôva vạn quân phán vậy”(Xachari 4:6). Xachari tiên báo về phép lạ vĩ đại xảy ra trong ngày Lễ Ngũ Tuần và tất cả những phước hạnh sẽ được Đức Chúa Trời ban cho dân sự Ngài trong ngày lớn đó. Khi nói đến phương diện nầy, Xachari đã vẽ lên một bức tranh tuyệt vời về Ba Ngôi Đức Chúa Trời. Đức Giêhôva Vạn Quân là Đức Chúa Cha; con đường trở lại cùng Đức Chúa Cha phải xuyên qua Chồi, là Đức Chúa Con. Khi dân sự Đức Chúa Trời trở lại cùng Cha bởi con đường là Con, thì Đức Chúa Con sẽ ban cho họ quyền năng của Đức Thánh Linh trong ngày Lễ Ngũ Tuần. Tám Khải Tượng Của Xachari Từ “khải huyền” trong tiếng Hy Lạp là “mặc khải”. Sự mặc khải có nghĩa là tiết lộ. Từ “khải huyền” còn có nghĩa là “kéo bức màn lên để lộ ra những điều mà ngay cả người khôn ngoan cũng chưa bao giờ được biết”. Xachari kéo bức màn ấy lên tám lần và chỉ cho dân sự thấy công việc Đức Chúa Trời đang hành động ở đằng sau bức màn được lộ ra. Đức Chúa Trời ban những sự hiện thấy cho Xachari, nhằm tăng thêm sức mạnh cho dân sự Ngài đang trong tình trạng yếu đuối, và ban niềm hy vọng giữa lúc họ đang thất vọng. Khải Tượng Thứ Nhất: Về Nơi Có Bóng Mát (1:7-17) Theo nhiều học giả Kinh Thánh, người đứng trong trũng có những cây sim tượng trưng cho sự từng trải khó khăn của giai đoạn chuyển tiếp mà những người bị lưu đày đang trải qua.Đó là giai đoạn chuyển tiếp giữa sự trở về lạ lùng của họ, thoát khỏi cảnh nô lệ và sự đày ải tại Babylôn, với sự thách thức biến đống gạch vụn đổ nát thành một ngôi Đền Thờ, đó là thời kỳ dân sự vô cùng nản lòng và mất hết ý chí, can đảm. Mặt khác, họ tự cảm thấy mình như đang ở dưới đáy vực sâu vậy. Vấn đề trở ngại “phía trước bức màn” mà chúng ta có thể thấy được khiến họ ngã lòng là một thực tế không thể phủ nhận, rằng họ không còn quốc gia nữa, mà chỉ là đám người tị nạn nghèo khổ, rách rưới trông thật thảm hại. Họ lâm vào một trong những thời kỳ chuyển tiếp tồi tệ mà tất cả chúng ta cũng sẽ trải qua. Khi Đức Chúa Trời muốn làm một điều gì đó mới mẻ trong đời sống chúng ta, khi Ngài muốn kêu gọi chúng ta đi đến một nơi xa lạ, thì hầu hết chúng ta đều tận dụng thì giờ để trình bày cho Ngài ba trở lực. Vì chúng ta chỉ chú trọng về sự an ninh của chính mình, nên chúng ta không muốn rời bỏ cái nôi an toàn thân quen, là nơi chúng ta đang sống và làm việc. Tuy nhiên, Chúa buộc lòng phải đưa chúng ta ra khỏi nơi đó, trước khi Ngài dẫn chúng ta vào một nơi ở mới. Đó là lý do tại sao sự kêu gọi của Đức Chúa Trời thường có hai chiều một sức Khi chúng ta ở giữa nơi cũ và mới, Đức Chúa Trời luôn gìn giữ chúng ta để có thể kéo chúng ta vượt qua giai đoạn chuyển tiếp. Lúc đó, Ngài buộc chúng ta phải đi đúng hướng để Ngài có thể sắp xếp cho chúng ta vào nơi ở mới, và nhiệm vụ mới mà Ngài muốn thực hiện trong đời sống và chức vụ của chúng ta. Lúc dân Ysơraên còn ở Êdíptô, Đức Chúa Trời muốn dẫn họ vào miền Đất Hứa, và Ngài mô tả phép lạ đó như thế nầy: “Ta đã đem các ngươi ra khỏi xứ ấy, để dẫn vào xứ Ta đã thề cùng tổ phụ các ngươi; để ban cho các ngươi” (Phục truyền 6:23). Sự Hiện Thấy Thứ Hai: Bốn Cái Sừng (1:18-21) Trong Kinh Thánh, cái sừng biểu tượng cho sức mạnh. Trở lực có thể nhìn thấy được nằm trước bức màn, chính là họ đã nuôi dưỡng sự sợ hãi các cường quốc hùng mạnh, đã từng xâm chiếm và bắt họ làm phu tù. Các cường quốc nầy có thể dễ dàng trở lại chinh phục và bắt họ làm nô lệ. Khi Xachari kéo bức màn lên, ông nhìn thấy những điều ở phía sau và tỏ cho những người lưu đày khiến họ được khích lệ và hy vọng. Phía sau bức màn, Xachari thấy những cường quốc mà Đức Giêhôva Vạn Quân sử dụng để tiêu diệt những “cái sừng”, là những cường quốc mà dân sự lo sợ là sẽ chinh phục và bắt họ làm nô lệ. Sự Hiện Thấy Thứ Ba: Thành Giêrusalem (2:1-4, 10-13) Vấn đề trở ngại hiện ra phía trước bức màn là đống đổ nát đã có thời từng là một thành phố Giêrusalem tuyệt mỹ. Lúc Xachari kéo bức màn lên, ông thấy những gì ở phía sau và tỏ cho dân sự biết là thành Giêrusalem sẽ được trùng tu đẹp đẽ. Sự mặc khải nầy cho họ biết rằng đống đổ nát hiện tại rồi đây sẽ biến thành một thành phố vĩ đại đến nỗi người ta không thể đo được, và sẽ được Đức Giêhôva Vạn Quân bảo vệ nghiêm ngặt, do đó nó sẽ không cần đến một bức tường nào nữa. Giêrusalem và Đền Thờ đã được tái thiết, là nơi mà Chúa Jêsus đã từng nhiều lần viếng thăm. Sau thời Chúa Jêsus bốn mươi năm, quân La Mã lại hủy diệt và biến thành phố nầy thành bình địa. Nhưng sau đó thành phố được xây dựng như hiện nay. Toàn bộ các nghi thức tế lễ bằng việc dâng sinh tế là thú vật đã bị bãi bỏ khi quân La Mã hủy diệt thành Giêrusalem vào năm 70 SC. Lời tiên tri của Xachari về Giêrusalem đã được ứng nghiệm phần nào khi thành được tái thiết vào trước thời Đấng Christ, và nó lại tiếp tục được xây dựng sau khi bị quân La Mã phá hủy tàn khốc lần nữa. Lời tiên tri nầy sẽ được ứng nghiệm hoàn toàn khi Giêrusalem trở thành Giêrusalem Mới mà Sứ đồ Giăng đã phát họa sơ lược trong Khải huyền 21:2. Sự Hiện Thấy Thứ Tư: Kẻ Kiện Cáo Tín Hữu (3:1-2; 8-10) Vấn đề Xachari hướng đến ở phía trước bức màn đang làm nản lòng đoàn người lưu đày là sự hiện thấy về thầy tế lễ thượng phẩm Giêhôsua, người mặc một cái áo bẩn. Trong sự hiện thấy nầy, Satan đang kiện cáo Giêhôsua. Điều Xachari muốn đề cập ở đây là tội thờ thần tượng của dân sự đã được tha thứ và thanh tẩy qua cảnh sống giam cầm, hơn là ông muốn nói đến những sự tố cáo của Satan. Satan, kẻ kiện cáo, hay lợi dụng những hậu quả hoặc sự gớm ghiếc của tội lỗi, là điều đã được tha thứ để ngày đêm kiện cáo anh em. Sách Khải huyền cho chúng ta biết rằng khi quyền lực Satan bị vô hiệu hóa thì sự cứu rỗi, sức mạnh, Vương quốc của Đức Chúa Trời chúng ta và quyền năng của Đấng Christ sẽ đến (Khải huyền 12:10). Khi Xachari kéo tấm màn lên, ông nhìn thấy và tiết lộ cho dân sự biết sự mặc khải về Ba Ngôi Đức Chúa Trời Đức Giêhôva Vạn Quân, về tình yêu và quyền năng của Đức Chúa Trời, xuyên qua Đấng Mêsia Đấng được gọi là “Đấng Biện Hộ”. Ông cũng nhìn thấy cả Đức Thánh Linh, và một phần trong những phép lạ ở tương lai là sự Tái Lâm của Đức Chúa Jêsus Christ. Sự Hiện Thấy Thứ Năm: Chân Đèn Vàng Và Nguồn Dầu (4:1-7) Vấn đề phía trước bức màn trong sự hiện thấy lần nầy góp phần làm mất tinh thần những người Do Thái bị lưu đày, là tinh thần mà họ được Đức Chúa Trời giao cho trách nhiệm để chia sẻ Lời Ngài cho toàn thế giới. Khi họ là những người nhận lãnh Lời Đức Chúa Trời cho cả thế gian, họ có nhiệm vụ phải thực hiện và rao truyền Lời ấy cho toàn thế giới. Nhìn vào ngôi Đền Thờ đổ nát, thành phố, quê hương thân yêu của họ, và ngay cả đời sống cá nhân của họ nữa, đã khiến cho họ cảm thấy rằng mình không thể nào trở thành những tấm gương, Bạn đã bao giờ ở trong một sa mạc thuộc linh nào đó, như là bệnh tật, ngã lòng, hoặc gặp phải các hình thức thất bại thuộc linh khác khi ma quỉ đưa ra những sự kiện cáo chống nghịch bạn chưa? Trong những lần bị tổn thương đó, có phải bạn nghe tiếng thì thầm rằng: “Ngươi có còn nghĩ mình là tấm gương mẫu mực cho thế giới nhìn thấy – là muối của đất và là ánh sáng của thế gian nữa không?”Khi Xachari dời bức màn đi, ông nhìn thấy Đức Thánh Linh, Đấng được mô tả như là nguồn dầu: “Người đáp lại rằng: Đây là lời của Đức Giêhôva phán cho Xôrôbabên, rằng: Ấy chẳng phải là bởi quyền thế, cũng chẳng phải là bởi năng lực, bèn là bởi Thần ta, Đức Giêhôva vạn quân phán vậy”(4:6). Khải tượng nầy bảo đảm cho dân sự rằng Đức Chúa Trời sẽ ban cho họ quyền năng để họ trở nên những người như Ngài mong muốn, và thực hiện những gì mà Ngài bảo họ, qua quyền năng của Đức Thánh Linh. Cũng giống như tiên tri Giôên và Xachari, ông đã cho chúng ta lời tiên tri kỳ diệu về ngày Lễ Ngũ Tuần. Sự Hiện Thấy Thứ Sáu: Cuộn Sách Bay (5:1-4) Vấn đề tập trung trước bức màn trong sự hiện thấy lần nầy, là những người lưu đày trở về bị áp đảo bởi sự gây rối và quyền lực của kẻ ác. Khi những điều tồi tệ xảy ra vào một lúc nào đó trong cuộc đời, nếu không thận trọng, thì chúng ta sẽ bị lấn át bởi quyền lực đáng sợ của sự gian ác. Nỗi ám ảnh về sự áp bức, cùng với quyền lực khủng khiếp của sự gian ác khiến cho dân sự Đức Chúa Trời nghĩ rằng những thế lực thiện lành và quyền năng của Đức Chúa Trời sẽ chẳng bao giờ thắng được quyền lực đáng sợ của các thế lực gian ác. Khi vén bức màn lần nữa, Xachari nhìn thấy những điều ở phía sau, và ông tiết lộ cho dân chúng qua sự rao giảng rằng Đức Giêhôva Vạn Quân sẽ trang bị cho dân sự của Ngài thắng hơn các thế lực gian ác. Theo như sự hiện thấy của Xachari, thì Đức Chúa Trời sẽ kiểm soát, giới hạn, thậm chí đôi lúc Ngài còn dùng cả sự gian ác để làm vinh hiển và hoàn thành những mục đích của Ngài. Cho dù sự gian ác chẳng có gì là tốt lành, thế nhưng Đức Chúa Trời vẫn có thể dùng trong kế hoạch của Ngài để làm thành điều ích lợi cho dân Ngài (Êsai 45:7; Rôma 8:28). Sự Hiện Thấy Thứ Bảy: Người Đàn Bà Ngồi Trong Rổ (5:5-11) Vấn đề trong sự hiện thấy lần nầy của Xachari chính là sự gian dối trong việc mua bán của thế gian. Khi vén bức màn lên, ông bày tỏ một lẽ thật, đó là sự thiếu trung thực trong việc mua bán ở đời nầy sẽ bị khống chế bởi Đức Giêhôva Vạn quân. Cho dù chúng ta không hiểu được điều nầy, cũng như tất cả những việc xấu xa trên thế giới, tuy nhiên, Đức Chúa Trời vẫn có thể dùng điều xấu để hoàn thành mục đích và đem lại vinh hiển cho chính Ngài. Giống như một người thợ kim hoàn dùng một tấm vải nhung đen làm nền để trưng bày những viên kim cương của mình, Đức Chúa Trời cũng xem điều xấu xa ở nơi phố chợ trong cõi đời nầy như cái nền màu đen, để trưng bày lên trên đó tình yêu thương vô điều kiện của Ngài. Tình yêu ấy được thể hiện qua sự tha thứ và giải cứu dân Ngài thoát khỏi kiếp phu tù, nó được phô bày qua sự cứu rỗi mà nhờ đó chúng ta mới có thể quay về với Chúa và Ngài cũng sẽ trở lại cùng chúng ta. Sự Hiện Thấy Thứ Tám: Bốn Cỗ Xe (6:1-8) Vấn đề Xachari đề cập trong sự hiện thấy lần thứ tám là việc dân sự Đức Chúa Trời đang nuôi dưỡng một nỗi sợ hãi, và ấp ủ nỗi thất vọng đối với giới lãnh đạo quá đồi bại, đến nỗi dân sự đánh mất lòng tin nơi những người lãnh đạo của mình. Trên khắp thế giới ngày nay, đâu đâu cũng đầy dẫy tình trạng các cấp chính quyền hối lộ, tham nhũng đến mức người dân vốn chính trực cũng không còn tín nhiệm và tin tưởng vào cách giải quyết và sự lãnh đạo của họ nữa. Điều Xachari nhìn thấy phía sau bức màn tương tự như sứ điệp của tiên tri Michê. Sự lãnh đạo trong sạch chỉ được tìm thấy trong Vương quốc Đức Chúa Trời. Cho đến khi Vua của các vua và Chúa của các chúa trị vì, thì lúc ấy mới không còn có những sự lãnh đạo thối nát nữa. Tuy nhiên, tương tự như ở hai sự hiện thấy trước đó, Đức Chúa Trời sẽ lãnh đạo. Đức Giêhôva Vạn Quân sẽ cầm quyền tối cao. Chính quyền trong Vương quốc Đức Chúa Trời là chính quyền có tổ chức, có quy củ và luôn ở trong sự hài hòa trọn vẹn. Lời Tiên Tri Về Đấng Mêsia Của Xachari Có nhiều nhà lãnh đạo của dân sự Đức Chúa Trời không tin Đấng Mêsia là Đấng Giải Cứu, và họ đã làm cho những người tin nhụt chí. Lời tiên tri về Đấng Mêsia của Xachari cho thấy Đức Chúa Trời sẽ ngự trên ngôi chí cao, làm Vua của muôn vua, Chúa của muôn chúa, là Đấng sẽ hợp nhất và thể hiện cả ba chức vụ Tiên Tri, Thầy Tế Lễ và Nhà Vua trong sự trị vì một nghìn năm của Ngài. Một số lời tiên tri tiêu biểu của Xachari nói về Sự Giáng Thế của Đấng Mêsia như: Xachari 3:8; 9:9, 16; 11:11-13; 12:10; 13:1,6 và đề cập đến Sự Tái Lâm của Ngài: Xachari 6:12;8:20-23;14:1-9. Trong số những câu nầy, có một câu Xachari nói tiên tri sơ lược về sự phục hưng thuộc linh của dân Do Thái. Một số học giả thủ cựu tin rằng lời tiên tri nầy có thể đã được ứng nghiệm phần nào trong ngày Lễ Ngũ Tuần và nó cũng sẽ còn được ứng nghiệm trong những ngày sau rốt (8:20-23). Chương 12: TIÊN TRI MALACHI Những năm gần đây ở Bắc Mỹ, có một tệ nạn trong giới lãnh đạo thuộc linh, họ sa ngã về mặt thuộc linh và đạo đức. Sách cuối cùng của Cựu ước chứa đựng một sứ điệp dành cho các nhà lãnh đạo tôn giáo. Tiên tri Ôsê có lời nhận xét chính xác rằng: “Thầy tế lễ thế nào, thì dân sự cũng thể ấy”(Ôsê 4:9). Đây là tình trạng thường gây tổn hại khôn lường cho dân sự Đức Chúa Trời, cho công việc Chúa, và ảnh hưởng đến sự vinh hiển của Ngài khi một lãnh đạo tôn giáo sa ngã. Malachi trình bày cách chi tiết về sự sa ngã của một nhà lãnh đạo. Mục đích của ông là muốn cho những người lãnh đạo dân sự Đức Chúa Trời thấy cần phải làm gì để ngăn chặn tiến trình dẫn đến sự chết, và phải làm thế nào để phục hồi mối tương giao với Đức Chúa Trời khi họ sa ngã. Malachi nối tiếp công tác của Aghê và Xachari sau chừng một trăm năm, và sau chức vụ của Nêhêmi khoảng mười năm. Ông cũng đối đầu với những tệ nạn tương tự như Nêhêmi,chẳng hạn như sự ly dị tràn lan, sự băng hoại đạo đức, và giới lãnh đạo thuộc linh ăn của đút lót (Nêhêmi 13:23-25). Bởi ông cùng với nhiều nhà tiên tri khác quy những vấn đề đó cho giới lãnh đạo thuộc linh, cho nên ông thường dành hầu hết sứ điệp của mình cho các thầy tế lễ đang làm nhiệm vụ chăn dắt dân Giuđa trên phương diện thuộc linh. Vị tiên tri gan dạ nầy lên tiếng cáo trách các thầy tế lễ đã xây bỏ đường lối Đức Chúa Trời, không vâng lời Ngài và gây ra nhiều tội lỗi do sự dạy dỗ vô tín, những hành vi của các thầy tế lễ thật đáng hổ thẹn trong mắt dân sự, họ đang biến “Chức thầy tế lễ thành sự chế giễu lố bịch”(2:7-9). Ông trở thành tiên tri giữa lúc dân sự Đức Chúa Trời sống hời hợt, chỉ theo hình thức tôn giáo, từ bỏ mối tương giao với Đức Chúa Trời. Tình trạng thuộc linh của họ nguội lạnh, thờ ơ khiến cho nhà tiên tri nhiệt thành nầy lấy làm đau đớn về tinh thần. Lời tiên tri của Malachi là lời cảnh báo cho những vị lãnh đạo tôn giáo trong dân Giuđa rằng, nếu chỉ tuân giữ luật lệ và hình thức mà không có sự sống thì họ chỉ giống như một xác chết mà thôi. Vị tiên tri cuối cùng của Cựu ước không rao giảng về sự hiện thấy như Xachari và Aghê, không kêu gọi dân sự Đức Chúa Trời xây lại Đền Thờ. Gánh nặng trong lòng ông và sứ điệp là Đức Chúa Trời cần có mối liên hệ yêu thương với dân sự Ngài. Thế nhưng các thầy tế lễ và dân Giuđa chẳng hề quan tâm đến việc nhận biết Chúa và kính mến Ngài. Cũng như Ôsê,Malachi nhận thấy dân sự Chúa đang phạm tội ngoại tình thuộc linh với thế gian. Khi Đấng Christ phục sinh, hằng sống truyền cho sứ đồ Giăng viết thư gởi cho Hội Thánh đầu tiên ở thành Êphêsô, Ngài trách họ vì “đã bỏ lòng kính mến ban đầu”(Khải huyền 2:4).Trở lực ở đây được nhà tiên tri sốt sắng nầy chỉ ra là dân Giuđa, đặc biệt các thầy tế lễ, đã từ bỏ tình yêu ban đầu – mối tương giao của họ với Đức Chúa Trời và đang sống trong tội lỗi. Malachi bắt đầu lời tiên tri của mình bằng những lời tốt đẹp nầy: “Gánh nặng lời Đức Giêhôva cho Ysơraên bởi Malachi. Đức Giêhôva có phán: Ta yêu các ngươi”(1:1-2a). Khi đọc xuyên suốt Kinh Thánh, nhiều người không hề nghĩ rằng họ sẽ đọc thấy tình yêu thương của Đức Chúa Trời cho tới khi đọc đến Tân ước, đặc biệt là Bài Giảng Trên Núi. Họ chẳng bao giờ nghĩ rằng sẽ tìm thấy khái niệm về tình yêu của Đức Chúa Trời qua các nhà tiên tri. Song tình yêu của Chúa thực sự luôn là đề tài chủ đạo của những tác phẩm văn chương tiên tri,chẳng hạn như Ca Thương của Giêrêmi, sách Ôsê, Giôna và Malachi. Theo những tiên tri thời Cựu ước thì Đức Chúa Trời yêu dân Ngài bằng một tình yêu không thể đạt được bằng việc làm tích cực, hoặc bị mất đi bởi việc làm tiêu cực. Chủ đề trong lời tiên tri của Malachi là Đức Chúa Trời luôn yêu thương các thầy tế lễ và dân Giuđa. Khi Malachi chia sẻ gánh nặng trong lòng mình, ông đã đến với những người mà ông vừa đề cập,và tuyên bố rằng dù gì đi nữa thì Đức Chúa Trời vẫn luôn yêu thương dân sự Ngài bằng tình yêu không điều kiện, Ngài muốn có một sự liên hệ tình yêu với họ. Hình Thức Văn Chương Của Malachi Malachi dùng thể loại văn chương tương tự như Habacúc ở chỗ vận dụng rất khéo léo. Nếu bạn là các bậc cha mẹ, đã từng cố gắng dạy dỗ con mình đang ở tuổi vị thành niên có tính nổi loạn, thì chắc hẳn bạn sẽ rất ngưỡng mộ hình thức văn chương mà Malachi chọn để truyền đạt sứ điệp của Đức Chúa Trời cho dân Ngài. Tương tự như thể loại văn chương mà Habacúc đã dùng, bạn có thể gọi hình thức văn chương của Malachi là văn chương “diễn đàn” hay “thảo luận” cũng được. Trong lời tiên tri của mình, Malachi có nhiệm vụ truyền đạt cho các thầy tế lễ và cả dân Giuđa biết họ đã xây bỏ khỏi mối tương giao với Chúa ra sao và ở chỗ nào. Cứ mỗi lần ông nói với họ điều nầy, họ đều phủ nhận trách nhiệm, và giống như một trẻ vị thành niên đang đứng trước cha mẹ nó, dân sự hỏi: “Ai? Tôi hả?” hoặc “Chúng tôi làm việc đó hồi nào?”Malachi hàm ý rằng Đức Chúa Trời đang nhìn thấy những việc họ làm. Thế nhưng dân sự đã phủ nhận tất cả và từ chối tiếp nhận một sự thật khó nghe là những lời lên án, cáo trách của Cha thiên thượng qua vị tiên tri trung thành nầy. Có bảy bài tranh luận dưới hình thức diễn đàn văn chương và đó cũng là bố cục của sách. Có một vị giáo sư Kinh Thánh tài ba nọ là người mở ra cho tôi sự hiểu biết về các tiên tri,gọi bảy cuộc tranh luận nầy là “Bảy Lời Thì Thầm Của Tấm Lòng Đang Nguội Lạnh Đối Với Chúa”. Chương 13: BẢY LỜI THÌ THẦM CỦA TẤM LÒNG ĐANG NGUỘI LẠNH ĐỐI VỚI CHÚA Thứ Nhất: Nghi Ngờ Tình Yêu Của Đức Chúa Trời (1: 1-5) Malachi bắt đầu lời tiên tri của mình với câu tuyên bố: “Gánh nặng lời Đức Giêhôva cho Ysơraên bởi Malachi. Đức Giêhôva có phán: Ta yêu các ngươi” (Malachi 1:1-2a), thì cuộc tranh luận thường bắt đầu bằng phản ứng: “Có thật không, Chúa yêu chúng tôi hồi nào?” Malachi trả lời dân sự bằng những gợi ý về các chứng cứ của tình yêu Đức Chúa Trời dành cho họ. Mọi mối quan hệ yêu thương được biểu lộ qua hai chiều: cho và nhận. Có một câu hỏi tế nhị được ngụ ý ở đây: “Nếu bạn không còn gần gũi Đức Chúa Trời như trước đây, thế thì lỗi do ai vậy?” Hoặc “Nếu hiện giờ bạn không còn có mối quan hệ yêu thương với Đức Chúa Trời như xưa nữa, thế thì trách nhiệm thuộc về ai ?” Khi chúng ta nghi ngờ tình yêu của Đức Chúa Trời, có nghĩa là đã có sự bất ổn xảy ra trong tình yêu của chúng ta với Ngài. Trong sách Khải huyền, các vị lãnh đạo là những người chăn dắt dân sự Chúa trong thời kỳ thiên niên kỷ đã được mô tả là hai mươi bốn trưởng lão đang ngồi trên những ngai nhỏ xung quanh một ngai lớn ở trên trời. Các vị trưởng lão nầy mặc áo trắng tinh, đầu đội mão triều thiên bằng vàng ròng. Chúng ta đọc thấy rằng mỗi người trong số họ đều cầm một cây đàn và những bình bằng vàng đựng đầy hương (Khải huyền 4:4; 5:8). Những chiếc áo trắng của các trưởng lão tượng trưng cho đời sống đạo đức thánh khiết của họ, hoặc ngụ ý rằng họ đã đến đích. Mão triều thiên bằng vàng biểu tượng cho chiến thắng thuộc linh về đức tin. Chúng ta còn được biết rằng những bình bằng vàng đựng đầy hương kia chính là những lời cầu nguyện của dân sự, và hình ảnh mỗi trưởng lão cầm một cây đàn chứng tỏ họ là những người đang thờ phượng Đức Chúa Trời. Làm sao mà dân sự Chúa trở nên giống như xác chết thuộc linh? Theo Malachi, tiến trình nguy hiểm chết người nầy thường bắt đầu khi người lãnh đạo thuộc linh nghi ngờ tình yêu của Đức Chúa Trời dành cho cá nhân mình, và theo thời gian, người ấy sẽ dần dần xao lãng không còn cầu nguyện, bày tỏ tình yêu của mình đối với Chúa nữa. Lẽ thật nầy rõ ràng cũng Thứ Hai: Khinh dể Danh Đức Chúa Trời (1: 6- 2:4) Sự lên án kế tiếp của Đức Chúa Trời qua Malachi được tóm lược trong lời thì thầm thứ hai nói về tấm lòng đang ngày càng nguội lạnh với Chúa. Về cơ bản, lời thì thầm thứ hai xuất hiện khi các nhà lãnh đạo thuộc linh hoặc tín đồ của Chúa khinh dể danh Ngài. Lời đối đáp lại tiếp tục với sự phủ nhận: “Chúng tôi khinh dể danh Đức Chúa Trời hồi nào?”. Liền có câu trả lời: “Vào mỗi khi các ngươi nói: thật là phiền phức khi phải dâng thứ gì thật có giá trị cho Đức Giêhôva!” Malachi đang nói với các thầy tế lễ nầy rằng: “Khi các ngươi thản nhiên dâng cho Đức Chúa Trời những con vật bị bệnh, bị mù lòa và què quặt để làm của lễ thì ấy là lúc các ngươi khinh dể danh Ngài”. Một trong số những sứ điệp mạnh mẽ nhất của Malachi là chuyển tải Lời Đức Chúa Trời đến cho các thầy tế lễ nầy, chính là lời ông tuyên bố: “Nầy, Ta sẽ quở trách giống gieo của các ngươi, rải phân trên mặt các ngươi, tức là phân của những lễ các ngươi; các ngươi sẽ bị đem đi với phân ấy”(2:3). Ông kêu lớn tiếng rằng: “Ước gì trong các ngươi có một người đóng các cửa, hầu cho các ngươi không nhen lửa vô ích nơi bàn thờ Ta. Đức Giêhôva vạn quân phán: Ta chẳng lấy làm vui lòng nơi các ngươi, và Ta chẳng nhận nơi tay các ngươi một của dâng nào hết”(1:10). Danh của Đức Chúa Trời nói lên bản chất của Ngài. Nghiên cứu kỹ lưỡng về các danh xưng của Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh là chúng ta đang thực sự nghiên cứu về bản tánh của Ngài. Điều thứ ba trong Mười Điều Răn cảnh cáo chúng ta là không được lấy danh Đức Giêhôva ra đùa cợt (Xuất Êdíptô ký 20:7). Điều răn nầy không chỉ cấm chúng ta không được xúc phạm, mà còn ra lệnh cho chúng ta không được gọi danh Đức Chúa Trời trong lúc thờ phượng nếu trong lòng không kính sợ Ngài, và cũng không được gọi danh Ngài một cách vô cớ. Khi Chúa Jêsus dạy các sứ đồ cầu nguyện, sau khi bảo họ hãy xưng Đức Chúa Trời là Cha Thiên Thượng, Ngài dạy họ lời cầu xin đầu tiên như vầy: “Danh Cha được tôn thánh” (Mathiơ 6:9). Các thầy tế lễ vẫn cứ thản nhiên chấp nhận những của lễ mà dân Giuđa dâng cho Đức Chúa Trời một cách kém chất lượng. Và khi dân sự của Đức Chúa Trời làm điều ấy có nghĩa là họ đang khinh dể danh Ngài. Chẳng khác nào họ tuyên bố rằng Đức Chúa Trời không có giá trị gì cả. Sự phục vụ của chúng ta cũng nói lên điều chúng ta đang suy nghĩ Ngài là ai, và là Đấng như thế nào. Theo Malachi, lời thì thầm thứ hai của tấm lòng đang ngày càng nguội lạnh với Đức Chúa Trời chính là sự khinh dể danh Ngài. Bạn có thấy chính mình ở trong những lời thì thầm nầy không? Bạn có mối tương giao yêu thương, thân mật, kính mến và một cách cá nhân với Chúa không? Phải chăng bạn đang bày tỏ qua sự thờ phượng của mình rằng bạn yêu Chúa và nhận thức được Ngài là ai và Ngài xứng đáng như thế nào? Thứ Ba: Phá Vỡ Sự Cam Kết Với Đức Chúa Trời (1:13) Khi một nhà lãnh đạo thuộc linh, một tín đồ tin kính không còn biểu lộ mối tương giao yêu thương một cách cá nhân đối với Đức Chúa Trời trong sự thờ phượng, và có những hành động cho thấy họ đang coi thường Ngài, không cần biết Ngài là ai, và là Đấng thế nào, thì lúc ấy lời thì thầm kế tiếp dấy lên từ tấm lòng của họ rằng công việc Chúa sao mà khó khăn Bây giờ tôi xin nhắc lại với bạn cụm từ được dành cho chúng ta trong tiên tri Aghê, cũng như cả Kinh Thánh, rằng: “Chúa là trên hết!”. Từ Sáng thế ký đến Khải huyền, chúng ta thường gặp lời thách thức là hãy đặt Chúa lên hàng đầu và chỉ thờ phượng một mình Ngài mà thôi. Khi một người lãnh đạo trong Hội Thánh hầu việc Đức Chúa Trời với tấm lòng bị phân tâm thì không bao lâu sau người ấy sẽ thấy công việc Ngài vô cùng khó khăn. Những người đáng thương nhất trên thế gian nầy chính là những người lãnh đạo thuộc linh, hoặc những tín đồ tin kính đang hầu việc Đức Chúa Trời song không hết lòng tận tụy với Ngài. Hãy tìm kiếm thực chất của lẽ thật nầy xuyên suốt Kinh Thánh: “Nếu Đức Chúa Trời là trên hết đối với bạn, thì Ngài là quan trọng nhất với bạn. Vì trước khi Đức Chúa Trời chưa là quan trọng nhất đối với bạn, thì Ngài thực sự không phải là trên hết đối với bạn”. Bây giờ hãy xem Êli thách thức dân sự Chúa trên núi Cạtmên ra sao qua câu hỏi: “Các ngươi đi giẹo hai bên cho đến chừng nào? Nếu Giêhôva là Đức Chúa Trời, khá theo Ngài; nếu Baanh là Đức Chúa Trời, hãy theo hắn”(ICác vua 18:21). Cũng hãy nghe Lời Đấng Christ hằng sống phục sinh đã phán cho Hội thánh Laođixê: “Ta biết công việc của ngươi; ngươi không lạnh cũng không nóng. Ước gì ngươi lạnh hoặc nóng thì hay! Vậy, vì ngươi hâm hẩm, không nóng cũng không lạnh, nên Ta sẽ nhả ngươi ra khỏi miệng Ta” (Khải huyền 3:15-16). Giacơ nói cho chúng ta biết kẻ nghi ngờ thì thường hay dao động, không chắc việc gì cả. Khi tôi nhìn thấy được vấn đề nầy, tôi cũng nhận được sự dạy dỗ của Chúa Jêsus rằng nếu chúng ta có cái nhìn lạc quan, sáng sủa thì chúng ta sẽ có cuộc sống hạnh phúc vui vẻ, còn nếu chúng ta có “cái nhìn thuộc linh một cách hoài nghi” thì nó chỉ dẫn chúng ta đến sự tối Hình Ảnh Của Một Thầy Tế Lễ (2: 5-9) Khi trình bày nội dung mà ông đề cập đến trong chương hai, Malachi mô tả cho chúng ta về hình ảnh một thầy tế lễ thật của Đức Chúa Trời là người như thế nào. Ông trích dẫn những lời Môise nói về Lêvi, tổ phụ của các thầy tế lễ: “Người đã truyền đạt cho dân sự tất cả những lẽ thật mà người đã nhận lãnh từ Ta. Luật pháp của sự chân thật đã ở trong miệng người, trong môi miếng người chẳng có một sự không công bình nào; người đã bước đi với Ta trong sự bình an và ngay thẳng, làm cho nhiều người xây bỏ khỏi sự gian ác”(Phục truyền 33:10; Malachi 2:6). Như một món quà để tỏ lòng tri ân đến các Mục sư đã dành nhiều năm hầu việc Chúa cách trung thành và tận tụy, hết lòng với công việc Chúa, một số Phái Đoàn Truyền Giáo đã khắc những lời của Môise và Malachi nầy vào một tấm bảng bằng đồng rồi đặt nó ở một nơi thật dễ nhìn, ngay tại nhà thờ mà họ từng hầu việc Chúa, để cho các thế hệ sau có thể đọc đến. Thứ Tư: Phá Vỡ Giao Ước Hôn Nhân (2:10-16) Một khi các thầy tế lễ và người Giuđa đã phá vỡ mối giao ước theo chiều đứng với Đức Chúa Trời thánh khiết, thì chúng ta có thể nghĩ rằng đó là vấn đề trước khi họ phá vỡ giao ước theo chiều ngang với người phối ngẫu của họ. Hãy cố gắng theo dõi tiếp những lời thì thầm nầy. Khi giao ước theo chiều dọc với Chúa đã bị rạn nứt, thì giao ước theo chiều ngang với con người cũng chẳng khác nào những vỏ bánh mì khô giòn bị nát vụn ra. Salômôn nói với chúng ta rằng cha mẹ ví như cái cung, còn con cái thì giống những mũi tên. Con cái bước vào đời như thế nào là tùy thuộc vào sự hướng dẫn và dạy dỗ của cha mẹ.Giả sử bạn là một người gian ác, và bạn biết được ẩn dụ của Salômôn, trình bày lẽ thật về việc con cái cần phải được nuôi nấng và dạy dỗ để chuẩn bị cho chúng bước vào cuộc sống,thì liệu bạn sẽ làm gì đây? Có lẽ bạn sẽ cố cắt đứt sợi dây cung ấy chăng? Đó là điều mà các bậc cha mẹ xấu xa đã làm trong thời vị tiên tri cuối cùng nầy sống và rao giảng. Và dường như ông cũng nói điều đó với chúng ta ngày nay. Hãy nhớ rằng Malachi đang lập biểu đồ cho những lời thì thầm của một tấm lòng đang ngày càng nguội lạnh với Chúa. Ông cảnh báo dân Giuđa hễ giao ước của họ với Chúa bị gãy đổ thì giao ước của họ với con người sớm muộn gì cũng sẽ bị phá vỡ. Ông chủ yếu nói đến mức độ xa cách nguội lạnh của các thầy tế lễ với Chúa, khiến họ đi đến chỗ coi việc ly hôn như là điều giải quyết chính đáng, bởi họ đồng tình, chấp nhận của tế lễ của những người đã ly hôn. Malachi lên án một cách mạnh mẽ rằng những người đã ly dị nầy vừa lấy nước mắt che lấp bàn thờ, lại vừa trách móc Chúa sao lại lấy đi các ơn phước mà Ngài đã ban trên đời sống họ. Sau đó ông giải thích lý do tại sao Đức Chúa Trời lại cất đi những phước hạnh mà Ngài đã ban cho người Giuđa, đó là vì họ đối xử phụ bạc với vợ mình bằng việc ly dị. Người vợ đã chung thủy với họ ngay từ khi họ còn rất trẻ. Họ từng lập giao ước cách nghiêm túc với Chúa và với vợ mình là sẽ chung sống trọn đời, cho dù có ra sao, và chỉ có sự chết mới chia lìa họ. Theo Malachi thì việc phá vỡ giao ước chính là sự phản bội. Thứ Năm: Vấn Đề Đạo Đức Tương Đối (2:17-3:7) Để chữa lành nỗi đau tội lỗi của họ, cách duy nhất mà qua đó họ có thể sống không trung thực là đặt ra cái gọi là đạo đức tương đối. “Đạo đức mới” hay “Đạo đức tương đối” làm xoa dịu bệnh tâm thần phân liệt thuộc linh và cho những người Do Thái hai lòng nầy có một tiêu chuẩn an ủi mới giúp họ cứ sống theo nguyên tắc và đời sống tội lỗi. Khi bạn nghĩ đến phương diện đạo đức tuyệt đối theo Luật Pháp Đức Chúa Trời do Môise ban hành, thì ý tưởng về “Đạo đức mới” hay “Đạo đức tương đốiû” chỉ là thần học quái gở mà thôi. Chúng ta hãy nghĩ đến ý tưởng về tinh thần đạo đức tương đốiû, hoặc luân thường đạo lý ở thế kỷ 21 nầy, là sự phát triển về phương diện đạo đức mới đây. Nhưng nếu bạn đọc và tin các vị tiên tri, thì bạn sẽ nhận ra rằng tất cả họ đều gần như giống Malachi trong việc chỉ ra những vấn đề về tinh thần đạo đức giả nầy. Malachi lên án các thầy tế lễ và dân Giuđa vì họ cho rằng gian ác là tốt, những người gian ác làm đẹp lòng Đức Chúa Trời, rằng Ngài không để ý đến vấn đề về đạo đức thậm chí Ngài không hề quan tâm đến điều ấy nữa (2:17). Nếu không để ý đến sự phân chia của những phân đoạn trong chương nầy, thì bạn có thể thấy Malachi dùng một cuộc tranh luận của hai nhóm người đang bài bác về vấn đề đạo đức tương đối của những người đang cố xoa dịu sự mặc cảm về tội lỗi của mình. Thứ nhất, Malachi nói đến sự kiện Đấng Mêsia hiện đến lần đầu, tức là Sự Giáng Sinh của Ngài (3:1-6). Ông hỏi: “Nhưng ai sẽ đương nổi ngày Ngài đến, và ai đứng được khi Ngài hiện ra”(3:2a). Khi Đấng Mêsia đến, Ngài giống như ngọn lửa nóng rực của thợ kim hoàn dùng để tôi luyện các kim loại quý, Ngài sẽ tẩy sạch những chiếc áo dơ bẩn nhất, thánh hóa các đặc sứ của Đức Chúa Trời, Ngài cũng sẽ làm mọi điều ra ngay thẳng trong Thành Thánh (3:2-5). Khi Đấng Mêsia đến, Ngài sẽ rao giảng rằng Đức Chúa Trời vốn không hề thay đổi, và Ngài luôn có ý muốn như vậy về vấn đề đạo đức (3:6). Phần hai trong cuộc tranh luận của Malachi nằm ở chương bốn, tập trung vào sự hiện đến lần thứ hai của Đấng Mêsia (Malachi 4:1-2;3:18). Malachi đang rao giảng về một trong những luật lệ căn bản, không bao giờ thay đổi của Đức Chúa Trời, được nhấn mạnh trong Kinh Thánh – rằng Ngài không hề dửng dưng trước vấn đề đạo lý của con người và chúng ta sẽ phải gặt lấy những gì mình đã gieo. Thứ Sáu: Ăn Trộm Của Đức Chúa Trời (3:8-12) Tiếng nói thì thầm thứ sáu của tấm lòng đang nguội lạnh với Chúa, nằm ở trong lời buộc tội của Malachi rằng các thầy tế lễ và dân Giuđa đang ăn trộm của Đức Chúa Trời. Tiếp theo là lời tranh luận của dân sự: “Chúng tôi ăn trộm của Chúa hồi nào?” Họ được bảo cho biết là đã ăn trộm của Ngài khi không chịu dâng một phần mười cho Ngài. Trong tiếng Hêbơrơ, từ “một phần mười” có nghĩa là “phần thứ mười”. Ý nghĩa đặc biệt của từ nầy là phần thứ mười đầu tiên của mọi thứ mà người tín đồ tin kính nhận được trong cuộc sống. Việc dâng phần mười là cơ hội cho con cái Chúa học tập, rèn luyện và kế đến là để lượng giá được mức độ của việc mình đang thực hiện nguyên tắc “Chúa là trên hết” mà Kinh Thánh đã dạy. Khi dân sự Chúa tiến chiếm Đất Hứa, thì tất cả các chiến lợi phẩm của mười thành đầu tiên mà họ chiếm được đều thuộc về Đức Chúa Trời. Thậm chí dân sự còn phải dâng tất cả con trai đầu lòng của mình cho Ngài nữa. Ngoài việc dâng một phần mười, luật pháp Đức Chúa Trời còn dạy con cái Chúa phải dâng những của lễ và các sinh tế. Đavít từng nói rõ thế nào là một của lễ khi ông viết: “Ta không muốn dâng cho Giêhôva Đức Chúa Trời ta những của lễ thiêu không đáng giá chi”(IISamuên 24:24). Theo cái nhìn của Malachi về việc dâng một phần mười, ấy là phần thứ mười đầu tiên của tất cả những gì họ có và nhận được, vì đó rõ ràng là phần của Chúa, cho nên hễ họ từ chối không dâng phần mười cho Chúa, có nghĩa là họ đang ăn trộm những gì thuộc về Ngài. Hãy xem xét nội dung lời thì thầm thứ sáu của tấm lòng đang nguội lạnh với Đức Chúa Trời. Sau đó bạn sẽ thấy cảm phục tài khéo léo của nhà tiên tri nầy khi ông mô tả sơ lược tiến trình dần dần đi đến sự bội đạo của con dân Chúa: Họ không còn tận hiến tình yêu cho Đức Chúa Trời nữa, hành động của họ không còn thể hiện lòng ngưỡng mộ, tôn quý Chúa là Đấng đáng được tôn quý. Có một sự gãy đổ trong sự kết ước với Đức Chúa Trời. Khi sự kết ước với Đức Chúa Trời gãy đổ sẽ kéo theo sự kết ước giữa con người với nhau bị đổ vỡ. Khi chúng ta lắng nghe xong năm lời thì thầm đầu, có lẽ chúng ta mong ước sẽ có một sự cản trở nào đó trong việc dâng phần mười và sự dâng hiến. Lời thì thầm thứ sáu đến muộn hơn trong tiến trình nầy, và Malachi đã dùng sứ điệp của mình chủ yếu để nói với các thầy tế lễ suy đồi. Chúng ta có thể nghĩ rằng ông đang ám chỉ đến những thầy tế lễ dường như đã biển thủ các phần mười và các của tế lễ. Thứ Bảy: Sự Vô Tín! (3: 13-15) Lời thì thầm thứ bảy của tấm lòng đối với Chúa giờ đây đã hoàn toàn nguội lạnh, đó là sự vô tín. Khi Malachi làm phát ngôn cho Đức Chúa Trời, ông đã nói một cách mạnh mẽ về sự vô tín, ông cũng công bố lời tuyên cáo thứ bảy nghịch cùng các thầy tế lễ và dân Giuđa và họ đã cãi trả với ông: “Đức Giêhôva Vạn Quân phán: ‘Thái độ của các ngươi đối với Ta thật kiêu căng và ngạo mạn’. Nhưng các ngươi nói: ‘Ngài nói như vậy có nghĩa là gì? Chúng tôi đã nói điều gì nghịch cùng Ngài cơ chứ?’ Hãy lắng nghe, các ngươi đã nói rằng: ‘Thật là dại dột khi thờ phượng Đức Chúa Trời và vâng lời Ngài. Vâng theo luật pháp của Ngài, và buồn rầu về tội lỗi của mình thì có ích gì nào? Từ xưa đến nay chúng tôi chỉ thấy những kẻ ngạo mạn là có phước! Đối với kẻ ác sẽ được thịnh vượng và ngay cả kẻ thách thức Ngài cũng được thoát nạn”. Mặc dù các thầy tế lễ nầy không còn tin Chúa nữa, song từ khi sinh ra đã là thầy tế lễ rồi, vì thế làm sao họ có thể từ bỏ chức vị nầy được. Họ cứ tiếp tục làm thầy tế lễ. Một trong những nhiệm vụ của các thầy tế lễ là dạy Kinh Thánh cho dân Giuđa, nhưng họ sẽ dạy dân sự điều gì một khi họ không còn tin vào Kinh Thánh nữa? Theo Malachi thì họ đã dạy rằng:“Những kẻ ngạo mạn là có phước!” Nếu bạn quen thuộc với Kinh Thánh, ắt bạn biết rõ Đức Chúa Trời ghét kẻ tự cao và kiêu ngạo là dường nào. Sự tự cao là cội nguồn của mọi tội lỗi. Vậy thì tại sao các thầy tế lễ lại giảng dạy: “Những kẻ kiêu ngạo là có phước?” Ở đây, Malachi muốn nói với chúng ta rằng các thầy tế lễ giờ đây đã hoàn toàn mất đức tin. Khi chúng ta nghe lời giảng rõ ràng trái với Kinh Thánh, chúng ta không thể không ngạc nhiên là tại sao họ lại đi đến mức bội đạo và vô tín như thế. Câu trả lời thật sâu sắc của Malachi là tất cả mọi điều đó bắt đầu kể từ khi chúng ta lắng nghe những lời thì thầm của lòng mình. Phải mất nhiều năm, thì một tín hữu hoặc một vị lãnh đạo thuộc linh mới có thể nghe thấy bảy lời thì thầm nầy trong lòng mình. Nếu bạn thả một con ếch vào trong chảo nước đang sôi, chắc chắn nó sẽ nhảy ra khỏi chảo. Thế nhưng, nếu bạn bỏ nó vào trong chảo nước lạnh và tăng nhiệt độ lên từ từ, thì nó sẽ sớm bị luộc chín hoàn toàn. Tiến trình tinh vi nầy được Malachi mô tả sơ lược tương tự theo cách đó – thật chậm rãi – nhưng hậu quả cuối cùng của nó lại sản sinh ra những nhà lãnh đạo thuộc linh suy đồi, tệ nạn ly dị, đạo đức tương đối và sự vô tín. Chương 14: PHẦN KẾT (Malachi: 3:16- 4:4) Việc nghiên cứu tỉ mỉ về Kinh Thánh được nói ở trên cho thấy rằng bài giảng của Malachi đã kết thúc tại chương ba câu mười lăm. Phần còn lại của sách tiên tri nầy là phần kết luận, mô tả việc đáp ứng với bài giảng vĩ đại của Malachi về tấm lòng nguội lạnh của các tín hữu, họ đã bỏ đi mối tương giao với Đức Chúa Trời, thậm chí cả đức tin của họ nữa, và những người kính sợ Đức Chúa Trời thì không làm như vậy. Qua sách tiên tri Malachi, chúng ta nghe được sự trả lời của Đức Chúa Trời cho những lời tranh luận của các thầy tế lễ và dân Giuđa có tấm lòng cứng cỏi và nguội lạnh với Ngài.Trong phần kết có hậu nầy, chúng ta nghe được sự đáp lại yêu thương của Đức Chúa Trời đối với những con dân thật của Ngài, là những người kính sợ và yêu mến Đức Giêhôva, đã được xác nhận trong sự rao giảng của Malachi. Họ là dân sự của Đức Chúa Trời, đã không rời bỏ tình yêu ban đầu, hoặc đã ăn năn và quay trở lại với tình yêu mà họ dành cho Đức Chúa Trời qua lời giảng của Malachi. Chúng ta hãy đọc: “Bấy giờ những kẻ kính sợ Đức Giêhôva nói cùng nhau, thì Đức Giêhôva để ý mà nghe; và một sách để ghi nhớ được chép trước mặt Ngài cho những kẻ kính sợ Đức Giêhôva và tưởng đến danh Ngài”(3:16). Mục tiêu sứ mệnh của Malachi là phục hồi lại mối tương giao yêu thương của Đức Chúa Trời với dân sự Ngài qua một cơn phục hưng thuộc linh. Sách Malachi kết thúc bằng việc nói cho chúng ta biết Malachi đã đạt được mục tiêu của mình, vì những lời nầy mô tả về một cơn phục hưng. Phần kết cũng ký thuật về sự trả lời tuyệt diệu của Đức Chúa Trời cho sự đáp ứng nầy của các nhà tiên tri và những con dân thật của Ngài. Malachi trình bày khi sự hiện đến lần thứ hai của Đấng Christ xảy ra thì Mặt Trời sẽ mọc lên, trong cánh Ngài có sự chữa bệnh để chữa cho những người trung tín. Nhưng Ngài sẽ dành sự đoán phạt cho những kẻ nguội lạnh – là những người mà Malachi nói đến rất nhiều trong sách tiên tri của ông. Ông cho họ biết rằng rồi đây họ sẽ biết được Đức Chúa Trời sẽ nghĩ gì về vấn đề đạo đức tương đối. Malachi kết thúc sự rao giảng sống động của mình bằng việc nói về sự hiện đến của một vị tiên tri giống như Êli. Người ấy sẽ tiên báo và giới thiệu về Đức Chúa Jêsus Christ. Chúa Jêsus xác nhận rất rõ rằng Giăng Báptít chính là vị tiên tri đó (Mathiơ 11:7-14). Tuy nhiên, lại cũng có người nghĩ Giăng Báptít là do Êli đầu thai, song Giăng đã dứt khoát phủ nhận (Giăng 1:21). Có lẽ Malachi kết thúc sách tiên tri của mình như thế nầy: “Vẫn còn tiếp diễn – trong vòng bốn trăm năm!” Sau bốn trăm năm yên lặng, khi mà dân Do Thái không có tiên tri hay là Lời Đức Chúa Trời, thì Giăng Báptít đã đến rao giảng trong tinh thần và linh lực của Êli. Các thầy tế lễ, những nhà lãnh đạo thuộc linh, và dân Giuđa đã bỏ nhiều giờ để lắng nghe nhà tiên tri được gọi là vĩ đại nhất trong tất cả các tiên tri. Khi Chúa Jêsus rao giảng, thì những nhà lãnh đạo tôn giáo cũng đã bỏ ra nhiều thì giờ lắng nghe Đấng Mêsia của họ. Một số người trong họ đã ném đá Ngài, nhưng cũng có một số người khác thì la lên: “Chúng ta đã gặp được Đấng Mêsia!” Đó là những người tin Ngài, bước theo Ngài, và trở thành môn đồ của Ngài. Niềm vui đã đến với bạn khi khảo sát Cựu ước, và tôi xin kết thúc tại đây bằng hai câu hỏi thách thức bạn: 1.Bạn sẽ làm gì với những điều vừa học được? Bạn sẽ loại bỏ Đấng Mêsia ra khỏi cuộc đời mình hay sẽ bước theo Ngài? 2.Bạn có cùng chúng tôi tiếp tục nghiên cứu Kinh thánh khi chúng tôi bắt đầu khảo sát Tân ước không? Nguồn tài liệu: HỘI HỢP TÁC TRUYỀN GIÁO QUỐC TẾ TRƯỜNG CAO ĐẲNG THÁNH KINH |
|||